Aa

Chưa có khả năng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Thứ Tư, 04/10/2023 - 05:54

Hiện nhiều doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ đang gặp áp lực đáo hạn lớn trong bối cảnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh khó khăn. Thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp rất cần những giải pháp phù hợp với thực tế.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang khá căng thẳng với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 khoảng 271.400 tỷ đồng và năm 2024 là 329.500 tỷ đồng, theo số liệu từ Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ngày càng nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán cả lãi và gốc trái phiếu đã phát hành. Thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp rất cần những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã có bước “chạy đà” rất tốt

Mới đây, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho hay, HoREA và cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá rất cao Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/03/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đã giải quyết được nhiều khó khăn cho thị trường trong gần 7 tháng qua.

Cụ thể, Điều 1 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan; tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với điều kiện phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Nghị định 08 cũng cho phép kéo dài kỳ hạn của trái phiếu với thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Nếu người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). (Ảnh: Báo Đầu tư)

Thêm một điểm tháo gỡ rất tích cực của Nghị định 08 nằm ở Điều 3, quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với một số quy định quan trọng tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm tạm dừng việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; tạm dừng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Ông Lê Hoàng Châu cũng khẳng định, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP mới chỉ thực hiện 7 tháng nhưng đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và đang trong quá trình dần phục hồi trở lại.

“Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã có bước “chạy đà” rất tốt trong 7 tháng qua và bước đầu đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chắc chắn sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý IV/2023”, ông Lê Hoàng Châu nêu.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính sách phù hợp với thực tiễn

Mặc dù nhiều khó khăn đã được tháo gỡ tạm thời, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn bước vào quý IV với nhiều nỗi lo, nhất là áp lực đáo hạn ngay trong quý IV/2023 và quý I/2024. Nhiều doanh nghiệp đã và đang tiến hành bán tài sản để trả nợ gốc và lãi cho những lô trái phiếu đến hạn. Những nỗ lực này ít nhiều lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư, song vẫn chưa thể giảm áp lực đáo hạn cho toàn thị trường.

Theo ông Lê Hoàng Châu, ngoài áp lực đáo hạn trái phiếu quá lớn, để từng bước xây dựng hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế như việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân hoặc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì cần phải có thời gian và thông qua một quá trình chuyển đổi phù hợp.

Trong khi đó, Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định “ngưng hiệu lực thi hành” đối với một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP gồm “quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu” chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

“Nên rất cần thiết gia hạn việc áp dụng các quy định trên để bảo đảm sự phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay. Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024”, đại diện HoREA đề xuất.

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, theo Bộ Tài chính, quý IV năm 2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị hơn 65.000 tỷ đồng, chưa kể các lô trái phiếu đã thỏa thuận giãn, hoãn nợ, với gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

“Đến năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng, là năm cao điểm nhất trong ba năm gần đây. Rất khó để doanh nghiệp xoay xở trả nợ trái phiếu đúng hạn”, PGS.TS. Ngô Trí Long đánh giá.

PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). (Ảnh: Reatimes)

Ghi nhận việc cơ quan quản lý đã liên tục điều chỉnh các quy định về trái phiếu cho kịp thời và phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên chuyên gia cũng nhìn nhận, đôi khi việc đưa ra chính sách được đặt kỳ vọng quá lớn và chưa sát với thực tiễn thị trường Việt Nam, dẫn đến khó thực hiện và khi đưa vào áp dụng lại xuất hiện những khó khăn, vướng mắc; như việc các nghị định về trái phiếu đã phải liên tục sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế, nếu không sẽ rất khó áp dụng.

“Chúng ta chưa tìm, hay nói cách khác là chưa thừa nhận nguyên nhân sâu xa, căn cơ của vấn đề để xử lý mà đưa ra quy định có phần cảm tính theo kỳ vọng hay mong muốn, đó là lý do có những chính sách chưa thực sự mang lại hiệu quả”, ông Long nói.

Thông tin thêm, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng, giúp minh bạch thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư. Hiện quy định xếp hạng tín nhiệm đã lùi lại đến tháng 1/2024 mới bắt đầu áp dụng, đây là việc cần thiết và có khả năng sẽ phải lùi lại tiếp vì chúng ta chưa có khả năng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp.

“Ở các nước, không phải tất cả doanh nghiệp đều tham gia xếp hạng tín nhiệm, mà doanh nghiệp nào tham gia xếp hạng tín nhiệm và ở thang bậc tốt thì được nhà đầu tư tin tưởng; còn không tham gia thì được xếp loại trái phiếu rác (junk bond), vẫn là trái phiếu đầu tư nhưng đã dán nhãn rõ ràng để nhà đầu tư biết và lựa chọn, tùy khẩu vị rủi ro của họ.

Nhìn chung, xếp hạng tín nhiệm là cần thiết và quan trọng để minh bạch thị trường, lấy lại niềm tin với nhà đầu tư. Nhưng chúng ta có thể phân loại, không nên áp dụng bắt buộc cho tất cả”, PGS.TS. Ngô Trí Long nêu quan điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top