Aa

Chứng chỉ... phù phiếm

Thứ Hai, 14/12/2020 - 07:00

Hầu như đời công chức, viên chức, nói chung là người nhà nước, là cán bộ, không ai lạ gì cái thứ giấy con con, thời hạn học cũng không dài, nhưng nó ám ảnh mọi người, là chứng chỉ.

Giờ đang có mốt họp lớp. Ngoài họp các lớp từ... mẫu giáo tới đại học, thì còn các lớp bồi dưỡng. Chính là các lớp ấy học để lấy chứng chỉ. Gọi là bồi dưỡng nhưng không phải ai muốn đi thì đi, mà nó là bắt buộc phải có trong hồ sơ mỗi người.

Thực ra thì, không ai phản đối học, bồi bổ kiến thức, nhất là trong thời đại mọi thứ thay đổi hàng ngày như thế này. Chuyên môn thay đổi, luật, chính sách... thay đổi, vân vân... nên việc cập nhật kiến thức là hết sức cần thiết và chính đáng.

Và ai cũng biết, trường đại học chỉ là nơi cung cấp kiến thức cơ bản, cung cấp phương pháp, còn từng người, tùy vị trí công tác, tùy chuyên môn của mình, mà phải tự học thêm. Học hàng ngày, hàng giờ. Học liên tục tới cả khi không còn làm việc, bởi sự hiểu biết là quyền lợi của tất cả mọi người.

Thế nhưng ở ta, cái chủ nghĩa bằng cấp (như chủ nghĩa lý lịch một thời) đã làm méo mó sự học, khiến các chứng chỉ trở thành gánh nặng, thành cái gì rất buồn cười, ai cũng biết nhưng chả ai thoát, ai cũng phải học, còn học để làm gì, không biết, miễn là trong hồ sơ phải có, để khi nhân viên tổ chức giương mục kỉnh so với quy định mà thiếu là... gác qua một bên, không xét.

Nên có chuyện đi học trung cấp, cao cấp chính trị, có môn văn hóa học, các cử nhân văn hóa, thạc sĩ văn hóa, vẫn phải học, phải thi như thường. Cũng tương tự như thế là môn lịch sử...

Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa rồi, sau khi bộ trưởng Bộ Nội Vụ phát biểu trước diễn đàn Quốc hội là sẽ bỏ những chứng chỉ vô lý cho công chức viên chức, thì đã tuyên bố sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên toàn quốc.

"Loạn" chứng chỉ là cơ hội cho làm bằng giả phát triển.

Ai cũng biết những chứng chỉ này thậm vô lý. Thế nhưng bao năm nó đã khiến biết bao người khổ (nhưng một nhóm người... sướng, là nhóm dạy và cấp chứng chỉ). Tưởng các giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu vùng xa, phải cơm đùm cơm nắm ra phố học, tốn kém đủ thứ, để có cái chứng chỉ chả để làm gì ấy, vui mừng lắm vì quyết định này. Té ra không phải, vì họ đã... kịp có trước khi quyết định bỏ chứng chỉ được công bố.

Một cô giáo nói: "Buồn cười thật, giáo viên thời đại công nghệ thông tin thì phải biết tin học để mà soạn giảng, thế mà lại bắt buộc phải có chứng chỉ. Ngay cả giáo viên chuyên toán dạy tin học cũng bắt phải học ôn luyện rồi thi lấy bằng cho hợp lý... đảm bảo đủ các loại bằng cấp theo yêu cầu. Thế là bỏ tiền bỏ công để hoàn thành trước năm 2020. Xong rồi, giờ xóa bỏ. Sao họ không làm vụ này năm 2018 hay 2019 đi cho giáo viên đỡ tốn kém?". 

Bạn khác cho biết: "Bắt phải phổ cập nên xảy ra tình trạng bán, mua chứng chỉ... Nên thực tế có người chứng chỉ ngoại ngữ Anh C nhưng đọc tiếng Anh từ 1 đến 10 không được, chưa nói viết. Tin học cũng na ná"... Nặng hơn, có cô giáo viết: "Chứng chỉ... ấy là cái vỏ mỹ miều của việc xoay tiền nhà giáo", "Chứng chỉ thật, học giả nên giáo viên là nạn nhân của việc dối trên lừa dưới. Giáo viên cuống cuồng "sắm" hết rồi thì giờ bỏ, chỉ tổ giàu một nhóm người".

Có một thực tế rất đau xót là, để có những cái chứng chỉ ấy, giáo viên đã phải bỏ ra cả tiền của và công sức để... sắm. Đa phần là "sắm" cho hợp lệ chứ hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc áp dụng, bởi nếu cần thì ngay lập tức họ sẽ phải tự mày mò học để áp dụng vào giảng dạy. Xin nói luôn, vừa rồi Covid, dạy online, tất cả các chứng chỉ tin học hầu như chả áp dụng gì, giáo viên tự bảo nhau, và ngon lành hết. Mà có về vùng sâu vùng xa mới thấy thương các giáo viên. Đã vật nhau hàng ngày với học trò, với sự duy trì sĩ số, với chính cuộc sống hết sức khó khăn của mình, lại còn loay hoay với chứng chỉ, những tờ chứng chỉ vô hồn nhưng lại có sức nặng khiến họ phải lao tâm khổ trí.

Kết quả là, sau rất nhiều kêu than lẫn... ngạo nghễ, ngành giáo dục hứa sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Mấy cái chứng chỉ này, suy cho cùng, nó là căn cứ để... trù dập nhau.

Nó như thế này, nếu cần thước đo hạnh phúc của con người, hãy cấm việc gì đó một thời gian, rồi mở lại, dân sẽ ùa lên sung sướng, đấy là hạnh phúc. Ví dụ cúp điện/nước vài ngày rồi đột ngột có lại. Ví dụ ngăn sông cấm chợ không cho buôn bán rồi bất ngờ cho tự do. Và nhỡn tiền, giáo viên vùng sâu vùng xa cơm nắm muối vừng đi học ngoại ngữ và tin học để đủ chuẩn, giờ òa phát, tha. Hoan hô bộ trưởng...

Nhưng mà lại thế này. Giờ, đa phần là trăm phần trăm giáo viên đã đủ chứng chỉ rồi, sau khi bán lợn gà lúa ngô... đi học để được tiếp tục đứng lớp, thì lại được lệnh không cần chứng chỉ.

Nên sự hoan hô giờ nó cũng chừng mực.

Nhưng, có còn hơn không!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top