Aa

Ông Phan Đức Hiếu: Cần loại bỏ gánh nặng về chi phí tuân thủ luật pháp cho doanh nghiệp

Ngọc Nữ
Ngọc Nữ nunn3006@gmail.com
Thứ Tư, 19/07/2023 - 16:29

Khẳng định luật pháp là quan trọng và cần thiết, tuy nhiên ông Phan Đức Hiếu cho rằng, tác động không mong muốn của luật pháp là tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ luật pháp rất lớn cho doanh nghiệp.

Sáng 19/7, “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cải cách thể chế là điều tiên quyết

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, vấn đề sức khỏe của nền kinh tế, của doanh nghiệp cần được hết sức quan tâm.

Theo đó, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm kéo dài sự không thuận lợi từ cuối năm 2022 trước đó. GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 do ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 thời điểm đó.

Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do: Ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn...

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...

“Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ở trong nước những năm gần đây, dư địa của mô hình tăng trưởng truyền thống - dựa chủ yếu trên mở rộng khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động phổ thông - đã suy giảm đáng kể.

Bối cảnh này đặt ra rủi ro về “bẫy thu nhập trung bình” nếu đất nước ta không sớm tìm được những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cộng hưởng với khó khăn từ suy giảm tổng cầu của thế giới, các cấu phần của tổng cầu trong nước như tiêu dùng cuối cùng, đầu tư công cũng đang gặp khó khăn không nhỏ.

“Để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài.

Nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt, thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Và trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế”, bà Minh nhấn mạnh.

TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, trước đó, Quốc hội đã thông qua một luật sửa 8 luật, đây là một bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, khi nhìn nhận trên thực tế, vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ.

“Chúng ta sẽ cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, của quốc gia. Nếu có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình vận hành thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp…”, TS. Minh nói.

Cần có cơ chế khung thể chế nới lỏng cho doanh nghiệp

Đồng quan điểm, tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, cải cách thể chế có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ ở việc cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí hành chính, mà còn hướng đến cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Điều tra về yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến chế tạo trong 6 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, về vốn, cạnh tranh… Doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước mà còn cạnh tranh rất cao với doanh nghiệp các nước trong khu vực.

“Theo tôi, tựu chung lại, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là tiền, là chi phí để trang trải sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, thể chế và cải cách thể chế lại càng quan trọng. Thậm chí quan trọng hơn cả những chính sách tài khóa và tiền tệ trong ngắn hạn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Khẳng định luật pháp là cần thiết và quốc gia nào cũng phải có luật pháp hay chính là thể chế, nhưng ông Phan Đức Hiếu cho rằng, mặt trái, hay tác động không mong muốn của luật pháp là không chỉ tạo ra thủ tục hành chính, mà còn tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ luật pháp rất lớn.

Lấy ví dụ, ông Hiếu cho biết, trong dự thảo quyết định về định mức tái chế, dự kiến doanh nghiệp nào không tự tái chế sẽ phải nộp một khoản tiền được tính toán cho quỹ bảo vệ môi trường. Hay khi chúng ta dự kiến sửa đổi tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt thì ngoài thủ tục hành chính, đó là hành động làm gia tăng những khoản chi phí về đầu tư lên doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.  

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo đó, có 5 loại chi phí mà một quy định pháp luật có nguy cơ tạo ra: Một là chi phí thủ tục hành chính; hai là phí, lệ phí (hai loại này còn gọi là chi phí về hành chính); ba là chi phí về đầu tư tính bằng tiền; thứ tư là các rủi ro về chi phí cơ hội có thể mất đi nếu chậm trễ, trì hoãn trong giải quyết thủ tục; và đó là nguồn cơn tạo ra loại chi phí thứ năm - chi phí không chính thức.

“Tối muốn nhấn mạnh ở đây là cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính mà còn phải cắt giảm cả chi phí đầu tư phát sinh từ các quy định pháp luật. Đây là yếu tố rất quan trọng”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Trong bối cảnh hiện nay, để cải cách thể chế hướng đến cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, Việt Nam đối diện với 4 thách thức.

Thứ nhất là nếu muốn cải cách thể chế, cắt giảm chi phí tuân thủ thì đầu tiên là phải cắt giảm từ những quy định hiện hành.

Thứ hai là sự lo lắng về việc những chi phí mới sẽ phát sinh từ các quy định đang được dự thảo và sẽ ban hành, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Ví dụ như định mức Fs, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt…

Thứ ba là chi phí từ chính sách toàn cầu. Chúng ta phải đối mặt với một loạt những chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí kinh doanh, ví dụ như thuế CBAM sẽ áp đặt thuế cacbon 10-15% đối với một số sản phẩm, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đây là thách thức mà chúng ta không kiểm soát được.

Thứ tư là một thách thức rất ẩn mà chúng ta thường không nhìn ra, đó là việc các nước trong khu vực hiện nay đang cạnh tranh gay gắt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Dẫn đến quốc gia nào có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, ở đó chi phí tuân thủ thấp thì sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với những nước có môi trường đầu tư kinh doanh không tốt. Như vậy, cải cách thể chế phải đặt trong cả bối cảnh quốc tế.

Theo đó, quyết tâm của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng bối cảnh thay đổi, yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao, thì quyết tâm phải cao và thậm chí ngày càng cao hơn nữa là điều tất yếu.

“Ta hay nói, môi trường kinh doanh năm nay có cải thiện hơn so với năm ngoài. Trước đây, chúng ta có thể thỏa mãn với điều đó, nhưng hiện nay cần đặt trong bối cảnh quốc tế và đặt câu hỏi rằng, môi trường kinh doanh của chúng ta có tốt thuộc top các nước trong khu vực hay không”, ông Phan Đức Hiếu đặt vấn đề.

Theo ông Hiếu, mới đây, Thủ tướng ban hành Công điện 644/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Công điện đã nêu rõ 3 nội dung: Một là thực hiện nghiêm đánh giá tác động, chỉ ban hành thủ tục hành chính cần thiết, chi phí tuân thủ thấp; hai là rà soát, loại bỏ ngay thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; ba là xử lý triệt để, dứt điểm phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Do đó, để thực hiện hiệu quả Công điện 644, ông Phan Đức Hiếu đề xuất 3 gợi ý cụ thể có ý nghĩa trong trước mắt:

Đầu tiên, trong khi đang rà soát quy định hiện hành thì cần tập trung kiểm soát việc ban hành quy định mới làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

“Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng và có 2 đề nghị: Một là nếu chưa thực sự cấp bách, thì không nên ban hành; hai là nếu phải ban hành vì có mục tiêu chính sách hay buộc phải thực hiện theo một điều ước quốc tế hay điều khoản của luật, thì cần có lộ trình áp dụng quy định phù hợp, giúp doanh nghiệp có thời gian cần thiết để ổn định sức khỏe và chuẩn bị phương án tuân thủ.

Nếu làm được tốt điều này, tôi tin là doanh nghiệp cũng phần nào yên tâm, đỡ lo lắng trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh” ông Hiếu nói.

Thứ hai, trong trường hợp buộc phải ban hành, buộc phải thực thi ngay, mong muốn Chính phủ suy nghĩ đến việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định này.

Ví dụ như quy định về phòng cháy chữa cháy, việc kiểm đếm CO2… thì nên có hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Đây sẽ là sự hỗ trợ rất tốt, đúng địa điểm, đúng nhu cầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Thứ ba là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, như với lĩnh vực bất động sản hay tài chính, nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, bán bớt tài sản là hiện hữu. Nhưng nếu chiếu theo các điều kiện, quy định hiện hành thì đôi khi lại cản trở doanh nghiệp thực hiện việc này.

“Như một doanh nghiệp muốn chuyển nhượng một dự án bất động sản thì phải tuân thủ theo quy định của luật và phải có điều kiện nhất định. Trong điều kiện bình thường, chúng ta không phản đối quy định này. Nhưng trong điều kiện khó khăn như hiện nay, mà doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng đúng và đủ điều kiện như vậy thì họ không thể tái cơ cấu lại doanh nghiệp được.

Vì thế, tôi kiến nghị cần thiết nghiên cứu, xem xét một cơ chế khung thể chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với khó khăn trong thời điểm hiện nay”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất.

Theo ông Phan Đức Hiếu, nên có một cơ chế khung thể chế nới lỏng có thời hạn để giúp doanh nghiệp ứng phó với khó khăn trong thời điểm hiện nay. (Ảnh minh họa: 1.6 Media)

Về lâu dài, để cải cách thể chế được làm thường xuyên và bền vững thì cần có một cơ chế để thúc đẩy. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra, cải cách chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát theo thời điểm từ chính những cơ quan ban hành ra thể chế thì việc cải cách sẽ không hiệu quả.

Trên thế giới, các nước thường có một cơ quan độc lập không phải bộ ngành, có chức năng giám sát, thúc đẩy cải cách thể chế. Đơn cử, tại Canada được gọi là Ủy ban đặc biệt thuộc Hội đồng Bộ trưởng, tại Hàn Quốc là Ủy ban Tổng thống về cải cách thể chế, ở Anh gọi là Hội đồng chịu trách nhiệm về cải cách thể chế, ở Mỹ là Văn phòng thông tin về cải cách thể chế…

Tên gọi khác nhau, nhưng bản chất đều là cơ quan được lập ra thuộc Chính phủ hoặc do chính Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để thực hiện thúc đẩy, giám sát cải cách thể chế. Nhiều quốc gia trao thẩm quyền rất lớn cho các cơ quan này. Đây là một cơ chế bền vững trong cải cách thể chế và hướng tới cải cách có hệ thống.

“Tôi cho rằng cơ quan này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và trong cả thời gian dài sắp tới. Do đó, chúng ta nên nghiên cứu, đề xuất thành lập một cơ quan như vậy ở Việt Nam tương ứng với các quốc gia để giúp cho việc cải cách thể chế được diễn ra thường xuyên, hiệu quả và bền vững”, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top