Kể từ sau Tết Nguyên Đán 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục rơi vào trạng thái hoảng loạn với nhiều phiên bị bán tháo. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 17/3, VN-Index đứng ở mức 742,78 điểm, tương ứng giảm đến 24,8% so với thời điểm trước Tết. Hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ trên thị trường đều rơi vào quãng thời gian lao dốc không phanh.
Chứng kiến việc cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình đi xuống như vậy khiến ban lãnh đạo cũng như nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Việc cổ phiếu giảm sâu có thể ảnh hướng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông cũng như uy tín của bản thân ban lãnh đạo công ty nên nhiều đơn vị ngay lập tức ra quyết định mua lại cổ phiếu quỹ, thậm chí bản thân lãnh đạo cùng người thân cũng có động thái mua vào cổ phiếu để bình ổn giá.
Theo thống kê, hiện tại có khoảng 15 doanh nghiệp vừa công bố thông tin việc sẽ mua lại cổ phiếu và toàn bộ các cổ phiếu này đều giảm sâu so với thời điểm trước Tết. Bên cạnh các doanh nghiệp hay lãnh đạo mới chỉ công bố mua lại cổ phiếu trong 1, 2 phiên gần đây thì một số đơn vị đã công bố trước đó vài ngày và giá cổ phiếu cũng phản ứng tích cực hơn.
Trong đó, CTCP Tập đoàn PAN (PAN) đã công bố việc sẽ mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu. Việc mua lại cổ phiếu nhằm mục đích giảm số lượng cổ phiếu lưu hành và gia tăng giá trị cho cổ đông. Ban lãnh đạo của PAN đưa ra quyết định khi cổ phiếu này đã giảm đến 22,4% kể từ Tết. Điểm tích cực là ngay sau khi thông tin trên xuất hiện, PAN đã có sự hồi phục mạnh với 2 phiên tăng trần liên tiếp sau đó.
Tương tự PAN là trường hợp của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX), cổ phiếu này cũng giảm đến 32,3% từ sau Tết đến phiên 16/3. Trước tình hình này, công ty cũng công bố phương án mua tối đa 29 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Cổ phiếu GEX đã phản ứng tích cực trong phiên 17/3 khi được kéo lên mức giá trần.
Bên cạnh việc doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ thì bản thân các lãnh đạo công ty cùng người thân cũng công bố mua gom cổ phiếu. Đáng chú ý có thể kể đến HPG khi giá cổ phiếu này giảm đến gần 27% thì con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu. Thông tin trên ngay lập tức giúp HPG không còn lao dốc quá mạnh như trước bất chấp việc lực bán vẫn ở mức cao và khối ngoại liên tục bán ròng khối lượng lớn.
Việc mua lại cổ phiếu quỹ hay ban lãnh đạo gom cổ phiếu được nhà đầu tư nhìn nhận rằng có khá nhiều nguyên nhân nằm sau động thái này, trong đó, có ý kiến cho rằng hành động trên xảy ra khi nhận định cổ phiếu bị giảm về dưới giá trị thực. Bên cạnh đó, điều này cũng có thể giúp kích thích giá cổ phiếu đi lên sau giai đoạn lao dốc. Riêng việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ giảm lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, qua đó làm tăng EPS và gia tăng lợi ích cho cổ đông hiện hữu.
Với nhận định như trên thì việc mua cổ phiếu của chính doanh nghiệp và ban lãnh đạo sẽ có thể có lợi cho bản thân họ khi đây là thời điểm giá cổ phiếu ở mức thấp và khi thị trường hồi phục, doanh nghiệp hay ban lãnh đạo sẽ có một khoản thặng dư vốn cổ phần nếu bán ra trên thị trường. Hành động này cũng được cho là an toàn do ban lãnh đạo hiểu rõ mô hình kinh doanh và tiềm năng phát triển của công ty trong tương lai.
Tuy nhiên, với việc thị trường chung gặp khó khăn như ở thời điểm hiện tại thì đây cũng là một rủi ro lớn nếu như cổ phiếu tiếp tục đi xuống, khi ấy, tổn thất sẽ là không nhỏ.