Aa

Bất động sản 24h: Chung cư ở gần chục năm, bán lại vẫn lãi trăm triệu đồng

Chủ Nhật, 07/05/2023 - 09:45

Hết thời tăng giá liên tục, đất nền ăn theo đường vành đai 4 hạ nhiệt; Chung cư ở gần chục năm, bán lại vẫn lãi trăm triệu đồng... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Hết thời tăng giá liên tục, đất nền ăn theo đường vành đai 4 hạ nhiệt

Thông tin đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đã khiến thị trường nhà đất ven khu vực quy hoạch diễn biến sôi động. "Ăn theo" thông tin triển khai dự án này, giá đất các khu vực như Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức… tăng vọt ngay từ khoảng đầu năm 2021.

đất nền, đất nền ăn theo vành đai 4
Một lô đất tại xã Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) đang được rao bán. (Ảnh: Tân Hoàng)

Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, đầu năm 2022, giá đất ở các xã Song Phương, Đức Thượng, Dương Liễu, Tiền Yên đạt trung bình 40 - 50 triệu đồng/m2. Các khu vực trung tâm cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhà đất mặt phố chạm mốc 110 - 120 triệu đồng/m2.

Tại huyện Sóc Sơn, giá đất đều tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong quãng thời gian từ năm 2021 đến đầu năm 2022. Không ít lô ở huyện Thường Tín được rao bán tới 63 - 84 triệu đồng/m2.

Gần đây, hàng loạt thông tin mới về việc xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được công bố. Tuy nhiên, không nằm ngoài diễn biến trầm lắng chung của thị trường bất động sản, đất nền gần dự án này đang có xu hướng chững lại và điều chỉnh giá.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chung cư ở gần chục năm, bán lại vẫn lãi trăm triệu đồng

Đầu năm 2018, chị Phương Thảo mua lại căn hộ chung cư 68m2, có 2 phòng ngủ ở khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), từ chính chủ với giá 1,02 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, do công việc thay đổi nên vợ chồng chị quyết định bán căn hộ để chuyển sang quận khác. Vừa rao hai tuần, chị đã bán được căn hộ với giá 1,3 tỷ đồng, lãi 280 triệu đồng dù nhà chưa có "sổ đỏ".

Chị Thảo cho hay: "Không ngờ, sau 5 năm gia đình mình sử dụng, cộng với gần 2 năm chủ nhà cũ ở là gần 7 năm, căn hộ vẫn bán được giá".

Cũng tại quận Hoàng Mai, anh Nguyễn Hùng vừa mua căn hộ hơn 61m2 ở một tòa chung cư Rice City, Tây Nam Linh Đàm với giá 2,1 tỷ đồng. Khi vừa sửa sang lại khu bếp trước khi dọn về ở, bất ngờ công ty của vợ anh lại chuyển trụ sở. Nếu ở đây, mỗi ngày vợ anh sẽ phải đi làm xa nhà gần 20km.

Anh Hùng quyết định rao bán, khách vào xem trả giá 2,3 tỷ đồng. Anh Hùng lãi ngay 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sửa bếp. Dự án chung cư này đã được bàn giao và đưa vào sử dụng hơn 7 năm nay.

Theo thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường, do quỹ đất cạn kiệt, khan hiếm nguồn cung mới là nguyên nhân đẩy giá chung cư tại các quận tăng mạnh. Với mức tài chính eo hẹp, người mua có xu hướng tìm đến căn hộ chung cư đã bàn giao từ trên 5 năm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với yêu cầu phát triển

TP. Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các bước để lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 12/4, Hội đồng Thẩm định của Bộ Xây dựng đã họp, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đối với nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Một trong những ý kiến đáng chú ý liên quan đến tên của quy hoạch, đó là "Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065". Như vậy, thời hạn quy hoạch đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 được kéo dài hơn so với quy hoạch gốc là Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về vấn đề này, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 BCH Đảng Bộ TP. Hà Nội ngày 27/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thống nhất điều chỉnh thời hạn của đồ án quy hoạch là "Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065" như đề nghị của Bộ Xây dựng để thống nhất với khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm).

Trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị, Ban chấp hành Đảng Bộ thành phố cơ bản thống nhất với định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065). 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nghịch lý thiếu trường học nơi đô thị

Cách đây chưa lâu, chúng tôi về quê tham gia hội khóa, tất cả đều chung cảm giác thật rõ ràng: Trường lớp bây giờ đã rất khác xưa. Khác không chỉ bởi bối cảnh, con người như lẽ thường đổi thay mà đó chính là sự thưa vắng của môi trường nhẽ ra sẽ đông vui. Bây giờ, hầu hết các trường số lượng học sinh đều giảm, chỉ bằng một phần hai, một phần ba ngày xưa. Ngẫm ra cũng đúng, bởi xã hội hiện đại, mỗi gia đình chỉ có một vài đứa con, trẻ em lớn lên lại có nhiều lựa chọn trường lớp, khác với trước đây, một xã thường chỉ có một trường cấp một, một trường cấp hai và mỗi huyện chỉ một vài trường cấp ba hệ công lập. Nhưng đó vẫn là chuyện nơi làng quê, ở nơi xa xôi về địa lý và bối cảnh so với đô thị.

thiếu trường học
Cảnh tượng hàng trăm phụ huynh xếp hàng dài giữa đêm trước một cổng trường ở Hà Nội chờ mua hồ sơ lớp 1 cho con. (Ảnh: M.C)

Nghịch lý ở chỗ, nơi tập trung đông dân cư, nhiều trẻ em, nhu cầu bức thiết thì không được giải quyết. Đó là lý do cứ mỗi mùa tuyển sinh, ở các khu đô thị lại nóng lên bởi hình ảnh phụ huynh xếp hàng từ đêm hôm trước, mờ sáng hôm sau, chen lấn để cố nộp hồ sơ cho con vào học mà chẳng biết được hay không.

Trẻ em đủ tuổi được đến trường là nhu cầu đương nhiên, nhưng giờ đây lại không đương nhiên nữa. Nếu xét về quy định, mỗi phường trên địa bàn thành phố sẽ có một trường công lập mầm non, tiểu học, THCS… song, ở các khu đô thị mới, việc xây dựng công trình với mật độ dân cư dày đặc lại thường không đi kèm với trường học, hoặc nếu có thì đa số là những trường tư thục mọc lên với mức học phí cao, nhiều gia đình không đủ sức chi trả.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sắp diễn ra Bàn tròn xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam

Ngày 25/5/2023, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia sẽ diễn ra sự kiện "Bàn tròn Xúc tiến đầu tư Bất động sản: Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam".

Sự kiện do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) chỉ đạo Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED Center) phối hợp với Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp tổ chức.

Định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của Đảng và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ đã xác định, tới năm 2030 du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Việt Nam với lợi thế về nông nghiệp, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. 

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top