Aa

Chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp xây dựng bất động sản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung trông chờ vào hành động cụ thể

Thứ Sáu, 14/02/2025 - 18:26

Chiều 14/2, Quốc hội Thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Thảo luận tại Tổ 13, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Hậu Giang. Các đại biểu bày tỏ nhất trí với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Song, vẫn có những ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thế giới biến động, nguy cơ chiến tranh thương mại, cũng như các khó khăn nội tại, mục tiêu đạt tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, và phấn đấu đạt tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030 là thách thức rất lớn. Trong bối cảnh đó, việc cải cách thể chế, thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển, ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí là mấu chốt để thúc đẩy tăng trưởng.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân là yếu tố quyết định

Cho ý kiến về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì năm 2025 chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì giai đoạn 2026 - 2030 mới có thể đạt tăng trưởng 2 con số, tạo nền tảng cho nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Muốn đạt được mục tiêu này, vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết, hiện nay, trong tổng mức đầu tư toàn xã hội thì đầu tư tư nhân chiếm 55%. Đây là yếu tố quyết định cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chứ không phải là đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp xây dựng bất động sản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung trông chờ vào hành động cụ thể- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trong khi đó, vừa qua, hầu hết các địa phương dựa vào nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách địa phương để đầu tư nên chưa có sự tăng trưởng mạnh. Khi đầu tư tư nhân phát triển thì sẽ đẩy nền kinh tế phát triển.

Để phát triển đầu tư tư nhân, quan trọng nhất là phải cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm và thấy rằng Chính phủ thực sự mở cửa, thực sự mong chờ nhà đầu tư. Chúng ta phải mạnh dạn trong cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư phải thông thoáng, cởi mở, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng với đó, muốn phát triển kinh tế sâu rộng, bền vững, Chính phủ không nên đặt mục tiêu thu ngân sách ngắn hạn mà phải nhìn mục tiêu dài hạn hơn. Bây giờ là phải quan tâm bồi dưỡng nguồn thu, thu đúng, thu đủ để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, để người dân đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Khi điều kiện, cơ chế thông thoáng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân đầu tư. Nếu đặt mục tiêu ngắn hạn thì sẽ không khuyến khích được đầu tư.

Đề nghị từng địa phương, bộ ngành phải trực tiếp giải quyết, tháo gỡ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, Quốc hội Khóa XV đã tập trung tháo gỡ cơ bản các khó khăn, vướng mắc về thể chế do Chính phủ đề xuất, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp bất thường lần thứ 9 này. Đặc biệt, các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lẽ ra là có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng Quốc hội đã quyết định điều chỉnh có hiệu lực sớm hơn, từ 1/8/2024. Đây là tiền đề để Chính phủ điều hành tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024, để cả năm tăng trưởng GDP đạt 7,09%, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng...

Đến nay, Quốc hội đã tháo gỡ hầu hết các khó khăn như sửa đổi Luật Đầu tư công, ban hành 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, 1 luật sửa 9 luật về tài chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Chính phủ, các địa phương. Kỳ họp này cũng tập trung tháo gỡ một số cơ chế, chính sách.

Tiếp theo, nếu Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để triển khai sớm các quyết sách của Quốc hội thì đây cũng là một tiền đề để huy động tối đa nguồn lực phát triển đất nước, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, theo Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp xây dựng bất động sản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung trông chờ vào hành động cụ thể- Ảnh 2.

Các đại biểu Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Hậu Giang đã thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Về 6 nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã rất quan tâm đến việc ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí như: quy hoạch treo, các dự án vướng thủ tục đất công, không sử dụng tài sản tranh chấp, các vụ án kéo dài...Đây là chủ trương rất đúng, nhưng để trở thành hiện thực thì còn rất nhiều việc phải làm.

Đặc biệt, hiện nay trong nhiều dự án đang triển khai có những dự án bị vướng quy hoạch, có những dự án bị vướng thủ tục và thậm chí chỉ vướng về tên. Như Luật Đấu thầu quy định phải là liên doanh, nhưng sau khi thắng thầu, trên cơ sở liên doanh họ lập ra công ty thì lại không được chấp nhận.

Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung rất trông chờ các biện pháp, hành động cụ thể của bộ, ngành, địa phương, để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bản chất ở đây không phải là vướng mắc về pháp lý mà là về thủ tục cần phải được tháo gỡ. Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung rất trông chờ các biện pháp, hành động cụ thể của bộ, ngành, địa phương, để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Trong đó, chủ trương của Đảng đã có, Quốc hội đã ban hành Luật, Nghị quyết, Chính phủ ban hành nghị định, thông tư, vấn đề còn lại là quyết tâm triển khai, khó đến đâu, tháo đến đó, tắc đến đâu thì thông đến đó. Đặc biệt cần xem lại khâu triển khai của các địa phương khi trên thực tế vẫn có những địa phương thực hiện tốt, những có những địa phương lại triển khai chậm.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từng địa phương, bộ ngành phải trực tiếp giải quyết, tháo gỡ mới đẩy nhanh tiến độ. Cùng với Đảng, Nhà nước, Trung ương và toàn dân triển khai đồng bộ, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top