Đà giảm của thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa dừng lại. Tâm lý nhà đầu tư vẫn chịu tác động nặng nề từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, diễn biến xấu của thị trường chứng khoán Mỹ cũng tác động đáng kể lên tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 709,43 điểm, tương ứng giảm 6,87% so với tuần trước. Còn đối với HNX-Index, chỉ số này biến động không quá mạnh trong tuần và chỉ tăng nhẹ 0,4% lên 101,79 điểm. UPCoM-Index giảm 1,26% xuống 49,85 điểm.
Vốn hóa riêng sàn HoSE chỉ còn hơn 2,47 triệu tỷ đồng, giảm 135.766 tỷ đồng so với tuần trước và giảm đến 578.783 tỷ đồng so với 2 tuần trước đó.
Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn cao mức trung bình 20 tuần với hơn 4.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Trong đó, giao dịch vẫn đa phần chỉ tập trung ở sàn HoSE với 20.163 tỷ đồng, giảm 21,6% so với tuần trước đó, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 12,6% xuống 1,38 tỷ cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 7,8% giá trị vốn hóa và tiếp tục tác động xấu đến diễn biến của thị trường chung, với các mã như VCB (-13,4%), CTG (-9,8%), BID (-5,4%), VPB (-6,4%), TCB (-4,9%), HDB (-9,1%), MBB (-6,4%), ACB (-2,7%)... Các nhóm ngành khác cũng giảm mạnh như hàng tiêu dùng (-7,2%), nguyên vật liệu (-5,4%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh, nhưng đa phần các mã lớn trong ngành này đều diễn biến tiêu cực. Ba cổ phiếu họ “Vin” có tác động xấu đến VN-Index. Chốt tuần, VIC giảm đến 10,8% xuống 82.500 đồng/cp và lấy đi của VN-Index 9,66 điểm, VHM giảm 11,4% xuống 63.800 đồng/cp và cũng khiến chỉ số này mất đi 7,85 điểm còn VRE giảm 15,7% xuống 20.400 đồng/cp và điểm số lấy đi của VN-Index là 2,5. Bên cạnh đó, NVL cũng giảm 3,8% và tác động đáng kể đến VN-Index.
Trong danh sách giảm sâu ở nhóm bất động sản còn có hàng loạt cổ phiếu “nóng” như CRE (-17,3%), NVT (-14%), NLG (-13,56%), VRC (-10,9%)…
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản khác có được mức tăng giá tốt trong tuần qua là IDJ (32%), VRC (20%), NTL (16,7%), CLG (10%)…
Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Tuần qua là thời điểm hai quỹ ETF V.N.M và FTSE thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư nên giao dịch của khối ngoại có biến động mạnh.
Trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng đến 3.193,6 tỷ đồng trong tuần qua, tương ứng khối lượng bán ròng 164 triệu cổ phiếu. Khối ngoại tập trung bán ròng rất mạnh trên sàn HoSE với giá trị lên đến 2.938 tỷ đồng (tăng 48% so với tuần trước). Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng 32 tỷ đồng, tăng 89% so với tuần trước. Cả khối ngoại trên HoSE và HNX đều có chuỗi 8 tuần bán ròng liên tiếp kể từ sau Tết âm lịch.
VHM, VIC, VRE và NVL đều là các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh. Trong đó, VHM bị bán ròng đến 276 tỷ đồng. VIC cũng bị bán ròng 191 tỷ đồng. VRE và NVL đều bị bán ròng gần 99 tỷ đồng.
Theo quan điểm phân tích kỹ thuật của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trên khung đồ thị tuần, việc chỉ báo ADX vẫn tiếp tục tăng lên mức 34 và các đường SMA20, 50 và 100 đang dốc xuống, cho thấy xu hướng giảm điểm hiện tại về trung hạn của thị trường tương đối mạnh.
Chỉ báo MACD và MACD-Histogram vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm xuống dưới 0 cho thấy, thị trường vẫn tiềm tàng rủi ro giảm điểm. Chỉ báo dòng tiền Chaikin Money Flow cũng vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm và nằm dưới giá trị trung bình 20 tuần của chỉ số này dù vẫn ở trên mức 0, cho thấy thị trường đang mất dần đi sự hỗ trợ của dòng tiền. Do đó, nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về mặt trung hạn.
Còn trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI giảm xuống mức 10,28 - tiến sâu hơn vào vùng quá bán. Tuy nhiên, chỉ báo ADX trên khung thời gian này ở mức 62, cho thấy xu hướng giảm điểm vẫn đang rất mạnh. Đồng thời chỉ báo Stochastics Oscillator đã quay đầu giảm điểm và cắt xuống dưới đường tín hiệu.
Do vậy, việc chỉ báo RSI giảm sâu xuống vùng quá bán không phải là một tín hiệu mua đáng tin cậy. Thị trường trong những phiên tuần sau nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm. Vùng 680 - 700 sẽ là vùng gần nhất hỗ trợ thị trường. Mặt khác, bất cứ nỗ lực hồi phục nào của thị trường cũng sẽ gặp kháng cự tại vùng 780 - 820.