Thuyền trưởng bản lĩnh của những chiến binh “không chọn việc nhẹ nhàng”

Thuyền trưởng bản lĩnh của những chiến binh “không chọn việc nhẹ nhàng”

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Tư, 06/04/2022 - 06:09

Như những bông hoa hướng dương đẹp rực rỡ và để lại giá trị cho đời, dưới sự dẫn dắt của bà Cao Thị Ngọc Dung, gần 7.000 nhân viên của PNJ luôn lấy đó làm châm ngôn sống trong mọi hành động.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 16: Thuyền trưởng bản lĩnh của những chiến binh “không chọn việc nhẹ nhàng”

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Nhắc đến Chủ tịch Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), tôi ấn tượng mãi với hình ảnh một nhà lãnh đạo tài tình, tư duy sắc bén và cũng là người phụ nữ có trái tim giàu nhân ái. Mỗi lần trò chuyện cùng bà, tôi như được mở mang thêm nhiều chân ái không chỉ bởi tầm nhìn xa, lối tư duy rộng và sức sáng tạo vô giới hạn trong kinh doanh mà còn ở cả cách mà bà đối đãi với cộng đồng.

Gần 34 năm cùng PNJ đi qua bao lần đất nước đổi mới, bà Cao Thị Ngọc Dung là minh chứng sáng tỏ nhất cho sự kiên định và bản lĩnh của người phụ nữ Việt trên thương trường. Khởi đầu từ một cơ sở chế tác nhỏ khoảng 20 nhân công, sau gần 34 năm phát triển, PNJ hiện có hơn 350 cửa hàng, phủ khắp hơn 50 tỉnh thành trên cả nước và đang từng bước định vị là doanh nghiệp chế tác, kinh doanh trang sức hàng đầu châu Á và xứng tầm quốc tế.

Trên mỗi bước thành công của PNJ đều có dấu chân của doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung - người giữ lửa cho ngành kim hoàn Việt theo một cách rất riêng và đầy ấn tượng.

LUÔN CÓ LÒNG TIN VÀ TINH THẦN THÉP

Theo bà Dung, nghề kim hoàn có những đặc trưng riêng mà luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận thì mới có thể đứng vững khi thị trường nhiều biến động. Đặc biệt là trong lĩnh vực vàng bạc đá quý, khi mà người đời coi đây là một ngành “xa xỉ”, và Nhà nước cũng chưa có những ưu tiên phát triển, thì người “thuyền trưởng” lại càng phải luôn kiên định để giữ được mục tiêu ban đầu.

Theo Chủ tịch PNJ, để có thể tạo dựng được vị thế cho doanh nghiệp trong lĩnh vực kim hoàn đòi hỏi nhà lãnh đạo phải là người giữ “tinh thần thép, luôn ở trong tâm thế làm việc với cường độ cao, hướng tầm nhìn về phía trước và sẵn sàng đối diện với mọi trở ngại. Trong đó, sợi dây duy nhất gắn kết con người PNJ chính là lòng tin. Bởi vàng bạc vốn là một ngành hàng đặc thù, chỉ có những con người tin tưởng nhau mới có thể đi lâu dài và suốt gần 34 năm qua vẫn luôn như vậy.

Bằng những kinh nghiệm xương máu của mình, bà Dung nhận định rằng khởi nghiệp thì phải có ý chí mạnh mẽ. Nếu muốn bắt đầu thì trước tiên phải giải quyết câu hỏi “Tại sao?”. Nếu không biết tại sao, thì người khởi xướng sẽ không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, và đôi khi còn không biết mục đích cuối cùng của hành trình đó là gì.

Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch thì khởi nghiệp lại càng trở nên khó khăn hơn bởi những bất định khó lường. Do đó, khi lên kế hoạch khởi nghiệp thì các bạn trẻ phải nghiên cứu, tìm tòi để thấy được con đường đi thế nào, lộ trình ra sao. Cũng như khi bạn gieo trồng chỗ này thì phải dự kiến được khi nào sẽ hái quả.

“Dịch bệnh là một trong những thứ bất định, khó đoán trước và rất dễ thất bại. Ví dụ bạn mở một nhà hàng với ý tưởng độc đáo và rất đẹp mắt, nhưng khi dịch đến lại phải đóng cửa nhiều tháng liền thì mọi chi phí dồn lên, đến khi đuối sức thì sẽ phải đóng cửa. Đây là thách thức rất lớn trong giai đoạn hiện nay mà các bạn sẽ phải cân nhắc.

Khi dịch Covid-19 xảy ra thì cơ hội không nhiều để khởi nghiệp. Tuy nhiên nếu các bạn nhìn thấy cơ hội phát sinh ra trong thời kỳ mới thì cũng là thời cơ để bắt đầu. Nhưng bạn phải luôn xác định rằng, khó khăn sẽ nhiều hơn trước khi không định hướng được con đường sẽ đi, mọi thứ sẽ không nằm trong lộ trình mà mình tính được”, bà Dung nói.

Chủ tịch PNJ nhận định, nền kinh tế đang trên đà phát triển, mở ra nhiều cơ hội không chỉ ngành kim hoàn mà rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, chưa chắc doanh nghiệp lớn và sống lâu thì tồn tại lâu nhất. Quan trọng nhất “Ai là người nhìn ra cơ hội và biết nắm bắt, biết cách khai thác nó” thì sẽ chiến thắng.

Cũng theo bà Dung, ở giai đoạn này “lớn không bằng nhanh”, nếu doanh nghiệp nhỏ nhưng có chí lớn, có đường đi đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với bối cảnh thị trường thì cũng có thể thắng lớn.

“Có những thứ đòi hỏi tính sáng tạo rất cao, hiện nay nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra cái nhiều người đi trước không nghĩ ra. Tuy nhiên khi nhìn ra cơ hội, thì cũng phải biết được mục tiêu mình đang làm cái này vì điều gì? Hãy bắt đầu bằng câu hỏi Why, tại sao tôi chọn cái này? Khi trả lời được tại sao, thì bạn sẽ định hướng mục tiêu rõ và rồi tiếp tục đi tìm cái How. Nghĩa là phải biết, phải hình dung được tiếp theo bạn sẽ phải làm như thế nào để đạt được thứ mà mình mong muốn.

Giai đoạn này đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ, chứ không chỉ làm mù được. Khởi nghiệp không thể thích thì làm, mà phải có tính toán, vạch rõ bài toán hẳn hoi, xác định cụ thể từng bước như thế nào. Chứ không thể nói rằng có ý tưởng hay nhưng không trả lời được tại sao làm cái đó. Khi bạn đã xác định rõ con đường đi, thì phải xây dựng lộ trình cho doanh nghiệp, tìm kiếm sự hợp tác để biến thành sức mạnh, và phải kiên định mới mục tiêu đã đặt ra. Khi tìm ra cái How đúng đắn thì chắc chắn sẽ thành công, ngày nay không có gì cứ làm đại rồi thắng đâu”, bà Dung cho lời khuyên.

NGƯỜI GIỮ LỬA CHO NGÀNH KIM HOÀN VIỆT

Nữ tướng của PNJ cho biết thành công của PNJ cũng bắt đầu bằng câu hỏi tại sao ngay từ lúc thành lập năm 1988. Thời điểm đó mặc dù không ai hướng dẫn như bây giờ, nhưng bà đã suy nghĩ rất nhiều về hướng đi cho ngành kim hoàn, dù lúc đó bà là một cán bộ Nhà nước trẻ và chưa biết gì về kinh doanh vàng bạc đá quý.

"Ngày đó, tôi còn trẻ và được được giao nhiệm vụ thành lập công ty này. Đây là nhiệm vụ, buộc tôi phải nhận và sau này chị cán bộ mới nói cho biết rằng ‘nhìn vào mắt em, chị biết em làm được". Đó cũng là niềm tin khiến tôi phấn đấu vì PNJ.

Tôi nhớ rất rõ, chú Trần Thiện Tứ lúc đó là đại biểu Quốc hội cũng cho rằng phải đi bằng con đường hợp tác tư nhân để phát triển doanh nghiệp. Nhưng tôi thì chọn cách mình tự làm. Tôi nói với chú là 'nếu chú đã tin cháu, cho cháu làm thì phải làm theo cách của cháu'. Tôi không chấp nhận hợp tác để kinh doanh vàng", bà Cao Thị Ngọc Dung nói về quyết định mang tính sống còn cho PNJ cuối những năm 80.

Theo bà Dung, kim hoàn là một nghề rất đáng tự hào, có truyền thống làm thủ công từ lâu đời. Nhưng khi chiến tranh ập đến thì nghề dần mai một, đặc biệt là thời kỳ bao cấp đất nước đã có những quan điểm sai lệch về ngành nghề kinh doanh vàng bạc nên nghề đã không được phát huy.

“Khi tôi được giao nhiệm vụ xây dựng công ty trong ngành này, điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến phải khôi phục lại truyền thống nghề. Tôi nhận thấy lúc đó thành phố có rất nhiều nghệ nhân tay nghề giỏi. PNJ từ đội ngũ đơn sơ như vậy đến nay đã có hàng ngàn công nhân, hàng trăm nghệ nhân phát triển từ đó. Tôi tự hào vì đã giữ được nghề, phát triển nghề.

Tuy nhiên trong thời đại phát triển thì ngành nghề nào rồi cũng phải áp dụng công nghệ. PNJ cũng phải công nghiệp hóa ngành, tiếp cận công nghiệp thế giới, học hỏi và phát triển. Mặc dù có máy móc hỗ trợ nhưng PNJ quan điểm tay nghề của người nghệ nhân vẫn là nền tảng, đó là đam mê thấy được của ngành nghề này. Trong giai đoạn mới, với công nghệ 4.0 thì sự phát triển của ngành sẽ càng đi xa hơn. Tôi rất tự hào vì PNJ đã làm được những điều không tưởng, đã được vinh danh trong giới, đến nay sản phẩm của PNJ không thua kém bất cứ sản phẩm nào trên thế giới này cả”, bà Dung nói.

TÌM RA CƠ TRONG NGUY

Đối mặt với đại dịch, trong khi nền kinh tế không ngừng biến động thì ở PNJ vẫn giữ mức tăng trưởng đều đặn, mức lương và thưởng của CBCNV vẫn không có gì thay đổi, thậm chí cao hơn các năm trước. Theo bà Dung, để làm được điều này thì doanh nghiệp phải biết tận dụng “cơ trong nguy”, vận dụng tính sáng tạo để không bỏ lỡ bất cứ thời cơ nào.

Ví dụ như trong năm 2020 khi dịch bệnh vừa ập đến, rõ ràng ở đây thách thức là rất lớn, nhưng cả đội ngũ PNJ cùng nhìn về tương lai khi nền kinh tế hồi phục, tiêu dùng hồi phục. Nếu chỉ nghĩ sơ sài sẽ nhầm tưởng rằng khi khó khăn thì không ai có tiền để mua vàng, nhưng trên thực tế nhà nhà đều muốn mua một thứ gì đó tích lũy lâu dài thay vì tiêu xài vào những mục đích khác.

“Trong năm khó khăn thì khi mọi người lãnh tiền thưởng, thay vì mua quần áo, túi xách họ sẽ mua vàng để sau này lỡ có thiếu thốn thì còn có thể bán đi. Đặc biệt đối với người Việt Nam, thời thế càng khó khăn họ càng muốn có thứ gì đó để tích lũy, phòng thân. Mà mua trang sức thì vừa có thể làm đẹp, vừa có thể làm của để dành”, bà Dung phân tích.

Điều này cũng lý giải vì sao trong mùa Covid-19 vừa qua, dù phải đóng cửa nhiều tháng liền, nhưng PNJ là một trong số ít doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng ổn định, tăng 10% và đạt được gần như toàn bộ các kế hoạch đã đặt ra trong năm, đồng nghĩa doanh nghiệp đã gia tăng thị phần.

Hiện PNJ cũng được định vị để trở thành một công ty sản xuất, chế tác trang sức có vị thế hàng đầu thế giới nhằm mang đến những sản phẩm độc đáo tô đẹp cho đời. Do đó, những năm qua PNJ không chỉ phát triển sản phẩm về vàng bạc đá quý, mà còn có thêm những sản phẩm khác như đồng hồ, mắt kính, hay ký kết hợp tác phân phối các dòng sản phẩm nổi tiếng thế giới như Pandora, Disney… đặc biệt thương hiệu Style by PNJ ra mắt năm 2020, với mục tiêu hướng đến làm đẹp cho lớp trẻ và tôn lên phong cách riêng.

Theo bà Dung, cái được lớn nhất qua Covid-19 là doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế của công ty, khẳng định được tính bền vững và nhân thêm giá trị với cộng đồng. Đặc biệt là tinh thần làm việc hăng say, sự đoàn kết, nhất trí cao hơn, thể hiện được sức mạnh trong văn hóa của PNJ.

“Trong mùa Covid chúng tôi vẫn kiên định với mục tiêu, quyết không bỏ sót bất cứ kế hoạch nào, xác định phải luôn vươn lên. Có thời điểm toàn bộ đội kinh doanh bị F0 phải nghỉ, nhưng công ty vẫn bám mục tiêu kế hoạch, các bộ phận khác vẫn chạy đều.

Ban điều hành cũng quyết không thay đổi mục tiêu mà kiên định với những kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt là tính sáng tạo, trong mùa Covid-19 tôi mới nhận thấy sáng tạo được phát huy tối đa. Chúng tôi sáng tạo ra nhiều hình thức để làm việc. Những đổi mới trong hội họp, làm việc online… đã không làm công ty bị ngưng đọng, không bỏ phí thời gian nào trong mùa Covid cả”, bà Dung chia sẻ.

SỐNG ĐẸP NHƯ NHỮNG ĐÓA HOA 

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, qua mùa dịch, những giá trị nhân văn cao đẹp mà PNJ luôn vun đắp lại càng được nhân lên rõ nét. Nổi trội nhất là giá trị quan tâm đến từng cán bộ công nhân viên từ đời sống, tiền lương, y tế... Mặc dù đối diện với dịch bệnh, nhiều nhân viên không có việc làm nhưng toàn bộ hệ thống không có ai bị mất 1 ngày thu nhập nào.

Trong năm 2021, PNJ cũng nhanh chóng lập Ủy ban phòng chống Covid để chăm lo, theo sát tình hình của CBCNV và người thân từ viên thuốc, Oxi, thực phẩm, động viên tinh thần, hỗ trợ nhập viện... Qua đó, mỗi thành viên PNJ đều cảm thấy tự hào vì được là một phần trong tiến trình phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó PNJ còn thể hiện sự quan tâm đến toàn xã hội bằng các hoạt động thiện nguyện như tổ chức Siêu thị 0 đồng, chương trình Đồng hành cùng thai phụ vượt cạn, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ, hỗ trợ chiến sĩ, lực lượng y tế nơi tuyến đầu… Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, điều mà mà người ta nhớ nhất về PNJ có lẽ là hình ảnh những chiến binh áo vàng của PNJ khắp nơi, thầm lặng cống hiến ở bất cứ đâu có người cần giúp đỡ.

Ấm lòng nhất là khi họ sẵn sàng đưa cánh tay xách đồ giúp cụ già, người bán vé số neo đơn hay chị công nhân mất đi thu nhập mùa dịch. Xúc động hơn nữa là hình ảnh những tấm vé mua sắm 0 đồng được trao đi và đổi lại là những giọt nước mắt rưng rưng.

Trong năm 2021, PNJ đã triển khai các chương trình riêng hỗ trợ cộng đồng với nguồn kinh phí lên 35 tỷ đồng, đáng nhớ nhất là chuỗi Siêu thị mini Tết 0 đồng mà PNJ vừa thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã để lại nhiều cảm xúc khó tả.

Không cần phải nói quá nhiều hay chia sẻ quá nhiều, bởi bấy nhiêu thôi cũng đã thể hiện hết tinh thần và trách nhiệm với xã hội trong nền tảng văn hóa của doanh nghiệp đứng đầu ngành kim hoàn. Và trong biến cố, văn hóa đó lại càng được phát huy, cho thấy sức mạnh của một doanh nghiệp hơn 7.000 con người nhưng cùng sống và làm việc dưới một mái nhà chung, mà ở đó chính bà Cao Thị Ngọc Dung là người trực tiếp dẫn lối.

DOANH NGHIỆP MUỐN VỮNG MẠNH CẦN CÓ NỀN TẢNG VĂN HÓA TỐT

Theo bà Dung, văn hóa doanh nghiệp chính là giá trị nhân văn từ con người, từ tổ chức, từ bên trong chứ không tách rời với hoạt động kinh doanh. Văn hóa cũng không phải có nhiều tiền là xây được, nếu doanh nghiệp nhỏ thì xây lên từ cái nhỏ, rồi mới lớn dần và vững mạnh. Hình thái hoạt động của văn hóa là phải kích thích bằng câu chuyện, hành động, từ thái độ của cô bán hàng, từ cách thức chào hỏi của anh bảo vệ… thấm nhuần từng ngày.

Văn hóa doanh nghiệp cũng giống như gia phong của một gia đình có nề nếp. Ví dụ PNJ xây dựng văn hóa dựa trên giá trị niềm tin, từ khi chỉ có mấy chục con người rồi xây nên thành một bản năng. Ấy là trong quá trình hoạt động nếu cái gì tốt đẹp thì nhân lên, cái gì không tốt thì loại bỏ và dần dần tạo nên văn hóa.

“Quan trọng là chúng ta có quan tâm văn hóa và chú ý xây dựng hay không mà thôi. Nếu 15, 30 người mà không biết làm văn hóa thì sẽ không bao giờ có, còn 7.000 người mà có làm, biết làm thì doanh nghiệp sẽ có văn hóa. Nhà muốn xây cao thì phải chắc chắn từ móng, gây dựng doanh nghiệp cũng vậy, nếu không xây chắc từ móng tới khi lớn rồi mới quay lại làm văn hóa thì khó có thể bền được. Người mà có làm, biết làm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ có nền tảng văn hóa mạnh”, bà Dung phân tích.

Văn hóa tại PNJ chính là những hành động rất đỗi thân quen và gần gũi, đó là sự quan tâm giữa các thành viên với nhau, là tinh thần sẻ chia trong công việc và các phương thức giao tiếp thường ngày. Với họ, làm việc và cống hiến chính là lẽ sống, là bổn phận với cộng đồng. Điển hình như mỗi quý nhân viên của PNJ sẽ góp 1 ngày lương để bổ sung vào quỹ từ thiện. Hay khi làm thiện nguyện, thay vì gửi tiền đến các tổ chức thì PNJ chọn cách cử người thay nhau đến tận nơi trao quà.

Suy nghĩ “Của cho không bằng cách cho”, luôn xông pha trong mọi hoàn cảnh, sẵn sàng nhận việc gian khó xuất phát từ người dẫn đầu là bà Cao Thị Ngọc Dung và rồi lan tỏa đến từng cán bộ nhân viên của PNJ. Văn hóa ấy được gìn giữ và rèn giũa qua từng năm tháng, để rồi khi biến cố ập đến thì cả tập thể với gần 7.000 con người đã có sẵn một nền tảng tốt đẹp và cứ thế kết thành sức mạnh không gì có thể lay chuyển./.

Khánh Hòa
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top