Aa

Chủ tịch Tập đoàn Kosy kiến nghị lên Thủ tướng 3 vấn đề "nóng" về đất đai

Thứ Tư, 17/05/2017 - 23:00

Tại "Hội nghị diên hồng" Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy đã kiến nghị 3 vấn đề nóng liên quan đến đất đai.

Hôm nay (17/5), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. Hội nghị quy tụ khoảng 2.000 đại biểu, gấp 4 lần so với năm ngoái. Trong số này, có 1.500 đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước, các định chế tài chính lớn và đại diện các cơ quan Nhà nước.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy đã có 3 kiến nghị rất đáng chú ý liên quan đến vấn đề đất đai tại Hội nghị.

Theo đó, vấn đề thứ nhất đó là việc giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện nay đối với các dự án BĐS. Đó là theo cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người được đền bù. Theo ông Cường đây là cơ chế hợp lòng dân, đền bù sát với giá thị trường, ít xảy ra khiếu kiện và khiếu nại.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có số ít dự án khi tiến hành đền bù gặp phải rất nhiều trở ngại, khó khăn do không thỏa thuận được với một bộ phần người dân, nên dự án kéo dài, chậm tiến độ gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Vì thế ông Cường kiến nghị, đối với việc GPMB khi dự án đền bù đạt tối thiểu 70%, thì 30% còn lại nếu không đề bù được thì có thể giải quyết theo 2 phương án. Phương án 1, đó là Nhà nước can thiệp để tiến hành GPMB cho nhà đầu tư. Phương án 2, đó là cho phép Nhà đầu tư được khởi kiện ra tòa để tiến hành GPMB cho dự án.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy

Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy

Vấn đề thứ 2, ông Nguyễn Việt Cường kiến nghị tại Hội nghị là liên quan đến “thời điểm xác định giá đất trong đấu giá”. Hiện nay, khi đem đất ra đấu thầu, đấu giá nhưng giá đất lại chưa được xác định, nên nhà đầu tư không biết chính xác chi phí phải nộp cho ngân sách là bao nhiêu. Điều này ảnh hướng không nhỏ đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

Do đó, theo ông Cường kiến nghị việc đấu thầu, đấu giá đất có thu tiền sử dụng đất thì giá đất phải được xác định trước, chứ không phải là một con số tượng chưng.

Vấn đề thứ 3 mà ông Cường kiến nghị là liên quan đến việc thu hồi dự án. Theo quy định hiện hành, đối với dự án chậm tiến độ và không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Việc thu hồi như vậy, theo ông Nguyễn Việt Cường là “thu hồi trắng” và bất cập, và việc tích thu tài sản như vậy là trái với Nghị quyết trung ương 9. Vì thế, ông Cường kiến nghị tại Hội nghị đối thoại với Thủ tướng lần này, có thể đánh thuế lũy tiến hoặc Nhà nước phạt bằng tiến đối với các dự án chậm tiến độ để các nhà đầu tư tự quyết định, nhà đầu tư tìm giải pháp có thể tìm đối tác hợp tác hoặc là bán dự án cho đối tác khác mà Nhà nước không phải can thiệp.

Cũng tại Hội nghị, nói về vấn đề biến động giá BĐS ở TP. HCM, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết đã chỉ đạo kiểm tra.

Trong thời gian qua, địa phương đã ban hành nhiều chương trình giải pháp để thực hiện như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, và tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng 4.0... Về tình hình giá BĐS biến động mạnh trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố cho biết đã nắm bắt được và đã chỉ đạo kiểm tra, xem xét...

Ngày 7/3, TP .HCM cũng tổ chức hội nghị để ghi nhận, lắng nghe trao đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mục đích của địa phương này là đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp hoạt động.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top