Aa

Chủ tịch VNREA đưa ra giải pháp xây dựng không gian sống văn minh của Thủ đô

Chủ Nhật, 24/12/2017 - 06:01

Tại Hội thảo khoa học cấp thành phố “Phát triển thị trường bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức ngày 23/12/2017, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã đưa ra nhiều giải pháp xây dựng không gian sống văn minh của Thủ đô.

Ông Nguyễn Trần Nam đóng góp vào Hội thảo tham luận: "Thực trạng thị trường bất động sản Hà Nội và những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển thị trường bất động sản theo hướng tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô".

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong một vài năm gần đây, nhiệm kỳ mới 2015-2020 của TP. Hà Nội có chuyển biến rõ rệt, như vấn đề trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh của một đô thị xanh - sạch - đẹp; phố đi bộ là thành công rất lớn của Hà Nội; cho phép kinh doanh, buôn bán về đêm; lộ trình giảm dần xe máy.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Thủ đô đang có những bước chuyển biến theo hướng văn minh hiện đại, hình thành các đô thị văn minh, bước đầu hình thành nếp sống thị dân. Nhưng thực trạng vẫn còn nhiều điều bức xúc, đặc biệt là giao thông, nhà ở, xử lý rác, môi trường.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam góp ý một số vấn đề như: Công tác Quy hoạch và quản lý quy hoạch Để giải quyết bài toán tăng trưởng gắn với quy mô dân số, ngày 27/6/2011 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó, xem việc liên kết vùng, xây dựng vùng Thủ đô gắn với các đô thị vệ tinh mang tính đột phá.

Tuy nhiên, đã qua hơn 6 năm, việc thực thi ý tưởng xây dựng đô thị vệ tinh gắn với vùng Thủ đô vẫn chưa thực hiện được trong khi những bức xúc về mặt xã hội, hạ tầng cơ sở ngày càng gia tăng.

Vì vậy, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, Hà Nội cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển Thủ đô, trọng tâm là công tác lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh, thực hiện các quy hoạch có liên quan. Trước mắt, giai đoạn ngắn hạn, trong khi chờ đợi kết nối với các khu đô thị về tinh được dễ dàng hơn, có thể xem xét cấp phép các dự án mới theo phương thức “vết dầu loang”, từ khu vực trung tâm ra phía ngoài đô thị, nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng đồng bộ, lan tỏa.

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đến 2015, chỉ tiêu cây xanh mới đạt 2,5m2 /người trong khi mục tiêu quy hoạch năm 1998 là 16m2/người; đặc biệt thiếu các công viên trên 50ha; Chỉ tiêu giao thông đến nay mới đạt 7,5%, còn xa mới đạt chỉ tiêu 25% theo quy hoạch năm 1998 và quy hoạch chung năm 2011 là 27%.

Về chất lượng dịch vụ đô thị, theo chủ tịch VNREA, Hà Nội có thế mạnh về dịch vụ du lịch, trong những năm qua luôn có mặt trong top 10 thành phố du lịch hấp dẫn của Châu Á.

Chính quyền Thành phố trong thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình hành động gây hiệu ứng tốt đối với người dân và du khách (chương trình trồng 1 triệu cây xanh, chiếu sáng đô thị, phố đi bộ, kéo dài thời gian sinh hoạt về đêm...).

Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị hơn nữa, cụ thể là: Vận hành hệ thống chiếu sáng tiết kiệm, tăng cường chiếu sáng các tuyến đường lớn, các cầu vượt đường bộ, cầu vượt sông Hồng, các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, văn hóa, các tòa nhà cao tầng và các khu dân cư...

Thành phố có thể vận động doanh nghiệp và chia sẻ kinh phí để vận hành hệ thống, nhằm tạo không khí vui vẻ, hấp dẫn cũng như tạo môi trường hiện đại, văn minh. Cải tạo, nâng cấp, phát huy hiệu quả hệ thống các hồ nước, công viên, vườn hoa và chỉnh trang cây xanh đô thị. Dỡ bỏ hàng rào các công viên để mọi người dân, du khách được tiếp cận với không gian sống xanh, sạch, có nơi vui chơi, giải trí.

Bên cạnh đó, tiếp tục công tác sắp xếp, dành lại vỉa hè cho người đi bộ, tránh để bộ mặt đường phố lộn xộn, nhếch nhác.

Ông Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, Hà Nội cần tăng cường quản lý phương tiện giao thông, đề ra lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, đồng thời đề ra giải pháp tập trung phát triển giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở tuy đã được cải cách, rút ngắn theo chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng; bồi thường GPMB; giao đất; thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài, một phần do các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, một phần là do năng lực, tư tưởng sợ chịu trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top