Doanh nhân Nguyễn Đức Tài: Từ ông “vua di động” đến “đế chế” bán lẻ tỷ đô

Doanh nhân Nguyễn Đức Tài: Từ ông “vua di động” đến “đế chế” bán lẻ tỷ đô

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Sáu, 01/04/2022 - 06:09

“Một người nếu quá sợ thất bại thì ngay cả đi làm công cũng không thể, chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 14: Doanh nhân Nguyễn Đức Tài: Từ ông “vua di động” đến “đế chế” bán lẻ tỷ đô

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) được thành lập bởi ông Nguyễn Đức Tài, đã trải qua được gần 18 năm hoạt động. Khởi nguồn từ một cửa hàng nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) vào 2004, Thế Giới Di Động đã liên tục tăng trưởng, mở rộng và đến nay trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, quy mô của hệ thống đã đạt đến giá trị hàng tỷ USD, với mạng lưới hơn 5.300 cửa hàng trên toàn quốc, bán lẻ điện thoại, điện máy, thực phẩm sạch và đang mở rộng sang những lĩnh vực khác.

Bí quyết cốt lõi làm nên thành công của Thế Giới Di Động chính là ở khách hàng. Văn hóa phục vụ tậm tâm, tôn thờ khách hàng được truyền đạt và thấm nhuần vào từ lãnh đạo đến nhân viên của hệ thống. Nếu đã từng một lần mua sản phẩm tại Thế Giới Di Động, hầu hết khách hàng đều cảm nhận được sự khác biệt và hài lòng đến sự tư vấn chân thành của nhân viên thay vì luôn cố gắng bán được hàng.

Với tốc độ phát triển “thần tốc”, có thể nói rằng, Thế Giới Di Động và cá nhân ông Nguyễn Đức Tài là hình mẫu lý tưởng của rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân tại Việt Nam.

THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ... "NGHĨ LỚN, LÀM LỚN"

Năm 2003, khi Nguyễn Đức Tài - con một người bán hàng rong, nói về giấc mơ cách mạng hóa ngành bán lẻ điện thoại di động Việt Nam, nhiều người đã không thèm để tâm. Họ cười nhạo ông! Nhưng với tinh thần nghĩ lớn và làm lớn, từ trăn trở “không lẽ làm thuê suốt đời”, ông Tài và 4 người bạn cùng nhau sáng lập nên doanh nghiệp mà có lẽ chính họ cũng không thể ngờ sau này lại trở thành số 1 trên thị trường.

Vào thời điểm những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam còn đang nằm ngoài cuộc bùng nổ di động toàn cầu vì giá thiết bị đầu cuối quá đắt đỏ. Khi đó, chỉ có những lãnh đạo doanh nghiệp hoặc những người giàu có mới có khả năng mua điện thoại di động. Sở hữu một chiếc điện thoại di động dường như là điều bất khả thi với số đông người dân.

Ông Tài nghĩ rằng bản thân phải thay đổi điều đó. Để hiện thực hóa tham vọng này, năm 2003, ông bỏ công việc giám đốc chiến lược tại một doanh nghiệp điện thoại và mở công ty riêng. Ông mở 3 cửa hàng nhỏ trong những con hẻm ở TP.HCM nhưng thất bại chỉ sau sau vài tháng. Tuy nhiên, với ông Tài, thất bại là một phần của cuộc chơi, muốn có được những điều mới mẻ, phải biết chấp nhận vài lần thất bại.

“Một người nếu quá sợ thất bại thì ngay cả đi làm công cũng không thể, chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất”, ông Tài chia sẻ.

Chỉ một năm sau, ông sáng lập Công ty TNHH Thế Giới Di Động, kết hợp mô hình trang web trực tuyến và một hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại di động. Lần này, ông Tài mở cửa hàng tại các đường phố lớn và bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Năm 2005, siêu thị đầu tiên ra mắt ở số 89A Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), đặt nền móng thời “khai thiên lập địa” của hệ thống Thế Giới Di Động sau này.

Năm 2007, công ty nhận vốn đầu tư của quỹ Mekong Capital, chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động và đạt mốc 38 siêu thị vào cuối năm 2009, phần lớn tập trung tại TP.HCM và Hà Nội, một số ít rải rác ở các tỉnh khác. Thành quả này là nền tảng vô cùng quan trọng để Thế Giới Di Động bắt đầu bước vào giai đoạn mở rộng và phát triển thần tốc.

Tháng 12/2010, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động ra mắt chuỗi bán lẻ ngành hàng điện máy với tên gọi ban đầu là Dienmay.com và phủ phủ sóng tất cả các tỉnh thành với hơn 220 siêu thị chỉ hơn 1 năm sau đó. Thế Giới Di Động cũng là nhà bán lẻ duy nhất tại Việt Nam thực hiện được điều này. Năm 2014, tức đúng vào kỷ niệm sinh nhật 10 năm, Thế Giới Di Động lên sàn chứng khoán (mã: MWG) và luôn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng từ đó tới nay.

Năm 2015, chuỗi siêu thị điện máy được đổi nhận diện thương hiệu và logo mới, ra mắt Điện máy XANH với chiến dịch truyền thông ấn tượng và xây dựng hệ thống siêu thị phủ khắp lãnh thổ Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Thế Giới Di Động bắt đầu thử nghiệm với ngành hàng thực phẩm tiêu dùng cùng cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên, chuẩn bị cho những kế hoạch phát triển tiếp theo trong tương lai.

Không dừng lại ở Việt Nam, cuối tháng 6 năm 2017, Thế Giới Di Động ra mắt chuỗi BigPhone tại nước bạn Campuchia. Cũng trong 2017, Thế Giới Di Động quyết định mua lại và sát nhập hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh, mở rộng thị phần và trở thành nhà bán lẻ đa ngành số 1 Việt Nam và liên tục lọt top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương với hơn 5.300 cửa hàng. Cũng trong năm 2021, doanh nghiệp này lọt vào Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với doanh thu vượt 5 tỷ đô la Mỹ.

Trong tọa đàm “Đối thoại Doanh nghiệp Tỷ đô” vào giữa năm 2007, một câu hỏi được đặt ra là: Có thể ví Thế Giới Di Động như con vật nào? Sau một hồi suy nghĩ, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng có thể ví tập đoàn bán lẻ này như “con báo gấm”, tiếp cận mục tiêu nó sẽ rón rén, chờ thời, quan sát thật kỹ con mồi nhưng khi cần tăng tốc thì sẽ đạt tốc độ 180 km/giờ trong 15 giây đầu tiên. Báo gấm cũng có khả năng thích nghi với môi trường tương đối nhanh. Cũng giống như Thế Giới Di Động, có thể mất nhiều thời gian để tìm hiểu, quan sát thị trường, nhưng khi cần tăng tốc thì hàng loạt cửa hàng sẽ được mở ào ạt để chiếm lĩnh thị phần.

"Cơ hội đến rất nhanh và thị trường phát triển nhanh chóng hơn cả sự tưởng tượng của tôi", Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết.

Nói đến quyết định khởi nghiệp, doanh nhân Nguyễn Đức Tài Tài chia sẻ rằng, ông lớn lên trong nghèo khó tại TP.HCM, ở đó mẹ thường bán xôi và bánh tráng cuốn dạo. Những năm tháng khó khăn đã khiến ông nung nấu phấn đấu có được cuộc sống tốt hơn.

"Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn!”, ông Tài chia sẻ.

XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT

Để đạt được thành công như hiện nay, nhiều người đánh giá văn hoá doanh nghiệp chính là một nhân tố rất quan trọng trong việc thực thi chiến lược kinh doanh thành công của Thế Giới Di Động. Những ai tới siêu thị thuộc hệ thống đều được tiếp đón tận tình, tạo thiện cảm ngay từ đội ngũ bảo vệ. Nhân viên Thế Giới Di Động có phong cách giao tiếp rất khác biệt, từ cách nhân viên của họ đặt tay lên ngực và cúi chào, đến sự lễ độ của người giữ xe. Không bao giờ khách hàng thấy nhân viên của Thế Giới Di Động cau có, khó chịu, mà luôn tươi cười, tạo cảm giác dễ chịu, thân thiện rất đặc trưng.

Hay khi khách hàng đến đổi, trả sản phẩm, ngoài việc hỗ trợ tốt nhất thì nhân viên cửa hàng Thế Giới Di Động cũng không bao giờ tìm hiểu thêm thông tin, tôn trọng quyết định của khách hàng một cách tuyệt đối. Những cử chỉ nho nhỏ như vậy đã góp phần không nhỏ xây dựng thành công một thương hiệu lớn.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, đó là niềm tự hào, là sự khác biệt và giá trị cốt lõi tạo sức mạnh, đưa Thế Giới Di Động phát triển từ chỗ chỉ có vài chục nhân viên với doanh thu vài tỷ đồng, vượt lên những nhà bán lẻ khác với hơn 70.000 nhân viên và doanh thu 5 tỷ USD.

Trải qua nhiều thay đổi trong suốt hơn 18 năm hoạt động, song hệ thống luôn giữ lại bí quyết cốt lõi làm nên thành công, đó là khách hàng. Doanh nghiệp luôn tôn thờ văn hóa “khách hàng là trên hết” trong mọi suy nghĩ và hành động của mình. Văn hóa phục vụ thấm nhuần trong mọi nhân viên, khiến họ trở thành những người tư vấn đem lại sự hài lòng cho khách. Doanh nhân Nguyễn Đức Tài khẳng định, đây chính là chìa khóa để Thế Giới Di Động chinh phục thành công bất cứ thị phần nào trong lĩnh vực bán lẻ.

“Thực sự đó không phải là bí mật kinh doanh. Nhiều đơn vị khác cũng ứng dụng nhưng thành công hay không lại là chuyện khác. Phải tin khách hàng và phải rất kiên trì với niềm tin này thì mới có thể thực hành đạo kinh doanh trên”, doanh nhân Nguyễn Đức Tài chia sẻ và cho biết ông đã mất nhiều năm để xây dựng được cho nhân viên của mình niềm tin mãnh liệt rằng, khách hàng vô cùng quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp. Từ khi xác định vị trí trung tâm này, văn hóa của công ty được xây dựng quanh trục chính là khách hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đừng có quá kỳ vọng rằng, công ty sẽ có một nền văn hóa chỉn chu ngay từ ban đầu. Văn hoá phát triển theo thời gian, không phải theo kiểu 3 hoặc 6 tháng sẽ hoàn thành. Sau vài năm, cái gì lắng đọng còn lại là văn hoá.

“Tôi đưa ra thứ tự ưu tiên cho mọi hành động hay hướng đi trong công ty này: Khách hàng là vị trí số một, nhân viên là vị trí số hai, những người bỏ ra một tỷ USD đầu tư cổ phiếu là vị trí số ba”.

Trước khi xây dựng được văn hoá này, ông Nguyễn Đức Tài cũng thừa nhận khi mới lập Thế Giới Di Động, ông chịu áp lực phải kiếm tiền. Lúc đó, ông cũng như bao người khác, chăm chăm vào túi tiền khách hàng. Nhưng càng làm, ông càng thấy, cách thức ấy ngắn hạn. Muốn phát triển bền vững, quan trọng là phải làm hài lòng khách hàng, họ sẽ gắn bó và giới thiệu thêm khách hàng mới.

“Khách hàng là người duy nhất quyết định số phận của một hệ thống bán lẻ. Niềm tin mạnh mẽ này là thứ không bao giờ được thay đổi tại Thế Giới Di Động”, ông Tài nhận định.

Cũng theo Chủ tịch Thế Giới Di Động, không có văn hóa doanh nghiệp tốt hay xấu, đúng hay sai mà chỉ đơn giản là lựa chọn của doanh nghiệp. Không có khuôn mẫu về văn hóa doanh nghiệp để các đơn vị khác rập khuôn áp dụng. Bài học ở Thế Giới Di Động dù hấp dẫn thế nào thì theo ông Tài, cũng chỉ có giá trị tham khảo.

RỜI CHIẾC GHẾ "QUYỀN LỰC" ĐỂ NHƯỜNG CHỖ CHO TÀI NĂNG TRẺ

Nói đến Thế Giới Di Động là nhắc đến ông Nguyễn Đức Tài và ngược lại, nhưng thật bất ngờ là ông đã rời vị trí Tổng Giám đốc khi bước vào tuổi 50. Nói về lý do rời ghế CEO sớm, Chủ tịch Thế Giới Di Động tin rằng mỗi người có một giai đoạn lịch sử. Nếu không tôn trọng giai đoạn lịch sử mà vẫn tiếp tục ở vị trí đó thì sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển và thực tế là kết quả tăng trưởng hiện nay tốt hơn nhiều so với 5 năm trước.

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng mình đã góp phần đưa Thế Giới Di Động từ doanh nghiệp nhỏ thành một công ty lớn. Ông Trần Kinh Doanh có vai trò đưa công ty đó ra toàn quốc. Còn ông Đoàn Văn Hiểu Em kế thừa, tiếp tục phát triển chuỗi bán lẻ di động và điện máy.

“Giả sử bây giờ tôi vẫn ở vị trí CEO Thế Giới Di Động, còn anh Doanh vẫn vừa lo bách hóa vừa lo điện máy thì sẽ bị quá tải bởi công việc, dẫn đến cản trở sự phát triển nhanh của Bách hóa Xanh. Nếu không trao quyền, Bách hóa Xanh và Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh khó phát triển được như hôm nay. Vai trò của tôi tại Thế Giới Di Động hiện nay chủ yếu ở giá trị tinh thần”, ông Tài từng chia sẻ.

Để xây dựng thành công “đế chế” hiện nay, doanh nhân Nguyễn Đức Tài rất nhiều lần nhấn mạnh vai trò của nhân sự, với quan điểm đội ngũ này sẽ tạo ra vốn, tạo ra tất cả chứ không phải vốn là thứ tạo nên đội ngũ.

Ông bảo, lãnh đạo doanh nghiệp, dù tài giỏi đến mấy, cũng không thể làm mọi thứ một mình. Như một con tàu không thể ra khơi nếu không có đoàn thủy thủ và càng không thể vươn ra biển lớn nếu không có người cầm lái. Do vậy, điều quan trọng là người đứng đầu và mọi thành viên trong tập đoàn phải là những người bạn đồng hành trên cùng một con tàu, cùng một chí hướng, cùng một quyết tâm tiến ra đại dương, cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.

Tất cả những con người này cùng gắn kết với nhau thì mới có thể thành công. Thế nhưng, làm sao doanh nhân này có thể quy tụ xung quanh mình những người giỏi như vậy ngay khi khởi nghiệp?

Theo ông Tài, đầu tiên là quan điểm trọng người tài.

Thứ hai là truyền tầm nhìn, niềm tin cho cộng sự của mình. Niềm tin đó đầu tiên phải xuất phát từ niềm tin của chính mình về tương lai. Quan trọng hơn cả là để họ thực sự được chia sẻ thành quả khiến niềm tin và nỗ lực của họ bỏ ra là xứng đáng.

Tổng kết lại quá trình phát triển của Thế Giới Di Động, bản thân ông Tài thẳng thắn nói rằng không quan tâm tới “tam trị” – “nhân trị”, “pháp trị” hay “kỹ trị”, mà chú trọng vào yêu cầu thực tế ở từng giai đoạn, thay đổi thích ứng và linh hoạt.

DÙNG TƯƠNG LAI ĐỂ THU HÚT NHÂN TÀI

Khác với những lãnh đạo doanh nghiệp đầu ngành khác, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài là người rất cởi mở chia sẻ về những kinh nghiệm quản trị của bản thân. Ông sẵn sàng kể chi tiết từ việc xây dựng hệ thống như thế nào, tạo động lực làm việc và văn hoá doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Thế Giới Di Động, chìa khóa vàng đưa ông đến với thành công chính là chữ “Tín”. Ông khẳng định: “Một CEO giỏi cần có uy tín và sự chân thành. Hãy xem khách hàng là đối tác chứ đừng nhìn vào ví tiền của họ”.

Có lẽ, vì trải qua nhiều khó khăn và thất bại trong quá trình lập nghiệp đã giúp ông có được rất nhiều bài học bổ ích. Không có gì là dễ dàng, đặc biệt là kinh doanh.

“Nếu bạn muốn đạt được điều gì đó mới, bạn phải chấp nhận thất bại. Nếu sợ thất bại sẽ không làm được gì, cứ lên núi gõ mõ là an toàn nhất…”, ông Tài nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch Thế Giới Di Động, hiện nay nhiều bạn trẻ khởi nghiệp vì đam mê, nhưng còn phải có bản lĩnh cùng với kế hoạch chi tiết, linh hoạt thì mới có thể thành công. Khi khởi nghiệp, nhiều startup Việt hiện vẫn đặt nặng vấn đề gọi vốn ngay từ lúc chỉ mới có ý tưởng. Trong khi đó, không ít startup của các thế hệ trước lại thành công bằng cách đi những bước nhỏ với vốn tự có, ít ỏi và hạn hẹp. Thế Giới Di Động khởi đầu chỉ bằng số vốn 2 tỷ đồng, góp lại của 5 nhà sáng lập, đủ để mở siêu thị điện thoại đầu tiên.

Ngoài ra, trong bối cảnh hạn hẹp về tài chính những ngày đầu, các startup cũng thường lo ngại mình không đủ khả năng chi trả để tuyển được nhân sự giỏi. Dành lời khuyên cho các starup về vấn đề này, Chủ tịch Thế Giới Di Động nói rằng khi tuyển dụng, đừng dùng tư duy trả công tương xứng với năng lực. Rất nhiều nơi có thể đề xuất một chỗ làm tốt cho người lao động giỏi, nhưng lại ít nơi nào hứa hẹn một tương lai tốt cho họ.

“Bạn phải dùng tương lai để thu hút nhân tài. Tương lai chính là công ty có triển vọng phát triển thế nào để mang lại lợi ích lâu dài cho họ”, ông Tài chia sẻ.

Ông nhìn nhận, trong một doanh nghiệp, không nên có kiểu quan hệ người lao động và người sử dụng lao động. Bởi khi đó, quan hệ giữa ông chủ và nhân viên sẽ trở thành một quan hệ mua bán – một người mua sức lao động, một người bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt. Kẻ muốn mua rẻ thật thì phải có chiêu trò, kẻ muốn bán đắt cũng phải giở chiêu trò và doanh nghiệp đó chỉ toàn một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau.

“Các công ty tư vấn nhân sự sẽ dạy các bạn rất nhiều chiêu để tuyển dụng người giỏi nhất với mức lương thấp nhất, chúng tôi thì không. Chừng nào các bạn thay đổi được tư duy, chúng ta cùng đồng hành và chia sẻ thành quả, khi đó doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh”, ông Tài nói.

Mặt khác, vòng đời một doanh nghiệp giống như hình sin, có lên, có xuống. Vì vậy, người đứng đầu doanh nghiệp phải luôn tìm những lực đẩy mới để nó luôn là hình sin đi lên.

“Hãy chuẩn bị để đón nhận khó khăn và cả một phương án thất bại. Kinh doanh không được quá lạc quan, nhưng nếu ai là người bi quan thì lời khuyên của tôi là đừng kinh doanh bởi nó căng thẳng lắm. Và điều cuối, bạn cũng đừng mê tiền nhỏ mà lạc lối giữa chừng. Thế Giới Di Động sẽ chết từ lâu nếu tôi mê tiền lẻ mà đưa một thứ gì đó vào thay thế uy tín của mình”, Chủ tịch Thế Giới Di Động đúc kết.

Không chỉ dừng lại ở trong nước, tầm nhìn 2030 của Thế Giới Di Động là trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu của khu vực, mang niềm tự hào Việt Nam ra thị trường toàn cầu.

Doanh nhân Nguyễn Đức Tài tâm niệm mỗi doanh nghiệp làm tốt, sau lưng họ là hàng ngàn nhân viên, hàng ngàn gia đình tốt, đất nước sẽ tốt hơn nhiều. Đất nước chỉ phồn vinh khi có nhiều doanh nghiệp phồn vinh và nhiều cá nhân tử tế, văn minh.

Sự tăng trưởng “thần tốc” của Thế Giới Di Động

Thành lập năm 2004, Thế Giới Di Động (MWG) là nhà bán lẻ đa ngành số 1 Việt Nam và là đại diện Việt Nam duy nhất có mặt trong top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương với hơn 5.300 cửa hàng. Riêng mảng bán lẻ điện thoại, Thế giới Di Động có quy mô trải dài khắp 63 tỉnh thành với 2.500 điểm bán, chiếm thị phần số 1 Việt Nam.

Tiếp nối thành công, năm 2010, chuỗi Điện Máy XANH được thành lập, cho tới nay đã phát triển được hơn 1.500 cửa hàng hiện diện tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam.

MWG cũng sở hữu các công ty con trong lĩnh vực dịch vụ lắp đặt – sửa chữa – bảo hành sản phẩm công nghệ và điện tử gia dụng, dịch vụ logistics và sản xuất – phân phối các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Bách hóa XANH được đưa vào thử nghiệm năm 2015, đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau, củ, trái cây...) và nhu yếu phẩm. Với quy mô gần 2.000 siêu thị tại các tỉnh thành miền Nam và Nam Trung Bộ, Bách hóa XANH vẫn đang trên đà phát triển với mục tiêu sẽ phủ rộng khắp cả nước trong thời gian tới.

Bluetronics, tiền thân là Bigphone được ra đời từ năm 2017, là chuỗi bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng đầu tiên ở thị trường nước ngoài của MWG.

Năm 2018, MWG cho ra mắt chuỗi nhà thuốc An Khang, chuyên bán dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... đang thúc đẩy mạnh, mở rộng hệ thống trên toàn quốc trong năm 2022.

Năm 2020, MWG cho ra mắt 4Kfarm, một chi nhánh phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bách hóa XANH. 4KFarm ra đời với sứ mệnh cung cấp cho khách hàng thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe và mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người nông dân.

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn của toàn ngành bán lẻ do dịch bệnh Covid-19, Thế Giới Di Động vẫn trở thành một điểm sáng khi đạt doanh thu 5 tỷ USD. Đặc biệt, 3 tháng cuối năm khi cả nước mở cửa trở lại, Thế Giới Di Động ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi hoạt động đến hiện tại.

Năm 2022, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 14% và 30% so với kết quả thực hiện năm 2021.

03/30/2022 16:25
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top