HoREA cho biết quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính phủ liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, phát triển lành mạnh khu vực kinh tế tư nhân...bước đầu đã lan tỏa, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động rất cơ bản, mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại phải tiếp tục nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.
Nền kinh tế đã có nhiều thành quả gặt hái được như giữ vững được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, tăng trưởng GDP dù chưa đạt mục tiêu nhưng vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng và trong tầm kiểm soát.
Nhiều quyết sách của Trung ương đã tạo được niềm hứng khởi cho giới doanh nhân khi Bộ Chính trị có Nghị quyết về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua " phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế"...
Hiệp hội nhận định thị trường bất động sản hơn 4 tháng đầu năm 2017 tuy vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng và phát triển, nhưng đang ở xu thế chững lại. Thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Đồng thời thị trường đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc bất động sản cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%) và còn có hiện tượng sốt giá ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện của TP.HCM như: Quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ...
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, Hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng 17/5, HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị 5 nội dung cấp bách của ngành:
Một là, kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của doanh nghiệp.
Hai là, HoREA kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta:
Khoản (2.d) điều 174 Luật Đất đai quy định tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được "Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam", không có quy định cho phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Theo HoREA quy định này không còn phù hợp trong thời kỳ hội nhập, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực tài chính từ các định chế, tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
Ba là, kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh trong năm 2017.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, chúng ta cần nghiên cứu cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Thị trường xuất hiện nhiều trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định; và cần sửa đổi Luật Thuế để giao quyền cho Chính phủ chủ động hơn trong công tác quản lý nhà nước về thuế để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản, nhất là khi thị trường bị bong bóng hoặc bị đóng băng.
Bốn là, kiến nghị Chính phủ và UBND TP.HCM có giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt cơn sốt giá ảo" đất nền vùng ven của TP.HCM:
Theo ông Châu, cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường bất động sản, và để bảo vệ người tiêu dùng.
Năm là, về danh sách 60 dự án mà Bộ Tài chính vừa đề xuất thanh tra và tạm đình chỉ thi công, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc Quyết định thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị;
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có chân gỗ, quân xanh, quân đỏ.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Trong trường hợp dự án bị thanh tra, kiểm tra thì Hiêp hội đề nghị vẫn cho chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nhưng với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền;
Hiệp hội kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).