Aa

Chủ tịch Quốc hội: 9 nhiệm vụ ưu tiên triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội

Thứ Tư, 06/09/2023 - 19:33

Chiều 6/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật

Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên do UBTVQH tổ chức để quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhằm "đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật", "đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả" theo yêu cầu tại các nghị quyết của Đảng. 

Hội nghị có sự tham gia của gần 400 đại biểu tại điểm cầu chính, khoảng 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại các điểm cầu ở 62 địa phương, đại diện cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, gồm cả khối cơ quan dân cử, hành chính, tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội: Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, chú trọng các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, qua đó đã phát hiện và chỉ đạo xử lý. Ảnh: VGP/LS

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật, đề ra nhiều giải pháp để đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp; ban hành mới Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp, làm cơ sở để các Bộ, cơ quan triển khai thực hiện, trong đó có văn bản được ban hành chỉ sau khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội 14 ngày. Đối với một số luật mới hoặc phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch riêng để triển khai thi hành như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam…; một số Bộ, UBND cấp tỉnh cũng ban hành kế hoạch của cơ quan, địa phương mình để triển khai thực hiện.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, có nhiều giải pháp đổi mới để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết. Công tác truyền thông chính sách được Chính phủ chú trọng, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, quan trọng ngay từ khâu soạn thảo, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới.

Các Bộ, cơ quan đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, quán triệt các luật, nghị quyết, tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ công chức thực thi pháp luật. Các địa phương cũng đã chủ động lồng ghép việc phổ biến, quán triệt luật, nghị quyết trong Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm, nhiều nơi ban hành văn bản riêng để hướng dẫn phổ biến, tuyên truyền luật, nghị quyết của Quốc hội.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, chú trọng các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, qua đó đã phát hiện và chỉ đạo xử lý, tham mưu xử lý đối với 446 văn bản có nội dung trái pháp luật hoặc bất cập, không còn phù hợp, góp phần chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm, trật tự, kỷ cương trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Chính phủ cũng đã quan tâm bảo đảm nguồn lực cho công tác triển khai, thi hành luật, nghị quyết; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp chế; Bộ Tài chính đã sửa đổi Thông tư quy định tăng mức chi và định mức phân bổ kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật.

Tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết 89 của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Ảnh: VGP/LS

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, có 9 nhiệm vụ ưu tiên triển khai hiệu quả Luật, Nghị quyết của Quốc hội, cụ thể:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và Kết luận 19 của Bộ Chính trị. Siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội qua giám sát để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở Trung ương và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Hai là, Chính phủ cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Kịp thời hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đang có vướng mắc, bất cập, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết, đặc biệt là trong việc triển khai các nhiệm vụ, các quy định mới được xác định tại các luật, nghị quyết rất quan trọng như: Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM… Tăng cường, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, nội dung, địa bàn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ba là, có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương ban hành. 

Tập trung hoàn thành việc ban hành, bảo đảm chất lượng 83 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội khóa XV, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật; chậm nhất trong tháng 9/2023 phải hoàn thành xây dựng, ban hành 02 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đối với 08 luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024, khối lượng văn bản quy định chi tiết dự kiến ban hành rất lớn (68 văn bản), đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư nguồn lực để xây dựng, ban hành đầy đủ, chất lượng các văn bản, bảo đảm có cùng hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, nhất là với luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.  

Thứ tư là, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kịp thời phát hiện các quy định qua thi hành có phát sinh vướng mắc, cản trở, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). 

Nâng cao hiệu quả, chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Năm là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. 

Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, "giấy phép con", tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật.

Sáu là, tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết 89 của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ, các giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của UBTVQH. 

Tập trung thời gian, nguồn lực soạn thảo, bảo đảm chất lượng và sự thống nhất giữa các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Quốc hội, UBTVQH, quán triệt nghiêm yêu cầu tại Nghị quyết 27 của Đảng về việc: "Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời".

Khẩn trương rà soát, kiến nghị bổ sung nhiệm vụ lập pháp để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCNVN; chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật;  không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bảy là, tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; chú trọng giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên; chủ động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội, UBTVQH, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện các luật, nghị quyết trong các lĩnh vực cụ thể. 

Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện kế hoạch ban hành văn bản quy định chi tiết để bảo đảm các văn bản này được ban hành đầy đủ, kịp thời và có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, nghị quyết; kiểm soát việc thực hiện nghiêm yêu cầu "dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh".  

Tám là, các Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri để tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, đề xuất giải pháp thiết thực trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội. 

MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục tăng cường và thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Nhân dân đối với công tác xây dựng, ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

Chín là, HĐND và UBND các cấp, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp Nhân dân ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở trung ương; đề ra lộ trình, giải pháp triển khai phù hợp, ban hành kịp thời các đề án, quy định, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong triển khai nghị quyết của Quốc hội; phát hiện sớm những bất cập trong quá trình thực hiện ngay từ cấp cơ sở để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông những nút thắt thể chế để thúc đẩy phát triển, phát huy ý nghĩa, tác dụng thiết thực của các chính sách do Quốc hội ban hành./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top