Aa

Chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút đầu tư vào Ninh Bình

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Năm, 06/07/2023 - 10:10

Xây dựng hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp,…là những yếu tố giúp kinh tế Ninh Binh đạt được nhiều kết quả quan trọng thời gian qua.

Đưa ra nhiều giải pháp

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 313/QĐ-UBND về Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình năm 2023. Mục tiêu chính của quyết định là phát triển địa phương định hướng theo ngành, lĩnh vực của tỉnh. Cụ thể, Ninh Bình tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách, ít thâm dụng lao động, sử dụng tiết kiệm đất, hiệu quả đầu tư cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện; chủ động tiếp xúc vận động, kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả vào tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô, điện từ, du lịch.

Ninh Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, theo hướng thân thiện, đồng hành, chia sẻ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; Số hóa các quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ninh Bình: Chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút đầu tư
Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư. (Ảnh: BNB)

Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh.

Tập trung vào các trọng tâm như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội thuận lợi, điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng thời, địa phương này đưa ra những giải pháp, quyết sách tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp như về đất đai, quy trình thực hiện dự án đầu tư,…góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp theo phương châm "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".

Từ những chính sách cụ thể trên, kinh tế địa phương duy trì được đà tăng trưởng cao, quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2022 đạt gần 82.000 tỷ đồng. Ninh Bình đã thu hút được 942 dự án với tổng vốn đầu tư trên 172.000 tỷ đồng (trong đó, có 121 dự án trong các KCN, với tổng vốn đầu tư đạt trên 64.000 tỷ đồng; 373 dự án trong các CCN, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 22.000 tỷ đồng; 448 dự án ngoài các Khu, cụm công nghiệp, với tổng mức đầu tư đạt trên 86.000 tỷ đồng).

Toàn tỉnh hiện có 93 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt trên 1,5 tỷ USD (gồm: 62 dự án ngoài các KCN với tổng vốn đầu tư đạt 1,02 tỷ USD; 31 dự án trong KCN với tổng vốn đầu tư đạt 602,96 triệu USD). Một số dự án sản xuất mới có quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công, nhà máy sản xuất, lắp ráp camera module và linh kiện điện tử; Nhà máy sản xuất kính xây dựng CFG…

Nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm

Theo Cục Thống kê Ninh Bình, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 7,56 % so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Ninh Bình đứng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 12 so với cả nước.

Trong tổng 3 khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ tăng cao nhất 15,72%, đóng góp 5,59 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế. Tiếp đà phục hồi của các tháng cuối năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nửa đầu năm 2023 diễn ra sôi động, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 4.532 nghìn lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch ước thực hiện trên 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần và đạt 74,7% kế hoạch năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt gần 31.397 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Ninh Bình: Chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút đầu tư
Ninh Bình đứng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 12 cả nước về tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. (Ảnh: BNB)

Về lĩnh vực nông nghiệp, 6 tháng đầu năm, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, chăn nuôi lợn tiếp đà phục hồi. Ước tính năng suất lúa Đông Xuân bình quân toàn tỉnh đạt 66,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 33,2 nghìn tấn, tăng 1,5 nghìn tấn; sản lượng thủy sản ước đạt 33 nghìn tấn, tăng 1,2 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải đối mặt với nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ thu hẹp, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm... Nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, kéo theo sản xuất giảm sút.

Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, thị trường bị thu hẹp, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: dứa đóng hộp, quần áo, modul camera... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh chỉ tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.530 triệu USD, giảm 3,3%; giá trị nhập khẩu đạt 1.392,8 triệu USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 2,95% so với bình quân 6 tháng năm 2022. Trong đó có 9/11 nhóm chỉ số giá tăng và chỉ có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là giao thông và bưu chính viễn thông. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động, tổ chức đào tạo nghề cho trên 9 nghìn lao động; trong đó đào tạo dài hạn khoảng 2 nghìn người, đào tạo ngắn hạn là 7 nghìn người.

Trước những thuận lợi, khó khăn và dự báo thời gian tới chưa hết những thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top