Aa

UBTV Quốc hội: Tiếp tục quy định trách nhiệm phát triển NƠXH đối với chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại

Thứ Ba, 29/08/2023 - 17:10

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhằm huy động nguồn lực xã hội chung tay với Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Chiều 29/8, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khóa XV tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đáng chú ý, sẽ tiếp tục quy định trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, nhiều đại biểu đề nghị mở rộng thêm nguồn lực xã hội để phát triển phân khúc này.

Tiếp tục quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp phát triển nhà ở xã hội

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết:

Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo và đề xuất 2 phương án liên quan đến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (Điều 81).

Phương án 1: Kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành, tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và bổ sung trách nhiệm này tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 81, tuy nhiên cần phải linh hoạt về phương thức thực hiện.

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phải có trách nhiệm đóng góp phát triển nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, UBTVQH nhất trí với Phương án 1, vì phương án này vừa bảo đảm trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với việc phát triển nhà ở xã hội nhằm huy động nguồn lực xã hội chung tay với Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội này; vừa linh hoạt trong thực hiện trách nhiệm để khắc phục những vướng mắc như đã nêu trong Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Tán thành cao định hướng này, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, đánh giá cao việc ưu đãi với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, góp phần tăng nguồn cung phân khúc này.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị nghiên cứu quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư dưới hình thức đóng phí phát triển quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và được thu một lần. Đồng thời, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng chỉ ra thực tế, việc phát triển nhà ở đang hướng đến quyền sở hữu nhà ở dưới góc độ là tài sản hơn là mục đích để ở. Do đó, đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ.

Muốn vậy, cần có một chính sách ưu đãi những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần và theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu. Song song với đó là miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội. Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng 2 đến 3 lần so với lúc mua. Cũng cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh phải xác định rõ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở, không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội; cũng như nhà ở xã hội không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức.

Đại biểu cũng đề nghị, trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và trong Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỷ lệ dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ đó xác định sẽ xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp.

Đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội cho công nhân

Liên quan đến việc xây dựng nhà ở công nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vẫn có 2 hướng ý kiến về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 78):

Thứ nhất, tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA.

Thứ hai, đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình.

Nhà ở, nhà cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ông Hoàng Thanh Tùng đánh giá, đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 90 và Điều 92) cũng có 2 hướng ý kiến:

Nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình, vì cho rằng phù hợp với chủ trương của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp” (Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị), bảo đảm triển khai thuận lợi vì thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông…

Song, một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, do lo ngại không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư, đồng thời để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp.

Nghiêng về nhóm ý kiến thứ nhất, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nên bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú cho công nhân. Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tránh phát sinh các thủ tục không cần thiết, đề nghị không quy định loại giá này phải có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở địa phương; không xác định đây là một loại hình nhà ở xã hội, mà chỉ là hình thức nhà lưu trú công nhân.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: quochoi.vn)

Quan tâm đến quy định về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá, đây là việc có cơ sở, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Thiếu nhà ở, nhà ở không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đang là khó khăn của nhiều công nhân. Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở, tuy nhiên, rất khó để chúng ta hoàn thành được mục tiêu này.

Do đó, cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển phân khúc này, giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực, để giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top