Aa

Chưa đầy 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân?

Thứ Ba, 04/02/2025 - 11:04

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ mục tiêu phải xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong vòng 5 năm tới, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau năm 2050, Việt Nam phấn đấu có nhà máy điện hạt nhân

Mới đây, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành trong ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu thực hiện nghiêm 13 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 67 nhiệm vụ cụ thể, trong đó bao gồm chuẩn bị tốt việc triển khai các dự án hạ tầng lớn như nhà máy điện hạt nhân.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc tổ chức chuẩn bị, đón Tết thời gian qua cơ bản đạt mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng. Điều này đã tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi của cả dân tộc, tạo đà và tạo lực cho cả nước bước vào năm mới 2025.

Chưa đầy 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân?- Ảnh 1.

Sau năm 2050, Việt Nam phấn đấu sẽ có nhà máy điện hạt nhân. Ảnh minh họa

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm 13 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 67 nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai ngay sau Tết.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/1/2025 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Theo báo Chính Phủ, trưa ngày 15/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp này, sau khi nghe báo cáo, ý kiến và phát biểu kết luận, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh tinh thần khẩn trương triển khai công việc, vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, bởi chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân đã rất rõ, trong đó có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu điện sạch, nhất là với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2 con số thì tăng trưởng điện phải từ 15-18%.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng thì cần có các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, trong đó có lĩnh vực công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, gồm điện hạt nhân, y học hạt nhân...

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ mục tiêu xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, từ đó xác định lộ trình và công việc của từng năm, phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta sẽ có nhà máy điện hạt nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng sau khi có mục tiêu, lộ trình thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm. Phải xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, các công việc của mỗi năm; các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phải hình dung, đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể của mình gửi Bộ Công Thương để tổng hợp.

Cần có lộ trình cụ thể

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân EVN và các cơ quan cần tập trung ngay đội ngũ nhân lực này, đồng thời xác định rõ nhu cầu đào tạo và báo cáo, đề xuất ngay.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng cũng cần hình thành tổ chức chuyên trách chuyên nghiệp để triển khai dự án điện hạt nhân này và chuẩn bị cho các dự án khác trong tương lai. Tiến hành rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế đặc thù, hoàn thiện thể chế về thuế, tín dụng, đất đai, thu hút nhân lực…

Chưa đầy 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân?- Ảnh 2.

Việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cần có lộ trình cụ thể. Ảnh minh họa

Liên quan đến nhiệm vụ chuẩn bị hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ninh Thuận làm chủ đầu tư, kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). Cùng với đó, cần chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện nước, văn hóa - giáo dục... nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy và phục vụ đội ngũ nhân lực triển khai dự án.

Các cơ quan liên quan cũng được giao nhiệm vụ triển khai hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); tỉnh Ninh Thuận đề xuất và triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án.

Chưa đầy 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân?- Ảnh 3.

Việt Nam sẽ tái khởi động lại Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Ảnh minh họa

Nhấn mạnh về yêu cầu coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai các công việc, tiếp tục kế thừa những kết quả đã làm trước đây và bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, chuẩn bị cho phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo dự kiến trong trung tuần tháng 2 này.

Tính cấp thiết của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Hiện nay, việc đảm bảo an ninh năng lượng được cho là lý do hàng đầu buộc Việt Nam cần tính toán phát triển điện hạt nhân.

Trong kết luận của Thường trực Chính phủ vào hồi tháng 9/2024, Chính phủ khẳng định Việt Nam định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng đạt 12-15% mỗi năm.

Do đó, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân là cần thiết, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển điện hạt nhân có thể giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường.

Chưa đầy 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân?- Ảnh 4.

Tại Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn, thay vào đó các nguồn truyền thống, như điện than sẽ dần thu hẹp. Ảnh chụp màn hình

Để đủ năng lượng, Chính phủ cũng đã đề xuất sửa Luật Điện lực, trong đó Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Trên thực tế, Việt Nam đã từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, dự án này đã dừng theo Quyết định năm 2016 của Quốc hội.

Năm 2022, Ủy ban Kinh tế Trung ương đã từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam hiện có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và trong suốt thời gian qua đã có những bước chuẩn bị cơ bản.

Mặc dù vậy, theo GS. Trần Quốc Tuấn, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng, chủ trương đầu tư nhất quán từ cấp cao trước khi phát triển năng lượng này, đồng thời nên khôi phục chương trình đào tạo và nghiên cứu trước đây, mở rộng hợp tác các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm nhằm giải quyết phần nào bài toán về nguồn nhân lực cho dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top