Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng Kỳ thị doanh nhân là thất bại dân tộc. Tôn trọng doanh nhân là sự tiến bộ.
Chia sẻ tại hội thảo "Làm tổ cho đại bàng nội" vừa diễn ra tại Quảng Ninh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh, tương lai của đất nước phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là khơi dậy cho sự phát triển của khu vực này.
Khi đề cập đến cụm từ "đại bàng nội", ông Lộc cho rằng có thể thay đổi cách gọi doanh nghiệp nội là "đàn rồng Việt" và không phải là "dọn tổ" mà là mở cửa, hội nhập.
Chủ tịch VCCI nhắc đến một điểm băn khoăn. Đó là tại nhiều địa phương, trong khi các dự án nước ngoài được đánh giá cao thì doanh nghiệp nội ví như "bụt chùa nhà không thiêng" dù mang lại giá trị, công ăn việc làm.
"Cần xây dựng, nâng niu đàn rồng Việt để các doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân dân tộc trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, đảm bảo sự tự chủ của kinh tế Việt Nam, vừa thịnh vượng vừa tự chủ", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, khu vực kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng của nền kinh tế, phải ngày càng trở nên quan trọng hơn. Việt Nam có lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 8 trăm nghìn doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý hiện nay đó là Việt Nam lại chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. Chủ tịch VCCI nói: "Vấn đề của chúng ta không phải là số lượng nữa là chất lượng. Cần nâng cấp doanh nghiệp lên chứ không chỉ là những vô số những doanh nghiệp li ti nữa".
Theo ông, định hướng chính sách không phải tăng số lượng mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa. "Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu SME, cầm tay chỉ việc hay tiền bạc mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi. Trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu", ông Lộc nêu vấn đề.
Thêm nữa, cần phải có một xã hội trọng doanh nhân. "Thái độ" của các địa phương có yếu tố quan trọng trong việc thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. "Kỳ thị doanh nhân là thất bại dân tộc. Tôn trọng doanh nhân là sự tiến bộ. Xã hội có một cách nhìn, sự bao dung thì đó là nền tảng để phát triển", ông Lộc nói.
Để biết công cuộc phát triển đất nước có thành công hay không, theo ông, cần nhìn vào thái độ của xã hội nhà nước với doanh nhân. Cái nhìn tôn trọng chính là nền tảng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay cho thấy cần phải có môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, cũng cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nhiều, nhưng thiếu các "đầu tàu". Nếu phát triển, Nhà nước cần phải quy hoạch để thu hút sự tham gia đồng đều của các doanh nghiệp, trong đó khối tư nhân và quốc doanh song song phát triển.
Ông Đoàn cho rằng việc thiếu các doanh nghiệp "đại bàng" là do nhiều đơn vị chưa thể minh bạch, chia sẻ về hoạt động kinh doanh, khó có thể đồng hành, liên kết phát triển. Doanh nghiệp không thể nghĩ "riêng lẻ khỏe ăn", tự cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau. Ngoài ra hệ sinh thái phát triển còn thiếu, các doanh nghiệp hầu như tự lực, tự cường và tự cạnh tranh nội địa.
Cũng theo vị này, Nhà nước cần phải có hoạch định mạch lạc để doanh nghiệp phát triển mạnh trong 5 đến 20 năm tới. Đặc biệt, Chính phủ có thể hạn định số lượng đơn vị tham gia vào một số ngành nghề để tránh lãng phí nguồn lực. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quy hoạch của chính phủ, ví dụ không nên để tỉnh nào cũng làm du lịch, công nghiệp, không nên phát triển tràn lan, chồng chéo.
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua quá trình khó khăn để thể hiện được vai trò của mình.
Theo ông Doanh, kinh tế tư nhân của Việt Nam đã phát triển kỳ diệu, các vùng sâu vùng xa, đã có những sản vật riêng, phát triển du lịch... Kinh tế tư nhân đã giúp Việt Nam phát triển một cách năng động và đồng đều. Khối tư nhân cũng góp phần nâng cao sự bình đẳng nam nữ ở Việt Nam khi giám đốc các doanh nghiệp tư nhân là nữ hiện chiếm 28%, một tỷ lệ cao trong khu vực Đông Nam Á.