Lệch pha cung - cầu chưa được giải quyết triệt để
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, 2023 là một năm tương đối khó khăn với thị trường bất động sản Việt Nam. Sức khỏe thị trường đã suy giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh trì trệ, thậm chí phá sản, ngừng hoạt động. Hàng ngàn môi giới phải bỏ nghề, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện hoàn toàn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đính nhận định: "Tính minh bạch, an toàn của thị trường ở mức thấp trong suốt một thời gian dài trước đó. Tình trạng này cho thấy có quá nhiều 'lỗ hổng' trong quá trình phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, từ cơ chế cho đến thực thi. Hiện tại, sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh, khả năng ứng biến trước những tình huống thay đổi vẫn chưa cao".
Cũng theo Chủ tịch VARS, tình trạng lệch pha cung - cầu đã được nhận diện từ lâu, nhưng mãi đến hết năm 2023 vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguồn cung sản phẩm có giá tiền phù hợp với đại đa số người dân ngày càng thiếu thốn.
Trong năm qua, Chính phủ và các bộ ngành trong năm qua đã quyết liệt kịp thời trong việc điều hành ngăn chặn khủng hoảng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, những dự án thực sự được tháo gỡ chưa nhiều bởi 2023 là năm khó khăn nhất trong 40 năm qua do suy giảm toàn cầu, chống đỡ lạm phát, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái,... Vì thế, nguồn cung chưa được cải thiện, doanh nghiệp chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Ông Đính cho rằng, nguyên nhân là do những văn bản dưới luật vẫn chưa bao phủ lên được bộ luật, vẫn còn những vướng mắc chưa thể tháo gỡ được triệt để…
Hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường khó có 'đất sống' trong thời kỳ này
Dự báo về thị trường năm 2024, ông Đính cho rằng thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Chính phủ năm 2024 chắc chắn sẽ tiếp tục hành động theo xu hướng mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Trong đó, Luật đất đai kỳ vọng được thông qua trong nửa đầu năm có những nội dung được cho là phù hợp với sự phát triển, giúp tạo động lực và tăng niềm tin cho xã hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư,...
Ngoài ra, đầu tư công cũng được chú trọng ở nhiều nơi, tạo điều kiện phát triển kinh tế và thị trường bất động sản. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch của gần 40 tỉnh thành, dự kiến sẽ tiếp tục được phê duyệt ở 63 tỉnh thành trong năm 2024, giúp nhiều dự án bị vướng mắc được tháo gỡ khó khăn.
Lãi suất ngân hàng được dự báo vẫn duy trì ổn định, có nhiều chính sách ưu đãi hơn trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tỷ lệ hấp thụ vốn tín dụng trong năm 2024 sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023. Đặc biệt, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ có thể sẽ được tháo gỡ để đẩy mạnh phát triển nguồn cung, trở thành sản phẩm chủ đạo giúp thị trường giao dịch 'ấm lại'.
Theo Chủ tịch VARS, vì đã được thanh lọc, đào thải mạnh nên thị trường bất động sản 2024 hoạt động chủ yếu là những doanh nghiệp khỏe mạnh, đã thích nghi hoặc đã cấu trúc lại để thích nghi. Ngoài ra còn có các nhà đầu tư, khách hàng thông thái hơn, kinh nghiệm hơn, chuyên nghiệp; vì thế hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường cũng theo hướng thực chất và ổn định hơn. Trong giai đoạn này, hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường khó có được 'đất sống'.