Loạt ngân hàng rao bán bất động sản
Mới đây, ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An (Hà Nội) đã có hai thông báo về việc bán đấu giá 2 căn biệt thự tại khu đô thị Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), gồm biệt thự số 29, lô Q-M3 và ngôi biệt thự số 8 dãy T6.
Theo thông tin từ ngân hàng này, biệt thự đầu tiên là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Thành An và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Dung Phát. Biệt thự có quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng 607m2.
Giá khởi điểm bán đấu giá biệt thự được Agribank đưa ra là 184,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT và khoản tiền đặt trước là 18,5 tỷ đồng). So với đợt rao bán hồi tháng 8, mức giá này đã giảm gần 10 tỷ đồng và giảm 31 tỷ đồng so với mức giá đưa ra hồi đầu tháng 7.
Ở biệt thự thứ 2, đây là tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty TNHH đầu tư thương mại xuất nhập khẩu quốc tế Minh Ngọc. Biệt thự nằm trên diện tích đất 230m2.
Giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản là 83,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT và khoản tiền đặt trước là 8,3 tỷ đồng). Mức giá trên cũng đã giảm hơn 4 tỷ đồng so với giá thông báo tháng 8 và giảm hơn 14 tỷ đồng so với mức đưa ra ở tháng 7.
Tại TP.HCM, ngân hàng Agribank hiện cũng đưa ra thông báo rao bán 2 lô đất lớn. Đây là tài sản thế chấp cho các khoản vay của Công ty TNHH XNK MuMuSo Việt Nam, Công ty TNHH ĐT TM DV XNK Tinh Tú, Công ty TNHH Toocha Việt Nam tại Agribank chi nhánh 5.
Thông tin từ ngân hàng cho biết, lô đất đầu tiên có diện tích 7.500m2. Lô đất thứ hai có tổng diện tích hơn 2.000m2. Cả hai lô đất đều có địa chỉ tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Giá khởi điểm của 2 lô đất là 191,6 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 8, Agribank chi nhánh TP.HCM cũng thông báo rao bán đấu giá 18 bất động sản tại TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Cườm Việt. Giá trị khoản nợ tính đến 31/7/2024 là 123,379 tỷ đồng, song ngân hàng đưa ra giá đấu giá khởi điểm của khoản nợ là 111 tỷ đồng.
Tương tự Agribank, ngân hàng Sacombank hiện cũng đang rao bán nhiều sản phẩm bất động sản. Đơn cử như dự án Xi Grand Court tại địa chỉ số 256-258 Lý Thường Kiệt, Quận 10, TP.HCM. Tài sản bán đấu giá thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Sơn Thuận. Được biết, vào tháng 7/2020, Sacombank đã từng đưa ra đấu giá lần đầu tiên số tài sản này.
Có thể thấy, tình trạng thanh lý bất động sản thế chấp tại các ngân hàng đang diễn ra ngày càng phổ biến. Không chỉ Agribank, Sacombank mà tình trạng này còn diễn ra ở nhiều ngân hàng lớn khác như Techcombank, BIDV, MB Bank…
Đối với nhóm ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ, từ cuối quý II trở lại đây cũng dồn dập rao bán các khoản nợ hoặc phát mãi các tài sản thế chấp nhằm thu hồi nợ. Hầu hết các tài sản được ngân hàng phát mãi thời gian gần đây là bất động sản thương mại hoặc nhà ở dân cư.
Mối nguy nợ xấu gia tăng
Không khó để nhận ra, nguyên nhân của thực trạng ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản, thậm chí giảm giá sâu để thanh khoản, là xuất phát từ áp lực nợ xấu gia tăng.
Theo báo cáo tài chính của 29 ngân hàng được VietstockFinance thống kê, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trong quý II tăng so với thời điểm cuối năm 2023. Tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tuyệt đối tăng 30 - 50%.
Chia sẻ tại cuộc họp báo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/7, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.
Theo tìm hiểu, tính đến cuối tháng 6, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank đạt hơn 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm 2023. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng tăng lần lượt 75% và 17,4%. Điều này khiến nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%.
Hay như ngân hàng BIDV, tỷ lệ tổng nợ xấu/tổng tài sản cũng tăng từ 0,97% lên 1,14% tại thời điểm 30/6. Trong đó, số dư nợ xấu đạt 28.687 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thời điểm đầu năm, với mức tăng ở cả 3 nhóm nợ xấu. Đặc biệt, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, tức nợ nhóm 3 tăng mạnh 86,23%, lên 7.113 tỷ đồng vào cuối quý II.
Chia sẻ với Reatimes, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm là do nền kinh tế Việt Nam đang trên hành trình phục hồi tuy nhiên tốc độ còn chậm. Khi nợ xấu tăng, các ngân hàng buộc phải rao bán bất động sản hoặc các tài sản thế chấp khác để thu hồi nợ, nhằm giảm thiểu áp lực nợ.
Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thông qua hoạt động phát mãi bất động sản cũng không dễ dàng. Thực tế, có nhiều bất động sản đã được rao bán nhiều lần với mức giá giảm dần nhưng vẫn khó thanh khoản. Bởi tâm lý người mua có phần e ngại với bất động sản phát mãi, phần khác do sức cầu đầu tư của thị trường bất động sản hiện nay chưa thực sự "khoẻ" lại. Cùng với đó, các bất động sản phát mãi thường có giá trị lớn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong 6 tháng cuối năm, nợ xấu sẽ tiếp tục xu hướng tăng do nền kinh tế trong nước vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc rõ rệt, cùng bối cảnh nền kinh tế thế giới đang còn nhiều biến động. Do đó, việc phát mãi bất động sản của các ngân hàng sẽ ngày càng nhiều hơn trong giai đoạn tới.
Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, dù nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những dấu hiệu hồi phục ngày một rõ hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn và chưa thể khỏe lại như giai đoạn 2019 – 2021. Để nền kinh tế thực sự vực dậy, khả năng phải chờ thêm nhiều tín hiệu khác, cùng với diễn biến kinh tế thế giới diễn ra thế nào.
Đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án cần thời gian để các vướng mắc pháp lý được giải quyết, doanh nghiệp cần thời gian để hồi lại sức cũng như niềm tin của thị trường cần thời gian quay trở lại hoàn toàn.
Chính vì vậy, khả năng thanh toán các khoản nợ tín dụng cũng như nợ trái phiếu đến hạn trong năm nay sẽ là gánh nặng rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng nợ xấu cho các ngân hàng.
"Thông tư 06/2024/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN) mới đây đã cho phép thời gian giãn, hoãn nợ được gia hạn thêm 6 tháng, đến hết hết năm 2024 so với quy định tại Thông tư 02. Có nghĩa, nhiều doanh nghiệp sẽ được giữ nguyên nhóm nợ ở thời điểm hiện tại. Song đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, khả năng nợ xấu tại các ngân hàng vẫn là một áp lực lớn và cần có phương án xử lý", TS. Nguyễn Minh Phong nói./.