Theo như danh mục dự án cần thu hồi đất trong năm 2025, tỉnh Bình Phước sẽ tiến hành thu hồi đất để triển khai xây dựng 2 dự án đường cao tốc lớn chạy qua địa bàn, gồm: Cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Theo đó, để xây dựng tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn, tỉnh này sẽ tiến hành thu hồi 82,2ha trên địa bàn xã Minh Thành và phường Nha Bích, thị xã Chơn Thành.
Đối với tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước sẽ tiến hành thu hồi 122,81 ha tại thị xã Chơn Thành (các phường xã: Minh Thành, Nha Bích, Minh Thắng, Minh Lập); 148 ha ở TP Đồng Xoài (các phường Tân Xuân và các xã Tiến Hưng, Tân Thành); 188 ha huyện Đồng Phú (các xã Tân Hưng, Tân Phước, Đồng Tiến, Đồng Tâm); và 500 ha thuộc huyện Bù Đăng (các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Đức Liễu, Thống Nhất, Phước Sơn, Đoàn Kết, Thọ Sơn, Phú Sơn, Đồng Nai).
Tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước được HĐND TP. Bình Phước thông qua chủ trương đầu tư từ ngày 13/5 vừa qua với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 1.000 tỷ đồng. Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư.
Trước đó vào hôm 14/12, tại buổi công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, tỉnh Bình Phước đã tiến hành động thổ cao tốc này.
Tuyến cao tốc này được thực hiện từ nay đến năm 2026.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 28/6 vừa qua với tổng vốn 25.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là khoảng 10.500 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước là đơn vị làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 (xây dựng đường gom, cầu vượt ngang trên địa bàn tỉnh Bình Phước) và dự án thành phần 5 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Bình Phước).
Về lộ trình dự kiến, tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được triển khai và hoàn thành trong vòng 3 năm tới, dự án cơ bản được hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác vào năm 2027.
Bình Phước là tỉnh cửa ngõ kết nối vùng Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia, có diện tích lớn nhất Nam Bộ 6.876km2 (theo số liệu năm 2016 từ Tổng Cục Thống kê). Nhờ tiềm năng đất đai rộng lớn, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế. Năm 2023, Bình Phước đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với tăng trưởng GRDP đạt 8,34%, vượt mục tiêu đề ra là 8%. Tính đến hết tháng 11/2024, tỉnh Bình Phước đã thu hút đầu tư hơn 1,17 tỷ USD nguồn vốn FDI và trên 18.800 tỷ nguồn vốn trong nước. Với kết quả này, Bình Phước dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ và xếp thứ 11 toàn quốc về tốc độ tăng trưởng.