Nền kinh tế đang rất khó khăn, dòng tiền không vào được các doanh nghiệp
Tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp mới đây, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa chua xót nói: “Chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn như hiện nay”.
Theo ông Đoan, các doanh nghiệp vừa phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19, đã ngay lập tức vướng phải những quy định mới về phòng cháy chữa cháy. Mặc dù những quy định này đang phải sửa, nhưng doanh nghiệp vẫn bị phạt nếu không đáp ứng.
Đáng nói, đã có những chính sách tiền tệ được ban hành nhưng rất ít doanh nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng, do kèm theo nhiều điều kiện khó đáp ứng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra “cơn bão ngầm” đùn đẩy, né tránh trong lĩnh vực hành chính dẫn đến tình trạng trì trệ, khó khăn kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, thậm chí là làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải “án binh bất động”, nhiều lao động mất việc làm là vấn đề đáng báo động hiện nay.
Thực trạng trên cũng là nguyên nhân khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm sút. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2023, hạn mức tín dụng sử dụng mới trên 4,7%, bằng đúng ½ so với cùng kỳ năm trước, quá thấp so với chỉ tiêu 14% cả năm. Điều này cho thấy cả nền kinh tế đang rất khó khăn, dòng tiền không vào được các doanh nghiệp. Để đạt được mức tín dụng 14% các ngân hàng sẽ phải xuất ra cho các doanh nghiệp khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, một con số quá lớn và khó khả thi, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia.
Còn ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, khẳng định: “Chính phủ luôn coi nhiệm vụ hàng đầu là phục hồi cho các doanh nghiệp, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 58 ngày 21/4/2023 về một số chính sách giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Chiến lược trong ngắn hạn là giải quyết những vấn đề cấp bách trong năm 2023.
Đồng thời, trong năm 2023 Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tư nhân, FDI, đến doanh nghiệp vốn nhà nước…
“Từ đầu năm đến nay cũng gần 10 cuộc gặp gỡ, làm việc. Gần đây nhất, ngày 6/7, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Căn cứ trên đề xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng đã có 7 kiến nghị cụ thể giao cho các Bộ, ngành xử lý”, ông Nguyễn Hồng Long nói.
Mặc dù vậy, do tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cùng những khó khăn nội tại nên nhiều doanh nghiệp trong nước đang ở trong tình trạng “cầm cự” hoặc phá sản.
“Doanh nghiệp khó khăn mới đi vay”
Tại diễn đàn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề: “Vừa rồi rất nhiều chính sách về tài khóa và tiền tệ được ban hành. Nhưng vấn đề là từng ngành nghề tháo gỡ như thế nào và các doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng chính sách ra sao, có hấp thụ được hay không?”
Ông Long dẫn chứng, Nghị định 31/2022/NĐ-CP, quy định lãi suất hỗ trợ khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2%/năm, với chính sách rất thông thoáng, nhưng thực tế doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn có được như vậy không?
“Doanh nghiệp khó khăn mới đi vay, nhưng chiếu theo Luật Tín dụng nhiều khi không đủ điều kiện vay. Chúng ta vận hành cơ chế chính sách theo Luật Tín dụng. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, cơ chế chính sách phải thay đổi như thế nào, các tổ chức tín dụng đồng hành như thế nào? Tôi cho là kinh doanh thì phải có mạo hiểm, chứ yêu cầu rủi ro bằng 0 thì rất khó”, ông Long nói.
Đồng thời, trước thực trạng các dự án đầu tư công qua 6 tháng đầu năm vẫn chậm hơn so với tiến độ, ông Nguyễn Hồng Long đề nghị, trong ngắn hạn phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực, và các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công. Vì đây là những dự án có tính dẫn dắt, tạo ra việc làm cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì doanh nghiệp nhà nước.
Nhiệm vụ tiếp theo là hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, trong và ngoài nước, hỗ trợ thuế, phí, tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, ông Long cũng nhấn mạnh, Chính phủ là “bà đỡ” còn doanh nghiệp mới là bộ phận đầu tư- sản xuất - kinh doanh trực tiếp, nên mong doanh nghiệp kiến nghị những vấn đề khó khăn, để có những đổi mới về cơ chế chính sách, pháp lý phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa tha thiết mong Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hội sở chỉ đạo ngân hàng địa phương, chi nhánh thực hiện nghiêm quy định về giãn, hoãn, vay nợ đã ban hành.
“Một số ngân hàng địa phương khi doanh nghiệp đến giao dịch đều trả lời chưa có chỉ đạo, hướng dẫn từ Hội sở. Trong khi, Chính phủ đã có chỉ đạo giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp thông qua Nghị quyết 50/NQ-CP ban hành ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023. Sự chậm trễ ở địa phương đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ nhảy nhóm nợ. Đây là vấn đề chúng tôi mong cơ quan quản lý hết sức chú ý”, ông Cao Tiến Đoan đề nghị, đồng thời, đề xuất Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách tín dụng ưu đãi cho những doanh nghiệp khẳng định được uy tín, thương hiệu.
Bên cạnh đó, ông Cao Tiến Đoan bày tỏ mong muốn Chính phủ mạnh dạn loại bỏ các quy định không phù hợp, có những giải pháp đột phá mới tháo gỡ được những điểm nghẽn; tiếp tục chỉ đạo Bộ ngành trung ương và địa phương thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, hạn chế kiểm tra thanh tra, gây áp lực tâm lý cho doanh nghiệp; cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đủ nguồn điện, xăng dầu.
“Đặc biệt, trong thời gian Chính phủ đang giao các Bộ ngành tham mưu chỉnh sửa các quy định phòng cháy chữa cháy mới, đề nghị xem xét tạm dừng phạt phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vừa sửa vừa xử” như hiện nay”, ông Đoan đề xuất.