Tín dụng tăng không kiểm soát, bất ổn vĩ mô có thể quay lại
Cơ chế điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) là một trong những vấn đề “nóng” nhất của lĩnh vực tiền tệ. Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước bỏ room tín dụng vì dễ làm nảy sinh cơ chế xin - cho. Quốc hội cũng giao Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ “nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng".
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng thời gian qua được Ngân hàng Nhà nước tiến hành công khai, minh bạch, dựa trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Các tiêu chí được đưa ra phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong giai đoạn 2022-2024, room tín dụng đã được thông báo tới từng tổ chức tín dụng và công bố công khai ngay từ đầu năm. Ngoài ra, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước có thêm 2 đợt điều chỉnh room tín dụng vào tháng 8/2022 và tháng 12/2022. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng có thêm 2 đợt điều chỉnh room tín dụng vào giữa năm và cuối năm.
Đặc biệt, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng bằng cách giao toàn bộ room tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng và thông báo công khai ngay từ cuối năm 2024. Tiếp đó, ngày 28/8/2024, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo room tăng thêm cho các tổ chức tín dụng đảm bảo theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Liên quan nhiệm vụ nghiên cứu hạn chế tiến tới bỏ cơ chế room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện vẫn chưa thể chấm dứt cơ chế này.
“Trong bối cảnh gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng ngân hàng vẫn rất lớn, nếu để tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, thì hệ lụy như giai đoạn trước năm 2011 có khả năng lặp lại, gây bất ổn vĩ mô, rủi ro lạm phát gia tăng, đồng thời rủi ro nợ xấu tăng cao, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống tổ chức tín dụng còn đang trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, từng bước nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế”, báo cáo của Thống đốc khẳng định.
Không thể kéo dài mãi cơ chế room tín dụng
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát tín dụng rất thận trọng, song nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chặn tín dụng tăng trưởng nóng thông qua các công cụ thị trường, thay vì biện pháp hành chính như room tín dụng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước muốn giữ cơ chế điều hành room tín dụng là điều dễ hiểu, vì nền kinh tế Việt Nam dựa quá lớn vào tín dụng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tín dụng tăng nóng trở lại, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy.
Dỡ bỏ room tín dụng cần có lộ trình
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết khi có đủ biện pháp kiểm soát, thay thế phù hợp và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.
Tuy vậy, theo chuyên gia này, việc bỏ room tín dụng là vấn đề bắt buộc phải làm, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm bỏ cơ chế này. Thực tế, rất nhiều nước đang kiểm soát tăng trưởng tín dụng tốt thông qua các công cụ thị trường như dự trữ bắt buộc, Hệ số An toàn vốn (CAR), Tỷ suất Lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA), Tỷ suất Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE), Tỷ lệ Dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR)… của các ngân hàng.
“Thông qua các công cụ này, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được cung tín dụng ra nền kinh tế”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua Hệ số An toàn vốn (CAR), mà không cần đến room tín dụng. Ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu, thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng bấy nhiêu. Điều này sẽ khiến các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao không bị thiệt thòi, không bị bó buộc bởi room tín dụng, mà lại gây sức ép cho các ngân hàng nhỏ, có tỷ lệ an toàn vốn thấp phải nâng cao “đệm” thanh khoản của mình.
Nhiều chuyên gia dự đoán, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ room tín dụng khi kinh tế vĩ mô ổn định hơn, sức khỏe hệ thống ngân hàng tốt hơn và cơ quan điều hành có “bộ” công cụ giám sát tốt hơn. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể thí điểm bỏ trước room tín dụng cho nhóm ngân hàng khỏe, đáp ứng các tiêu chí nhất định trước. Một khi Ngân hàng Nhà nước nhuần nhuyễn hơn trong giám sát tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng tín dụng, thì việc bỏ room quy mô rộng sẽ được áp dụng.
Tuy vậy, để giảm bớt rủi ro cho nền kinh tế khi Ngân hàng Nhà nước bỏ room tín dụng, các bộ, ngành cũng phải có giải pháp để phát triển thị trường vốn, không để nền kinh tế dựa quá lớn vào hệ thống ngân hàng. Với tình hình khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán như hiện nay, cầu vốn của doanh nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng. Vì vậy, rất có khả năng, khi Ngân hàng Nhà nước bỏ room, tín dụng lại tăng nóng, nhất là ở nhóm ngân hàng tư nhân có tỷ trọng cho vay bất động sản cao./.