Aa

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Không có tình trạng sốt đất tại Vân Đồn”

Thứ Bảy, 21/04/2018 - 14:01

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Không có tình trạng sốt đất tại Vân Đồn”'; Chưa xong hệ thống PCCC, Công ty Tecco đã "lùa" dân vào ở!; 3 rủi ro đầu tư đất nền khi nhà đầu tư lao vào cơn sốt... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Không có tình trạng sốt đất tại Vân Đồn”

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính–kinh tế đặc biệt diễn ra vào sáng nay (18.4), ông Nguyễn Đức Long đề nghị: Chính phủ kiên định, kiên trì báo cáo, giải trình với Quốc hội về xây dựng các cơ chế ưu đãi, vượt trội, đảm bảo cạnh tranh cho Đặc khu Vân Đồn theo đúng tinh thần Thông báo số 21 – TB/TW, ngày 22.3.2017 của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Các kỹ sư đang thực hiện giám sát kỹ thuật tại gói thầu xây dựng nhà ga, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (Ảnh: Nguyễn Quý).

Các kỹ sư đang thực hiện giám sát kỹ thuật tại gói thầu xây dựng nhà ga, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (Ảnh: Nguyễn Quý).

Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thành lập Đặc khu Vân Đồn. Đặc biệt tỉnh đã chủ động chuẩn bị bộ máy hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả cho đặc khu trong tương lai theo tinh thần Nghị quyết 19, Đề án 25 của tỉnh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 vừa qua; lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực sẵn sàng tham gia Hội đồng nhân dân của đặc khu.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết đã nghiêm cấm việc chuyển đổi đất rừng, nuôi trồng thủy sản trong thời điểm này. Thời gian qua, xuất hiện một số cò đất đến Vân Đồn để tạo “bong bóng” nhà đất. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, khống chế vấn đề này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thông tin trên báo chí cho rằng có tình trạng sốt đất tại Vân Đồn là không chính xác.

“Tại Vân Đồn, gần như toàn bộ quy hoạch chi tiết 1/500 đã dừng lại để chờ quy hoạch chung báo cáo Thủ tướng phê duyệt trên tinh thần là khu hành chính-kinh tế đặc biệt” – ông Long nói.

Xem chi tiết tại đây. 

Bộ trưởng Tài chính: Thuế tài sản không ảnh hưởng nhu cầu có nhà của người nghèo

Đúng một tuần sau khi công bố Đề cương Xây dựng dự án Luật Thuế tài sản và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chiều nay (20/4) đã có cuộc chia sẻ với báo chí.

Trước những phản ứng của dư luận, ông Đinh Tiến Dũng thừa nhận những đề xuất trên mới là bước đầu tiên để cơ quan này hoàn thành hồ sơ xây dựng dự án. "Mọi thứ mới trong quá trình nghiên cứu nên 'vạn sự khởi đầu nan', thậm chí có thể còn phải sửa cả tên luật", người đứng đầu Bộ Tài chính nói.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, mục tiêu quan trọng đề xuất dự Luật Thuế tài sản là nhằm tái cơ cấu, mở rộng nguồn thu ngân sách được thực hiện song hành với việc tiết kiệm chi.  Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu cơ cấu nguồn thu, đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản còn nhằm chống đầu cơ bất động sản.

"Luật nhằm điều tiết vào những nhóm đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ nhà đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác và sử dụng. Làm được như vậy sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu sở hữu nhà của người nghèo, người thu nhập thấp, đảm bảo sự minh bạch trong quản lý tài sản...", ông lý giải. 

Ông cũng đề cập những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản gồm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ trong chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, tại đề án Chính phủ đã phê duyệt về khai thác nguồn lực đất đai hay Nghị quyết 25 của Quốc hội về đề án tái cơ cấu ngân sách 5 năm 2016 - 2020... Ông cho biết, những chỉ đạo trên có yêu cầu phải nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế với tài sản gồm đất, tài sản gắn với đất.

Xem chi tiết tại đây. 

Chưa xong hệ thống PCCC, Công ty Tecco đã "lùa" dân vào ở!

Từ trước tết Nguyên đán Mậu Tuất tới giờ, đã có nhiều cư dân dọn về 2 tòa nhà A, B của Tecco Towers Thanh Hóa sinh sống.

Dù bảo vệ túc trực rất nghiêm ngặt nhưng phóng viên đã nhờ một hộ dân nhận làm người nhà và vào được tòa nhà A và B của chung cư Tecco Towers, đi từ tầng 1 tới tầng 12 của hai khối nhà này, chúng tôi đếm được tổng cộng 20 hộ dân sinh sống nhiều tháng nay.

Đáng lo ngại nhất là các hộ dân này cứ nghĩ hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà đã xong.

Bên ngoài Tecco Towers Thanh Hóa cao 21 tầng gồm 2 khối nhà. Ảnh: Bùi Oanh

Bên ngoài Tecco Towers Thanh Hóa cao 21 tầng gồm 2 khối nhà. Ảnh: Bùi Oanh

"Chúng tôi được nhân viên của Công ty Tecco cam đoan là tòa nhà đã hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy nên dọn vào ở" - anh K, một hộ dân đã ở được mấy tháng cho biết.

Chị L - một hộ dân mà phóng viên bắt gặp ngay đại sảnh của tòa nhà nói: "Lúc đầu họ (chủ đầu tư) nói tòa nhà đã hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng sau khi vào ở, chúng tôi phát hiện ra hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa xong. Hai tháng qua ở đây, nghe thông tin từ các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, gia đình tôi rất lo lắng".

Xem chi tiết tại đây. 

3 rủi ro đầu tư đất nền khi nhà đầu tư lao vào cơn sốt

Không những vậy, làn sóng này còn diễn ra ở nhiều vùng đang được quy hoạch, đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông, chẳng hạn như  vùng ven Tp.HCM, Long Thành (Đồng Nai), Bình Dương, Long An, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

Theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, lượng mở bán nhà liền thổ và đất nền trong Quý I tại các tỉnh Long An, Đồng Nai chủ yếu ở khu vực giáp ranh TP.HCM lần lượt là 2.009 nền và 1.895 nền/nhà phố.

"Ba tháng đầu năm 2018 cũng ghi nhận giá nhà đất liền thổ tiếp tục tăng cao tại các huyện vùng ven Tp.HCM. Chẳng hạn ở Củ Chi, đất nền ở các tuyến đường, hẻm nhỏ có giá 10 – 12 triệu đồng/m2; các đường lớn tiếp giáp nội đô có giá 20 – 30 triệu đồng/m2; Tại huyện Bình Chánh, giá trung bình khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2; Tại huyện Cần Giờ, tại các đường nhỏ có mức giá 8 triệu đồng/m2, tại các tuyến đường có hạ tầng, giao thông tốt, giá từ 15 – 18 triệu đồng/m2", số liệu từ Hội môi giới.

Chia sẻ về cơn sốt đất nền này tại buổi tọa đàm "Đất nền sốt nóng, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư" do Trang kinh tế tài chính CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức ngày 19/4, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, cơn sốt này đang diễn ra cục bộ ở một số địa phương nhưng chưa có hiện tượng bong bóng. Giá đất nền ở nhiều khu vực đang bị đầu nậu "thổi giá" tăng cao bất thương so với giá trị thực tế của lô đất, dẫn đến nhiều rủi ro đang tiềm ẩn.

Khi được hỏi về những rủi ro mà nhà đầu tư có thể đối mặt khi đầu tư đất nền là gì, ông Đính cho rằng có 3 rủi ro sau:

Thứ nhất, ở một số khu vực chưa được nhà nước đầu tư về hạ tầng trong khi giá liên tục tăng cao trong thời gian ngắn thì xuống tiền trong cơn sốt chắc chắn nhà đầu tư rất dễ bị mua phải giá cao hơn giá trị thực tế thị trường. Bởi giá trị đất thường đi theo giá trị đầu tư hạ tầng. Trong khi Phú Quốc hay Vân Đồn mới đang đầu tư và hạ tầng ở giai đoạn đầu, còn Vân Phong thì chưa có gì. Vì vậy, giá trị đất đai chưa thể cao như các khu đã được hoàn thiện đầy đủ hạ tầng.

Việc chưa có đầu tư đã phải mua đất giá cao, điều này cho thấy rủi ro về giá trị. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư luôn đẩy giá với hy vọng bán lại cho người khác. Điều này có thể có lợi trong giai đoạn đầu nhưng những người đến sau sẽ chịu nhiều rủi ro.

Thứ hai là rủi ro pháp lý, đối với những nhà đầu tư "lướt sóng" các khu đất nông nghiệp, đất công, đất canh tác hay đất trồng cây lâu năm,…thì sẽ đối mặt với rủi ro rất cao bởi đây là loại đất nhà nước cấm giao dịch, giao dịch không đúng quy định.

Thứ ba là rủi ro về quy hoạch, hầu hết đất đai ở các đặc khu hiện chưa rõ ràng về quy hoạch nên nhà đầu tư rất dễ mua phải đất giải tỏa, đền bù để thực hiện dự án.

Xem chi tiết tại đây. 

Chung cư mini: Dễ mua, khó bán

Đối với những gia đình từ quê lên thành phố làm việc, nhất là những người làm nghề tự do, có mức thu nhập thấp thì việc sở hữu được một căn hộ gần trung tâm để tiện cho việc đi lại cũng như làm ăn, buôn bán là một điều mơ ước, dù cho diện tích nhỏ. Tuy nhiên, sau khi dọn về ở thì những điều “không nằm trong giấc mơ” cũng bắt đầu xuất hiện.

Đơn cử như trường hợp của vợ chồng anh An (quê ở Quảng Nam), hiện đang làm việc tại quận 9, đăng tin rao bán căn hộ mini của mình đã nhiều tháng nhưng không thấy ai “quay lại” sau khi xem giấy tờ và hiện trạng căn hộ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh An cho biết, do lúc mua bán chỉ được thực hiện bằng giấy tờ viết tay và chỉ có 1 bản sao của quyển sổ đỏ chung nên bây giờ muốn bán lại cho người khác cũng khó.

Tìm hiểu về nguyên nhân vợ chồng anh muốn bán nhà thì được biết, chung cư mà anh đang ở đã sử dụng được 5 năm nhưng không được “chủ nhà” nâng cấp, sửa chữa. Một số hạng mục xuống cấp trầm trọng và xuất hiện tình trạng thấm nước sau mỗi trận mưa.

Hầu hết các chung cư mini đều xây dựng sai phép nên việc cấp sổ riêng cho từng nhà là rất khó

Hầu hết các chung cư mini đều xây dựng sai phép nên việc cấp sổ riêng cho từng nhà là rất khó

Tương tự, bà Hoan, chủ nhân một căn hộ tại chung cư mini trên địa bàn quận Thủ Đức cho biết, trước đây bà mua căn hộ diện tích 48m2 với giá 800 triệu đồng, để cho con trai lấy vợ ra ở riêng. Nay muốn bán lại để chuyển ra ngoài ở nhưng không được.

Theo bà Hoan, không gian sống ở đây chật chội và thiếu nhiều tiện ích công cộng như các căn hộ dự án. Hơn nữa, thang máy thì không có, nơi đổ rác cũng rất xa nên gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Có thể nhận thấy, giá rẻ là yếu tố cơ bản để các chung cư mini hút khách. Thế nhưng, “tiền nào của nấy”. Người dân mua một căn chung cư mini thời điểm này là rất dễ, nhưng khi muốn bán đi thì rất trần ai và cơ bản đều phải bán cho các “cò” với giá rất thấp so với giá mua.

Xem chi tiết tại đây. 

Doanh nghiệp chạy đua với phòng cháy chữa cháy ở chung cư

Sau vụ cháy Chung cư Carina, quận 8, chính quyền TP.HCM và cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có nhiều động thái kiểm tra, kiểm soát tình hình PCCC trên địa bàn.

Thông tin tại cuộc họp báo về vấn đề này, đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, hiện tại, TP.HCM còn 7 chung cư đã đưa người dân vào ở nhưng chưa đảm bảo hoạt động PCCC. Công an đã tiến hành xử lý vi phạm nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Tuy nhiên, danh tính các chung cư này chưa được phía cơ quan chức năng công bố. Lý do được ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho rằng, việc công bố danh tính của các chung cư này có thể gây hoang mang cho cư dân và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nên cần phải cân nhắc.

“Quan điểm của TP.HCM là trong tương lai vẫn phải công bố tình trạng của các chung cư, không chỉ là 7 dự án này, mà toàn bộ dự án chưa đạt chuẩn PCCC để người dân có hướng tiếp cận tốt và chủ động lựa chọn nơi ở", ông Hoan cho biết.

Chính vì việc thông tin chưa rõ ràng từ cơ quan chức năng mà nhiều người dân bất an không rõ chung cư mình đang ở có nằm trong “danh sách đen” PCCC hay không.

Bà Lê Thị Thu Cúc, ngụ tại chung cư Thanh Đa cho biết, vụ cháy xảy ra ở chung cư mới đưa vào hoạt động 6 năm, trong khi Chung cư Thanh Đa tồn tại đã hơn 50 năm, thiết bị phòng cháy không đảm bảo, hệ thống cầu thang, lối thoát hiểm, hệ thống điện… tất cả đều xuống cấp nghiêm trọng. Nếu xảy ra cháy thì không biết mạng sống hàng ngàn người dân đang sinh sống ở đây ra sao? Trong khi đó, tới nay, dù vụ cháy ở Carina như một lời cảnh báo nhãn tiền, tại chung cư Thanh Đa vẫn chưa thấy có động thái gì của việc nâng cao an toàn cháy nổ.

Xem chi tiết tại đây. 

Thị trường căn hộ TP.HCM: Tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc "khẩu vị" khách hàng?

Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý I/2018 của CBRE cho biết, thị trường căn hộ rất sôi động trong quý I mặc dù có kỳ nghỉ Tết dài. Số lượng căn hộ mới mở bán tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ vẫn được duy trì ở mức cao, đặc biệt là ở các dự án mới.

Cụ thể, trong quý I thị trường đón nhận thêm 9.503 căn hộ, tăng 11% theo quý và 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc trung cấp chiếm 71% tổng nguồn cung cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường để đáp ứng nhu cầu của người mua để ở và tạo nền tảng cho một sự phát triển bền vững.Thị trường căn hộ tại TP.HCM tiếp tục mở rộng về phía Đông và Nam tập trung tại Quận 2, 7 và 8.

Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ tại các phân khúc đều được ghi nhận là khả quan với tổng căn hộ lên tới 9.260 căn hộ được tiêu thụ, đạt 90% đến 100% được ghi nhận tại một số dự án của chủ đầu tư uy tín và mức giá hợp lý. Đặc biệt, phân khúc trung cấp được ưa chuộng khi chiếm 65% số căn bán được.

Tuy nhiên, trước một số lo ngại về các vấn đề an toàn chung cư mới nổi lên gần đây cũng như lượng cung tai một số phân khúc tăng dẫn đến có một vài sự điều chỉnh nhỏ về giá. Trong đó, giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp ghi nhận ở mức 1.515 USD/m2, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, giá bán tại một số quận như Quận 2, Quận 10 và Huyện Nhà Bè tăng từ 5% đến 10%.

Xem chi tiết tại đây. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top