Aa

Chứng khoán năm 2020 có nhiều tín hiệu khả quan

Chủ Nhật, 05/01/2020 - 17:00

Dù kinh tế thế giới và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2020 còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể vẫn tăng điểm tích cực.

Trong năm 2019, dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, nhưng TTCK Việt Nam giao dịch kém sôi động do khối ngoại liên tục bán ròng.

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019

Lình xình năm 2019

Mặc dù Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao và kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2019, cho thấy Việt Nam đang là điểm sáng của thế giới và cả khu vực. Trong khi đó, những nỗ lực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mặc dù khó hoàn thành lộ trình thoái vốn 93 doanh nghiệp Nhà nước từ nay đến 2020...

TTCK năm 2019 phần nào cũng phản ánh được bối cảnh kinh tế khi VN-Index tăng từ mốc 860 điểm lên vùng 960 điểm giai đoạn cuối tháng 12/2019. Như vậy, VN-Index vẫn tăng 11,62% trong năm 2019 so mới mức giảm hơn 12% của năm 2018 cho dù giai đoạn 2018 - 2019 Việt nam đạt được mức độ tăng trưởng GDP khá tốt. Chính vì VN-Index tăng quá mạnh giai đoạn trước - mọi thông tin phản ánh vào giá cũng đã khiến thị trường chung cần nhiều thời gian để điều chỉnh tích lũy thêm. Việc thị trường điều chỉnh nhiều lần quanh mốc 1.000 điểm cũng không phải là vấn đề quá tệ so với mức tăng trưởng quy mô và số lượng doanh nghiệp niêm yết như hiện nay.

Một trong những lý do khiến thị trường rơi vào giai đoạn lình xình trong năm nay do giao dịch của khối ngoại. Kể từ tháng 6/2019 cho đến nay, nếu không tính các giao dịch thỏa thuận thì khối ngoại liên tiếp bán ròng. Điển hình trong tháng 11 và 12/2019, khối ngoại đã bán ra hơn 22 nghìn tỷ đồng là hiện tượng tương đối hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh việc cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư, các quỹ ETFs thì có thể là việc “tháo chạy” của dòng tiền tại các thị trường mới nổi. Trong khi đó, chính sách tiền tệ đang thay đổi, kỳ vọng của nhà đầu tư và khẩu vị rủi ro của các tổ chức tài chính cũng thay đổi, chưa kể quá trình tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư. Dù thế nào đi nữa, thì quá trình bán ròng của khối ngoại cũng sẽ không kéo dài khi mà bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang là điểm sáng trong khu vực.

Diến biến phân hóa năm 2020

Năm 2020 là năm mà kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính sách tiền tệ thế giới vẫn khó dự báo khi mà chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bị ảnh hưởng bởi những quyết sách mang đậm dấu ấn chính trị. Kinh tế Việt Nam vẫn bị phụ thuộc và vẫn cần phải điều chỉnh chính sách linh hoạt mỗi khi tình hình thế giới biến động.

Mặc dù vậy, WB, IMF vẫn dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 là 6,8%, FDI vẫn đang đổ mạnh vào Việt Nam… Do vậy, năm 2020 giá trị mua ròng của khối ngoại sẽ tăng trở lại, và việc ra mắt nhiều bộ chỉ số mới cũng sẽ khiến dòng tiền ngoại có nhiều lựa chọn hơn. Khi nhà đầu tư nước ngoài mua vào trở lại thì VN-Index/VN30 sẽ tăng trở lại cho dù khả năng tăng mạnh sẽ ít có khả năng xảy ra hơn.

Tính từ tháng 4/2018 đến nay, TTCK Việt Nam đã điều chỉnh và đi ngang hơn 1,5 năm. Đây có thể coi là mức điều chỉnh kỹ thuật thông thường và không quá ngạc nhiên trong bối cảnh địa chính trị thế giới quá nhiều rủi ro, tâm lý nhà đầu tư suy giảm đã khiến dòng tiền tham gia vào thị trường giảm sút. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta chứng kiến sức mạnh của dòng tiền nội. Trong khi các cổ phiếu lớn bị khối ngoại bán ra liên tục thì dòng tiền nội lại khá ổn định và duy trì ở mức tốt đã giúp thị trường neo giữ tại khu vực 950 - 1.000 điểm.

Trong ngắn hạn, VN-Index đang tạo đáy tại vùng hỗ trợ mạnh 960 (+/- 10 điểm) kèm theo lực cầu bắt đáy mạnh trong tháng 12/2019, các cổ phiếu bluechips đã có dấu hiệu chạm đáy và quay đầu hồi phục. Kịch bản cơ bản đối với TTCK Việt Nam năm 2020 là hồi phục tốt ngay giai đoạn đầu năm khi VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.000 - 1.100 điểm trước khi điều chỉnh. Đến giai đoạn cuối năm 2020, VN-Index sẽ dao động quanh mốc 1.080 - 1.100 điểm.

Diễn biến phân hóa sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trên TTCK Việt Nam. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, dầu khí, xây dựng và vật liệu, dược phẩm, công nghệ, bảo hiểm và tiện ích sẽ thu hút dòng tiền.

TS. Lê Đức Khánh - Chuyên gia chứng khoán

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top