Aa

Chứng khoán có một tuần rung lắc mạnh, cổ phiếu lớn nhóm bất động sản giảm

Chủ Nhật, 26/04/2020 - 05:55

Việc giá dầu thế giới về âm trong tuần qua đã tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trong nước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh trở lại trong tuần giao dịch từ 20 - 24/4 trước một số dấu hiệu xấu của kinh tế thế giới khi giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử về âm. Cụ thể, ngày 20/4, giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng, đây là hiện tượng có "1-0-2" trong lịch sử thế giới.

Diễn biến này ngay lập tức ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư trong nước và khiến VN-Index phiên 21/4 giảm đến hơn 28 điểm, tương ứng 3,54%. Dù cả 4 phiên giao dịch còn lại VN-Index đều tăng điểm nhẹ, nhưng tính chung cả tuần, chỉ số này giảm 1,64% xuống còn 776,66 điểm. HNX-Index giảm đến 3,16% xuống 106,97 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 0,96% xuống 51,66 điểm. Không chỉ Việt Nam, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều cho phản ứng tiêu cực. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chốt tuần, Dow Jones giảm 1,9%, S&P 500 giảm 1,3% còn Nasdaq giảm 0,2%.

Tuy nhiên trong tuần qua, việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại Việt Nam cũng như lệnh gỡ bỏ cách ly toàn xã hội tại hầu hết các tỉnh thành từ 0h ngày 23/4 đã giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước trở nên tích cực hơn. Thanh khoản tuần nhìn chung không thay đổi quá nhiều so với tuần trước cả về khối lượng và giá trị giao dịch.

Việc thị trường rung lắc khiến các nhóm cổ phiếu đều có sự phân hóa tương đối mạnh. Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cả VIC, VCB và VHM đều giảm. Cụ thể, VIC giảm 3,2% xuống 93.000 đồng/cp, VCB giảm 3,5% xuống 68.900 đồng/cp, VHM giảm đến 5,1% xuống 65.000 đồng/cp. 

Trong khi đó, VNM gây bất ngờ khi tăng giá đến 3,5% lên 102.800 đồng/cp. Được biết doanh nghiệp này mới đây đã công bố quyết định của HĐQT về việc mua lại 17,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 1% vốn điều lệ thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Ngoài ra, SAB cũng là nhân tố chủ chốt giúp VN-Index hồi phục tốt ở một số phiên trong tuần qua khi tăng đến 8,8% lên 180.000 đồng/cp. Hưởng lợi từ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ và giá dầu thế giới giảm, HPG tăng 6,8% nhờ vào kết quả kinh doanh quý I/2020 khá tốt.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần 20-24/4.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh VIC và VHM, VRE cũng giảm sâu đến 9,4% trong tuần giao dịch vừa qua. Ngoài ra, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như HDG, LDG, DTA, PFL… cũng giảm khá sâu. PFL mất đến 13,6%; DTA giảm 11,7%; HDG giảm 9,6%.

Chiều ngược lại, vẫn có khá nhiều mã bất động sản duy trì được sự tích cực, thậm chí còn tăng rất mạnh như D11, AMD, BII, VRC… Trong đó, D11 tăng 24%; AMD tăng 14,7%... "Ông lớn" NVL tăng nhẹ 0,6% lên 53.000 đồng/cp.

Khối ngoại vẫn giữ giao dịch tiêu cực khi bán ròng trọn vẹn cả 3 phiên trong tuần. Tính tổng cộng, khối ngoại bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khoảng 82,8 triệu cổ phiếu, tăng 30,65% về giá trị và hơn 53% về khối lượng. Trong đó, 2 cổ phiếu lớn nhóm bất động sản là VRE và VIC bị bán ròng rất mạnh với giá trị lần lượt là 152 tỷ đồng và 134 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM lại được khối ngoại mua ròng mạnh với 69 tỷ đồng. HQC cũng là cổ phiếu bất động sản lọt vào top mua ròng của khối ngoại trên HoSE tuần vừa qua với 4,2 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 5 vẫn thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 là 27,95 điểm cho thấy nhà đầu tư nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top