Aa

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Ba, 03/12/2024 - 13:17

Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang đã khai thác trên diện tích là 154.238m2 mỏ đất sét để làm gạch ngói. Tuy nhiên, UBND huyện An Phú cho rằng, vị trí đất đã khai thác chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh An Giang có công văn 6360/VPUBND-KTN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường; Tổ xem xét, xử lý vi phạm và UBND huyện, thị xã, thành phố truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh An Giang đối với Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Tổ xem xét, xử lý vi phạm được thành lập theo Quyết định số 1639/QĐ-UBND ngày 25/10/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương báo cáo UBND tỉnh về kết quả xem xét, đề xuất xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất tại thị trấn An Phú, huyện An Phú của Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang; thời gian thực hiện trước ngày 06/12/2024.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh của Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang (trừ địa bàn thị trấn An Phú, huyện An Phú đã được kiểm tra và đang xử lý theo quy định của pháp luật). Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/12/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất - Ảnh 1.

UBND tỉnh An Giang không chấp thuận đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang.

Trước đó, ngày 16/10/2024, ông Lê Trường Sơn, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang đã ký văn bản số 5512/VPUBND-KTN về việc xử lý đề nghị khai thác tại các khu mỏ đất sét đã được phê duyệt trữ lượng của Công ty cổ phần Xây lắp An Giang.

Theo nội dung văn bản, UBND tỉnh thống nhất với nội dung báo cáo, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, cụ thể: "Không chấp thuận đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang đối với 03 khu mỏ sét đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng"; giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.

Theo nguồn tin PV, từ năm 2011 đến tháng 10/2023, Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 đã khai thác 582.722m3 đất tại các khu vực ngoài cụm công nghiệp An Phú (huyện An Phú). Đáng nói, việc khai thác diễn ra tại thị trấn An Phú, trên diện tích 153.348m2, với độ sâu từ 3,5 - 3,8m, nhưng không có giấy phép khai thác khoáng sản hợp lệ.

Ngày 22/1/2024, UBND huyện An Phú thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất và khai thác khoáng sản tại vị trí Công ty Cổ phần xây lắp An Giang đang xin thực hiện dự án khai thác mỏ đất sét để làm gạch ngói. Kết quả kiểm tra, diện tích đất đã khai thác là 154.238m2.

Theo UBND huyện An Phú, quy hoạch xây dựng (đến năm 2030), một phần khu đất xin nhận nhận chuyển nhượng của Công ty CP xây lắp An Giang chưa phù hợp quy hoạch, hiện đang được quy hoạch đất Cụm Công nghiệp An Phú mở rộng.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất - Ảnh 2.

UBND huyện An Phú cho biết, vị trí đất đã khai thác chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Ngoài ra, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện An Phú được UBND tỉnh An Giang phê duyệt, vị trí đất có tổng diện tích 154.238m2 đã bị Công ty xây lắp An Giang khai thác, có 98.170m2 được quy hoạch là đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; còn lại 56.068m2 là đất cụm công nghiệp

UBND huyện An Phú cho biết thêm, vị trí đất đã khai thác chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Công ty trình bày vào tháng 10/2023 có văn bản xin chủ trương nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có diện tích 173.030m2 tại thị trấn An Phú, huyện An Phú để thực hiện dự án khai thác mỏ đất sét. Tháng 2/2024, UBND tỉnh An Giang có công văn không chấp thuận. Do đó, Đoàn kiểm tra đề nghị Nhà máy Gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 ngưng việc khai thác.

Nhằm đảm bảo công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản, UBND huyện An Phú đã kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở ngành liên quan hỗ trợ kiểm tra, xử lý đối với Công ty xây lắp An Giang.

Xử phạt hành chính hành vi khai thác khoáng sản trái phép

Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như sau:

1) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền dựa trên tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện, cụ thể như sau:

- Dưới 10m3 thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

- Từ 10m3 đến dưới 20m3: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

- Từ 20m3 đến dưới 30m3: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

- Từ 30m3 đến dưới 40m3: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

- Từ 40m3 đến dưới 50m3: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;

- Từ 50m3 trở lên: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

(2) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác

Trừ trường hợp quy định tại (1) và (3) thì hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác sẽ bị phạt tiền như sau:

- Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

- Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP;

- Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường trừ khoáng sản quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn;

- Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top