1. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi được sống ở nhiều nơi, nhiều vùng, cả nông thôn và thành thị, học được nhiều điều hay, và nghe cũng lắm những điều không hay.
Một trong những món ấy là... chửi.
Và, tôi thấy phụ nữ khu Ba (cũ), chửi... hay nhất.
Từng thấy một chị chủ nhà gia đình tôi trọ mất một con gà. Chị đoán láng máng nhà ấy bắt, nhưng không lẽ ập vào khám. Thế thì... chửi. Chiêu một ngụm nước chè sau khi ăn củ khoai lang lót dạ, chị chọn đúng lúc khói bếp lan lên mái vừa thơm vừa khét, tức là lúc mọi người đi làm về, chị bước ra ngõ và hắng giọng rồi... chửi. Hàng ngày chị là một người phụ nữ hết sức dễ chịu, mẹ tôi hay bảo “mỏng mày hay hạt”, luôn luôn cười và nhỏ nhẹ. Thế mà lúc ấy chị biến thành con người khác. Tay chống nạnh, mắt long lên sòng sọc, chân nhún như chèo đò, cứ thế chị lên bổng xuống trầm. Và té ra nó có bài chửi.
Chị chỉ việc nhấn nhá cho nó... đậm đà và thêm thắt một chút cho nó hợp ngữ cảnh, hợp đối tượng ám chỉ. Và điều này mới kinh, tất cả các bộ phận của đàn bà được chị biến thành... của "ngon vật lạ" tế sống đối phương. Nó lớp lang, nó bài bản, nó vần vèo, nó sang sảng, nó độc địa, nó biểu cảm, nó ám dụ, nó... đặc lỗ tai các kiểu. Chừng một tiếng chị nghỉ. Nghỉ mà tuyên bố: “Bà giờ hồn cho nhà mày, giờ bà nghỉ ăn cơm. Con gà nó ở nhà bà nó là con công con phượng, giờ mày bắt mà đang úp dưới bàn thờ bố mày nó là con cú con cáo, mày nhớ cho nó ăn cơm uống nước đàng hoàng, sáng mai mà nó chưa về thì bà... chửi nữa, nó sút lạng nào mày cũng chết với bà”. Rồi chị vào ăn cơm, lại nói chuyện với mẹ tôi ngỏn nghẻn. Sáng mai, sớm lắm, chị lại ra... chửi tiếp.
Thêm buổi trưa, cương quyết không cho ai ngủ, chị “mần” tiếp. Và lạ là hàng xóm đếu mất ngủ nhưng không ai phản đối và can như mấy vụ đánh nhau hoặc chửi nhau trước đấy. Trưa ấy trước khi... nghỉ, chị vẫn dặn nhớ cho gà chị ăn uống đàng hoàng, nó mà sút lạng nào thì “lấy thịt ông vải nhà mày đền vào”. Và... tầm 4 giờ chiều thì con gà nhà chị chạy về, xơ xác như vừa bị... úp thúng mấy ngày. Chị mừng húm, ôm con gà cho ăn uống xong ra... chửi bài cuối cùng. Cú chửi này ngắn, chỉ mấy câu, và có gửi lời cám ơn... ông bà ông vải nhà người ăn cắp đã biết dạy con, xong rồi căn dặn người ăn cắp từ nay sống cho đàng hoàng, làm lấy mà ăn, đói thì xin, thiếu thì vay, đừng làm việc thất đức ấy, hàng xóm cười chê, con cái nó khinh, rồi ra đường không dám ngẩng mặt với ai...
2. Kinh nghiệm của tôi là, không bao giờ vào một quán ăn mà biển đề hoành tráng: “Cơm bún phở mì lẩu...” (các quán này thường ở phía Bắc) và “Bún phở mì Quảng bánh canh...” (thường ở phía Nam). Nếu tìm quán ăn, thì cơm ra cơm, phở ra phở. Còn ăn sáng thì phở ra phở bún ra bún, mì Quảng ra mì Quảng... thậm chí phở cũng chỉ một thứ thôi, chứ không thể vừa phở bò tái vừa phở bò kho, phở gà. vân vân... Tức là, chỉ chơi... độc món, nó chuyên sâu, nó kỹ lưỡng, nó tận cùng, nó chất lượng, nó bùng nổ, nó tinh tế, nó trách nhiệm, nó không lẫn, từ những phụ kiện đi kèm như rau sống, nước dùng cho tới nước chấm từng loại từng kiểu, vân vân...
Và như thế, ví dụ như xem bóng đá, cứ là phải giải bóng đá thứ thiệt, không lẫn vào các bộ môn khác, như thế vận hội chẳng hạn, Asiad chẳng hạn, có xem tí cũng là xem vậy vậy, chứ bảo tập trung tinh huyết vào, đam mê vào, tận cùng vào, vỡ phổi vào, nổ tim vào... thì, chưa tới. Bởi các cuộc mà có chữ "hội" ấy, mũi nhọn của nó là điền kinh, bơi lội, bắn súng... kia...
Và cũng chưa thấy bóng đá nước nào dồn hết tâm huyết cho các giải có tên cuối là... hội cả. Thường là những nước có nền bóng đá mạnh họ chú trọng các giải cúp châu lục, cúp thế giới, thậm chí là cúp khu vực, chứ olympic họ coi là giải... phong trào. Bóng đá ở các giải mang tính Olympic ấy là một trong hàng mấy trăm bộ huy chương. Tất nhiên nó cũng vẫn quan trọng (có thể chưa nhất, tùy từng nước) trong cái Olympic thế giới, châu lục hoặc khu vực ấy. Nhưng bảo sống chết cho nó thì... chưa nhé. Vậy nên, hãy chờ xem, cái đích nó đang ở phía trước kia.
Tôi cũng quạt cuồng, nhưng cuồng... vừa vừa, biết chỗ nào cuồng chỗ nào bình tĩnh, chứ quyết không cứ lăn đùng ra cuồng, nhảy từ cực này sang cực kia, thấy thiên hạ cuồng cũng cuồng, nhắm tịt mắt lại mà cuồng rồi đến lúc mở mắt ra mới... ơ thế à, thế mà em... tưỡng...
Hôm nay mới nhẩn nha điều này bởi nếu mấy hôm trước mà lên tiếng, thì thôi rồi, gạch đá đủ xây biệt thự. Dân ta mê bóng đá, tất nhiên rồi. Nhất thế giới, cũng... tất nhiên rồi. Nhưng mê tới mức mà, thắng cũng đi bão mà thua cũng đi bão thì... nhất thật. Cứ thấy xuống đường đi bão là nhào đi, chứ có khi chưa chắc đã vì bóng đá, nên chỉ về thứ mấy mà cứ luôn hô... vô địch là thế. Mê tới mức, thắng thì khen nức nở, thua thì... chửi, chửi thậm tệ, từ huấn luyện viên tới cầu thủ. Lập ra cả facebook giả của ông Bác Hang Sơ để chửi thậm tệ cả họ nhà người ta thì... chả nhất thì nhì vào đâu.
3. Thực ra thì, tiếng Việt mất thế nào được, phải không ạ. Lâu nay tôi nói thật, là nhiều lúc cũng... u ơ. Là từ cái hồi còn học “vỡ bụng” ấy, rằng thì là thế, lúc nào gọi Cờ lúc nào Xê, lúc nào Bê lúc nào Bờ. Cũng một cách phát âm sao lại tới mấy chữ, và ngược lại. Và rồi cứ theo thói quen mà đọc mà viết chứ bảo phân tích kỹ ra thì... em nỏ biết, thế mà cũng mang danh cử nhân văn chương, cũng nhà văn nhà báo.
Thế hệ chúng tôi học tắt, cái kiểu “O tròn như quả trứng gà, Ô thời đội mũ Ơ là có râu”, còn bảo tại sao âm này tại sao chữ kia là tắc tị, nhiều người không phân biệt chữ và tên chữ, nhiều người thuộc một số mẫu câu đặc biệt cứ thế mà dùng lâu thành quen, hỏi tại sao lại thế thì tịt. Hồi học đại học, tôi chơi với mấy anh Tây học tiếng Việt, họ đến khổ với mấy chữ đặc biệt ấy, kiểu như “Hùng ơi bạn đang ăn ghì đấy?” vì rõ ràng gờ i gi huyền thì phải ghì chứ? Còn gì đấy với dì ruột (em mẹ) lại càng chịu chết.
Giờ thì ngay trước trong và sau khai giảng đang cứ sôi ào ào lên cái cách oánh vần mới. Gớm, chửi mới hay làm sao, cứ như chưa bao giờ được chửi, làm tôi mấy lần rón rén định lên tiếng trên trang cá nhân mà... chả dám.
Và té ra nó là thế này, người ta đã áp dụng nó lâu nay rồi. Giờ nhân ông bộ trưởng và ngành giáo dục đang quá... nổi, nhân cụ Bùi Hiền đang bị ném (cụ này tự nghiên cứu và chưa áp dụng vào đâu, mới là một cái báo cáo trong một hội thảo) thế là người ta lôi cái vụ oánh vần ra.
Tôi trực tiếp nghe một số thầy cô giáo nói về việc này thì họ bảo dạy dễ, trẻ con tiếp thu nhanh, không bị lỗi chính tả, cái nạn lâu nay của chúng ta, kể cả các nhà văn nhà báo và nhà giáo, cứ đọc facebook của họ thì biết. Và đọc ý kiến của những người từng học chữ kiểu này từ bé thì họ rất hoan hô, ví dụ bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Té ra ông bác sĩ rất giỏi và đang là đại biểu quốc hội này ngày xưa học trường thực nghiệm của thầy Hồ Ngọc Đại, và học đánh vần kiểu này, và giờ là một người rất thành đạt.
Học sinh năm nay vào năm học mới, ngoài hành trang thông thường, những gánh nặng lâu nay, do cả bản thân ngành giáo dục trao cho, do gia đình trút xuống, do mặc định xã hội... thêm món... cãi nhau của người lớn, chính xác là chửi nhau, giữa hai phe, có rất đông trí thức tham gia, về cách đánh vần mới. Và lạ là, cứ cãi/chửi tít mù thế, chả thấy ai lên tiếng phân giải.
Chửi cũng được, nhưng phải có lý do, có chuẩn, có chính kiến của mình, không thì, kinh lắm, thưa người lớn, toàn là các ông bố bà mẹ đáng kính...