Aa

Nhớ chuyện chạy lụt ngày xưa

Thứ Hai, 26/10/2020 - 07:00

Còn bé tí nhưng tôi đã biết sợ, đã thấy mình đúng là... bé tí trước lũ. Và cả những dãy xóm làng đồ sộ đầy sức sống phía trong kia cũng phất phơ như những lá tre...

Thời tôi còn bé tí, nhà tôi theo cơ quan mẹ sơ tán về làng Phong Mục, huyện Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Sau mẹ tôi về hưu thì làm nhà ở xã Triệu Lộc, bên cạnh xã Châu Lộc. Vấn đề là hai xã này nằm sát con sông Mã, tên sông vinh dự có mặt trong danh sách các sông lớn của Việt Nam mà ai học địa lý phổ thông đều biết, chứ chả như cái Rào Trăng phải tới khi vụ lở đất kinh hoàng chết mấy chục người mọi người mới biết.

Châu Lộc thì ngay dưới đê. Mùa lũ, đi trên đê thấy rất kinh. Bên sông thì nước mấp mé mặt đê, có đoạn tràn qua, người ta phải đắp thêm những con lươn nhỏ ngăn nước. Phía nhà thì nhìn xuống hun hút. Chỉ cần một lỗ nhỏ, cả con đê sẽ thành một cái cửa nhận nước khổng lồ ụp xuống làng mạc, ruộng đồng bên trong. Bé nhưng đã biết sợ, đã thấy mình đúng là... bé tí trước lũ. Và cả những dãy xóm làng đồ sộ đầy sức sống phía trong kia cũng phất phơ như những lá tre.

Chưa có phương tiện hiện đại như giờ. Thông báo lụt và đặc biệt là đê vỡ, là dự kiến tình huống, là bằng loa sắt và trống ngũ liên. Nhớ thời ấy, chưa vỡ đê lần nào nhưng nửa đêm trống ngũ liên thúc thì thùng là có. Là những khi thấy nguy cấp như có lỗ rò hoặc nước tràn mặt đê. Những cái rọ đá để sẵn, hữu sự sẽ thả xuống. Mẹ tôi nói, những rọ ấy thả xuống đê vỡ cũng như muối bỏ bể, nó trôi hàng cây số chứ chả ít. Nhưng vẫn cứ phải chuẩn bị chứ biết làm sao?

Và tất cả mọi người luôn trong tư thế thon thót chờ... "sức khỏe" của đê.

Xóm làng rậm rịch. Đèn bão được đổ đầy dầu, quần áo chuẩn bị người hai bộ cho vào ba lô. Và một thứ hết sức quan trọng được mẹ tôi chuẩn bị cả đêm: Rang ngô.

Khoảng 5 tới 6 bò (lon) ngô/bắp được mẹ tôi rang loẹt xoẹt trong ánh lửa chập chờn giữa trời mưa như trút. Chưa có điện nên mưa to càng hãi. Rang xong, đổ ra mẹt cho nguội rồi đổ vào cái ruột tượng màu xanh. Mẹ tôi phân công: Bình (em trai tôi) chịu trách nhiệm cái ruột tượng ngô ấy, tôi cái ba lô con cóc. Khi có trống ngũ liên là... leo lên mái nhà. Cứ lên đấy ngồi chờ cứu hộ. Còn cứu hộ như thế nào, ai cứu... thì tôi có biết đâu.

Sau này lớn lên mới biết, là nếu lỡ mà đê vỡ thật thì chỉ 5 phút, cả cái nhà tôi trở thành cái lá tre ngay, chúng tôi là những cọng tăm chìm nổi trong làn nước tắp lự, lấy đâu mà ba lô với ruột tượng?

Lũ lụt ngay xưa cũng không hề kém tang thương... (Ảnh sưu tầm)

Cũng đi một số vùng hay lũ lụt, tôi thấy mỗi nhà thường có một cái thuyền, hồi ấy đa phần là thuyền nan. Thanh Hóa nổi tiếng với xe đạp thồ và thuyền nan. Nhà văn Kiều Vượng hình như nguyên là chỉ huy một đội thuyền nan như thế trong chiến tranh chống Mỹ. Thì cái thuyền nan ấy hoặc là úp trên gác chuồng trâu, hoặc ở chái nhà, hoặc ngoài vườn đậy bằng những tàu chuối. Khi lũ lụt, nó thành nơi trú ngụ của cả nhà. Thì khi nguy cấp, cứ thế cái đã, tính sau.

Nhân vụ lũ lụt miền Trung hết sức khủng khiếp vừa xảy ra, hỏi chuyện một số bạn chuyên môn, các bạn ấy bảo từng có mô hình nhà vượt lũ rất hay. Ấy là cái nhà được cất trên những cái thùng phuy. Nước vào, thùng phuy nổi lên, đội theo cái nhà. Còn khi nước rút, thì cái nhà chạm đất, chính xác là những cái thùng phuy chạm đất, lại có cái sàn nhà chiều cao bằng cái thùng phuy ấy. Ở nhà sàn giờ đang là mốt, không phải ai cũng có điều kiện nhé, anh bạn nhấn mạnh thế. Chả biết nó đã được áp dụng ở đâu chưa nhưng quả là tôi thấy đấy là ý tưởng hay.

Thì cũng trước đấy, ở miền Trung, khi làm các trường học, người ta làm theo thiết kế chung là có tầng, ít nhất là 2 tầng. Khi lũ lụt, bà con về đấy sống tạm. Và tôi cũng đã thấy một số năm, những ngôi trường này phát huy tác dụng, hay chính xác, công năng 2 của nó được sử dụng đúng lúc đúng chỗ.

Ơ thế thì phương châm mấy tại chỗ của mình đang áp dụng bây giờ, nó cũng được thế hệ trước sử dụng rồi.

Sau này vào Huế, thấy con sông Hương thơ mộng chả có đê gì cả, cứ trố mắt ngạc nhiên. Rồi sông Hàn cũng thế, càng vào phía Nam càng thế. Cứ lênh đênh trôi, hiền hòa trôi, không cần đê, hoặc có thì cũng lè lè, thấp tịt, so với các con đê sông Mã, sông Hồng, nó lại là... lá tre.

Nên ở đây không sợ vỡ đê, mà lại sợ lũ. Và lũ càng mỗi năm càng hung hãn. Năm nay lũ cộng lở đất, đã chết cả trăm người rồi. Nhưng kinh nhất là sau lũ, xóm làng xơ xác, tài sản mất sạch. Tay trắng lại hoàn trắng tay, dẫu chưa bao giờ mà cái nghĩa đồng bào nó lại sâu đậm như lần này. Chưa cần nghe kêu gọi chính thức, bà con cả nước đã ùn ùn "vì miền Trung", có những cá nhân như ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi ủng hộ được hơn trăm tỷ đồng cho nhân dân miền Trung... 

Từ sâu thẳm, cái phẩm chất nhân văn, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều... có dịp lại ngời sáng đến thế?

Nhưng không phải, không bao giờ phải, cứu trợ vẫn hơn. Trên đời đã có giống dã tràng, loay hoay làm lâu đài rồi một con sóng phá sạch. Con người phải khác dã tràng chứ? Nhưng cách nào?...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top