Aa

Đại biểu Quốc hội lên án hành vi “chống lệnh” giao đất tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

Chủ Nhật, 13/01/2019 - 20:31

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Hoằng Hóa trong việc chậm trễ thi hành án. Trong khi đó, công dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Phó Chủ tịch UBND huyện về phát ngôn "chống chế".

Mặc dù bản án hành chính của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có hiệu lực pháp luật 1 năm, công dân nhiều lần có đơn đề nghị, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương liên tục có văn bản đôn đốc giao đất cho dân, nhưng UBND huyện Hoằng Hóa vẫn chưa thi hành án.

Công dân phản ứng với phát ngôn của lãnh đạo huyện Hoằng Hóa

Công dân Trương Xuân Lễ (Hoằng Tiến, Hoằng Hóa) vừa có đơn kêu cứu gửi cơ quan có thẩm quyền, đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Hoằng Hóa và cá nhân ông Nguyễn Đình Tuy - Phó Chủ tịch UBND huyện này trước việc chậm trễ thi hành bản án số 55/2017/HC-ST và Quyết định buộc thi hành án số 01/2018/QĐ-THA về việc thực hiện bàn giao 1.570m2 đất cho gia đình ông.

Trước đó, tại buổi làm việc ngày 08/01/2019, đại diện UBND huyện Hoằng Hóa là ông Nguyễn Đình Tuy - Phó Chủ tịch UBND huyện đã khẳng định: “Huyện chả có dại gì mà giao đất, chắc chắn là không bao giờ...”, ông Tuy nói sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giao đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cắm xong mốc giới.

Ông Trương Xuân Lễ băn khoăn: “Phải chăng, lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa tuyên bố không thi hành án, không thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và bản án hành chính của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa? Tôi cho rằng, UBND huyện Hoằng Hóa mà đại diện là ông Nguyễn Đình Tuy đang cố tình không thi hành bản án hành chính, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, để pháp luật, bản án/quyết định có hiệu lực của Tòa án được lãnh đạo huyện Hoằng Hóa tôn trọng và tuân thủ, tôi làm đơn này tiếp tục kêu cứu và tố cáo đối với hành vi cố tình không thi hành án hành chính của lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Lễ nêu trong đơn.

Ông Trương Xuân Lễ (ngồi) cùng luật sư bảo vệ quyền lợi xung quanh vụ việc huyện Hoằng Hóa chậm trễ thi hành án. Ảnh: An Nguyên.

Ông Trương Xuân Lễ (ngồi) cùng luật sư bảo vệ quyền lợi xung quanh vụ việc huyện Hoằng Hóa chậm trễ thi hành án. Ảnh: An Nguyên.

Công dân này cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản yêu cầu UBND huyện Hoằng Hóa thi hành bản án số 55/2017/HC-ST ngày 24/10/2017 và Quyết định buộc thi hành án hành chính số 01/2018/QĐ-THA ngày 20/03/2018 của TAND tỉnh Thanh Hóa theo đúng quy định của pháp luật.

“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Hoằng Hóa phải giao 1.570m2 đất gồm có 1.070m2 thửa 228, 350m2 thửa 230 và 150m2 thửa 231 – tờ bản đồ số 10 – Bản đồ 364, đo vẽ năm 1996 (theo kết quả đo đạc và cắm mốc giới ngày 05/01/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) cho tôi - Trương Xuân Lễ đại diện các con cụ Trương Xuân Viết, cụ Lê Thị Đường tiếp tục quản lý, sử dụng;

Buộc UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện việc kiểm kê, thu hồi và bồi thường về đất, tài sản trên đất cho các con cụ Trương Xuân Viết, cụ Lê Thị Đường tại thửa 228, 230, 231 để sử dụng làm quảng trường khu du lịch Hải Tiến theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013.

Xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa, cụ thể là Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa – ông Nguyễn Đình Tuy vì đã có hành vi cố ý không thi hành án theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, không thi hành bản án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án và có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án quy định tại Điều 314 Luật tố tụng hành chính và Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính Phủ”, ông Trương Xuân Lễ nêu rõ trong đơn.

Không ai có quyền đứng trên pháp luật

Một số ý kiến cho rằng, việc UBND huyện Hoằng Hóa không thực hiện nghiêm phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo tiền lệ xấu trong công tác thi hành án hành chính và gây bức xúc trong dư luận.

Bình luận về sự việc này, hôm 13/1, trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng, việc UBND huyện Hoằng Hóa không thi hành bản án của tòa án là hành vi coi thường, vi phạm pháp luật.

“Pháp luật là thượng tôn. Pháp luật đã quy định như thế nào thì phải thi hành như vậy, không loại trừ người đó là ai. Khi Tòa án nhân dân đề nghị thi hành, thì những người có trách nhiệm phải thực thi theo quy định của bản án đã có hiệu lực. Nếu ai không thực hiện, hoặc thực thi sai bản án của tòa thì người đó phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Còn nếu anh không thi hành thì đó là hành vi ứng xử tùy tiện, vi phạm pháp luật rất rõ ràng”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, trong vụ việc này, tỉnh Thanh Hóa cần có thái độ cứng rắn đối với cấp dưới không thi hành bản án theo đúng quy định của pháp luật: “Nếu tỉnh chỉ đạo mà huyện không nghe thì công dân có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn, đề nghị có hình thức xử lý đối với hành vi chống không thi hành án, đồng thời đây cũng là cách đảm bảo lợi ích của người dân trước bản án mà tòa đã phán quyết.

Trong trường hợp này chính quyền cần tuân thủ thực hiện bản án để đảm bảo quyền lợi của người dân. Có như vậy mới gọi là chính quyền của dân, do dân, vì dân, lấy pháp luật làm thượng tôn”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh của Zing.vn.

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh của Zing.vn.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Bình, Trưởng văn phòng luật sư Thành Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, có thể bị truy tố trước pháp luật hành vi không thi hành án.

Vị Luật sư viện dẫn: "Nghị định 71/2016/NĐ-CP, ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án quy định rõ: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án có trách nhiệm ổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu.

Xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

Theo quy định tại Mục 1, Mục 2, Chương III, Xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính, Nghị định 71/2016/NĐ-CP thì Cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, đến buộc thôi việc nếu có vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính (tùy thuộc vào mức độ vi phạm).

Mặt khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành án, cố ý cản trở việc thi hành án có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Người đứng đầu, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong thi hành án hành chính", Luật sư Bình nói.

Luật sư Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, việc cơ quan hành pháp trong trường hợp nêu trên không thực hiện thi hành án theo bản án sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong công tác thi hành án hành chính nói riêng, thi hành án nói chung.

Không lẽ Chủ tịch tỉnh không thể kỷ luật được lãnh đạo huyện?"

Thi hành án cơ quan Nhà nước hay đối với công dân thì cũng đều phải bình đẳng trước pháp luật. Tôi nghĩ đối với cơ quan Nhà nước cần phải gương mẫu, khó khăn gì chăng nữa thì cơ quan Nhà nước cũng phải thi hành đầu tiên, trước tiên trước pháp luật. Nếu việc chậm trễ thi hành án gây thiệt hại tới công dân thì phải bồi thường. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước cố tình không thi hành án thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự giống như bao vụ án khác, chứ không thể coi bản án đối với cơ quan hành chính nhà nước khác với các đối tượng khác. 

Việc thi hành án có trách nhiệm của cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương (kể cả cấp dưới cấp trên). Trong trường hợp cấp trên có chỉ đạo nhưng cấp dưới không thi hành án thì phải kỷ luật để tạo sức răn đe. Không lẽ Chủ tịch tỉnh không thể kỷ luật được lãnh đạo huyện? Nếu chỉ đạo lần đầu mà cấp dưới không nghe thì cảnh cáo. Lần thứ hai chỉ đạo mà cấp dưới vẫn không thực hiện thì cách chức hoặc đề nghị khởi tố. 

Cơ quan Nhà nước đặc biệt là lãnh đạo địa phương là người người không chấp hành pháp luật thì thử hỏi ông thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn đó ra sao? Ông quản lý được ai khi bản thân ông không phải là người chấp hành luật pháp", Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Ủy ban Pháp luật Quốc hội) đề cập về tồn tại trong việc thi hành bản án hành chính nói chung trong đó có sự việc vừa nên trên.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top