Mới đây, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký công văn khẩn gửi lãnh đạo Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh; - Cục Thuế tỉnh; Các Sở, ngành; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa được thường xuyên, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn xảy ra chưa được ngăn chặn triệt để.
Để chấn chỉnh công tác tham mưu và tổ chức thực hiện của cơ quan chuyên môn, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, giám sát, phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Thủ trưởng Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, quyền hạn của đơn vị, tập trung thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Một là, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép trên địa bàn (đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp); xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương và các sở, ngành chức năng liên quan. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc thành lập bến, bãi tập kết khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp, kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, nhất là các hành vi: không lắp đặt camera giám sát, định vị tại phương tiện khai thác; không đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; không báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhưng vẫn khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm; gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động xấu đến cảnh quan môi trường; các trường hợp kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ; buôn bán, vận chuyển trái phép về khoáng sản...
Bốn là, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông, đất san lấp trên địa bàn.
Năm là, các chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán các công trình (đặc biệt là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước), trong đó: xem xét nguồn gốc hợp pháp của vật liệu xây dựng đã sử dụng; kiên quyết không nghiệm thu, thanh quyết toán công trình đối với trường hợp sử dụng vật liệu xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Sáu là, nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, việc san gạt, cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép; các trường hợp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chính trước UBND Tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm nêu trên tại địa phương.
Bảy là, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt các hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản và hồ sơ dự án đầu tư, đảm bảo giảm thiểu tối đa việc tác động tiêu cực đến môi trường; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; không xem xét giải quyết các hồ sơ của các đơn vị nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động cho đến khi doanh nghiệp khắc phục xong các tồn tại, vi phạm.
Tám là, tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo sự công bằng về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước cho tất cả các thành phần kinh tế; xử lý nghiêm các đơn vị có dấu hiệu găm hàng tạo sự khan hiếm vật liệu xây dựng trên thị trường để trục lợi.
Chín là, tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, thăm dò khảo sát, đấu thầu, quản lý, cấp phép, khai thác, gia hạn nâng công suất khai thác, vận chuyển và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật khoáng sản số 60/2010/QH12; Nghị định số158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và các quy định hiện hành có liên quan về quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản, thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND Tỉnh về hoạt động khai thác khoáng sản, phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Quyết định số 475/QĐ-UBND.HC ngày 08/5/2018; thực hiện tốt Quyết định số 1468/QĐ- UBND-HC ngày 21/9/2020 của UBND Tỉnh về quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn Tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành và pháp luật có liên quan trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và an ninh trật tự tại địa phương.
Trong quá trình khai thác các tổ chức, cá nhân phải lắp đặt bảng thông báo, đóng cọc giám sát đường bờ, công khai thông tin về tọa độ, diện tích khu vực khai thác, thời gian khai thác, thời gian hoạt động trong ngày (không khai thác vào ban đêm), tên phương tiện, thiết bị sử dụng thực hiện khai thác để chính quyền địa phương, người dân biết, giám sát, không được khai thác vượt mức sâu, vượt công suất cho phép, thực hiện lắp đặt camera giám sát, định vị tại phương tiện khai thác; đăng ký tên loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; khai báo sản lượng khoáng sản khai thác hàng ngày, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thuê đất có mặt nước theo quy định.
UBND tỉnh cấm mọi trường hợp gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế, trong quá trình khai thác nếu phát hiện có khoáng sản khác (khoáng sản đi kèm) phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm các sự việc xảy ra trong phạm vi khai thác đã được cấp phép; trường hợp để xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh khu vực khai thác thì phải khắc phục, bồi thường thiệt hại hoặc sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác (nếu chậm trễ khắc phục, bồi thường).
Chọn đơn vị có năng lực thường xuyên theo dõi diễn biến lòng sông, sạt lở trong khu vực khai thác và các khu vực lân cận theo quy định của ngành chuyên môn; báo cáo định kỳ theo quy định hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu tại giấy phép khai thác khoáng sản được Ủy ban nhân dân Tỉnh cấp và các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn ký Kết luận Thanh tra 1869/KL-TTCP về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực Phía Nam cung cấp cho các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Thanh tra Chính phủ chỉ trách nhiệm, sai phạm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT cùng các tổ chức, cá nhân liên quan (do Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xác định).
Cụ thể, đối với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, qua đó xem xét, xử lý phù hợp theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc gia hạn giấy phép không đúng quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010 và việc cấp phép khai thác cát tại các khu vực đã khoanh định thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác nhưng không xác định cung cấp riêng cho các công trình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 15/2012/NĐ-CP và điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Qua quá trình kiểm điểm, xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền.
Chỉ đạo rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp và gia hạn trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, xem xét thu hồi các giấy phép còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép cấp qua đấu giá hoặc được xác định cung cấp cho các công trình theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP) hoặc điều chỉnh giấy phép (nếu đủ điều kiện) nhằm đảm bảo chỉ cung cấp cho các công trình theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phů.