Aa

Những kiến nghị của doanh nghiệp BĐS lên Thủ tướng

Thứ Tư, 17/05/2017 - 15:01

Trong Hội nghị Thủ tướng đối thoại doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội sáng nay (17/5), nhiều đại diện doanh nghiệp BĐS đã có những kiến nghị lên Thủ tướng.

Sáng nay (17/5), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. Hội nghị quy tụ khoảng 2.000 đại biểu, gấp 4 lần so với năm ngoái. Trong số này, có 1.500 đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước, các định chế tài chính lớn và đại diện các cơ quan Nhà nước.

Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu, gần 7.000 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp địa phương. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nhân đại diện cho lĩnh vực BĐS đã có những kiến nghị lên Thủ tướng. 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM - Lê Hoàng Châu kiến nghị, Chính phủ cần ra tay cùng TP. HCM 'dẹp' cơn sốt đất ảo vùng ven. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Chính phủ cần có chỉ đạo, phối hợp với UBND TP. HCM khẩn trương đưa ra giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất ở vùng ven thành phố. Hiện cơn sốt đất chủ yếu diễn ra tại một số quận như: quận 9, quận 12... và đã lan sang cả huyện Củ Chi, Cần Giờ... Đầu nậu, cò đất là thủ phạm chính gây ra cơn sốt đất này.

Thành phố cần công bố rõ thông tin huyện nào lên quận để tránh việc giới cò đất lợi dụng, tung tin hoả mù. Ngoài ra, một số dự án của các tập đoàn lớn đầu tư tại thành phố cũng bị giới đầu nậu lợi dụng, đẩy giá lên.

Ông Lê Hoàng Châu phát biểu. Nguồn ảnh: Zing

Ông Lê Hoàng Châu phát biểu. Nguồn ảnh: Zing

Hiệp hội BĐS TP. HCM kiến nghị cần sửa quy định Luật kinh doanh BĐS, yêu cầu kinh doanh BĐS cũng phải đăng ký, tránh chuyện cò đất lợi dụng kẽ hở này, kinh doanh tràn lan. Ông Châu cũng đề nghị sửa đổi một loạt quyết định của Thủ tướng liên quan tới khung pháp lý trong cổ phần hoá doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần sớm sửa cơ chế đấu giá, sử dụng đất, khắc phục tình trạng "chân gỗ, quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá.

"Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án;

Trong trường hợp dự án bị thanh tra, kiểm tra thì Hiệp hội đề nghị vẫn cho chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nhưng với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Hiệp hội kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có)" - ông Châu phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG nhấn mạnh về động lực quan trọng của nền kinh tế. Bà Nga mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển ở mọi ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm, khuyến khích hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu. Nguồn ảnh: Zing

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG nhấn mạnh về động lực quan trọng của nền kinh tế. Bà Nga mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển ở mọi ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm, khuyến khích hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu. Nguồn ảnh: Zing

Trong khi đó, tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch công ty cổ phần BRG phát biểu: “Chúng tôi mong muốn phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, khi thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng gần 40% GDP”, bà Nga nói.

Ngoài ra, doanh nhân này cũng kiến nghị Thủ tướng sớm có hành lang pháp lý cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, để doanh nghiệp nếu sai thì có điều kiện khắc phục, yên tâm và sẵn sàng dấn thân vào những kế hoạch, chủ động, nâng cao tư duy dám nghĩ, dám làm.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY, kiến nghị 3 vấn đề liên quan BĐS, gồm: giải pháp giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nên đánh thuế lũy tiến hoặc phạt tiền, tránh "thu hồi trắng" tài sản của nhà đầu tư. 

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành kiến nghị ưu đãi thời gian thu phí cho dự án BOT. Ông chia sẻ một số khó khăn của các doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng đường cao tốc. Theo ông Kiểm, bản thân Golf Long Thành cũng có đối tác nước ngoài là Nhật Bản. Để có đủ vốn thực hiện thì cần nguồn vốn lớn, nhưng ngân hàng Việt không đáp ứng được.

"Chúng tôi đã ký với đối tác Nhật và họ lo nguồn vốn hàng tỷ USD để thực hiện các dự án BOT, hoặc mua các dự án BOT. Nhưng hiện nay có khó khăn là các dự án thực hiện phải cần thời gian dài, nhưng tỷ giá luôn thay đổi nên đề nghị Chính phủ có bảo lãnh về tỷ giá để thu hồi vốn, trả cho nước ngoài. Cụ thể, nếu biến động tỷ giá lớn thì được tăng thời gian thu phí", ông Kiểm nói.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ, Tổng giám đốc Cty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ không cho phép “xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viên công”, “cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa”; phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư; thống nhất quy trình khám chữa bệnh giữa Bộ Y tế và BHXH; khám chữa bệnh cho người nghèo; sửa đổi quy định về thông tuyến khám chữa bệnh;...

Đây là lần thứ 2, Thủ tướng đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp. Trong lần đối thoại năm 2016, rất nhiều phản hồi, kiến nghị của doanh nghiệp đã trực tiếp được Thủ tướng ghi nhận và lập tức có những chỉ đạo, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Bước đầu, hội nghị đã có những thành công nhất định như tăng số lượng doanh nghiệp mới, môi trường kinh doanh tốt hơn…

Hội nghị lần 2 kỳ vọng sẽ là “cú hích” tiếp theo cho giới kinh doanh, doanh nghiệp và kinh tế trong nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top