Thị trường kết thúc tuần giao dịch 10/06-14/06 với phiên giảm mạnh khi VN-INDEX giảm -21,6 điểm, kết tuần ở mức 1.279,91 điểm, tính chung cả tuần giảm tổng cộng -7,67 điểm (-0,6%) so với tuần trước, xóa sạch thành quả của 8 phiên trước đó.
Trong tuần này khối lượng giao dịch (không tính thỏa thuận) trên HOSE tăng +8,07% so với tuần trước, cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất, tương tự sàn HNX khối lượng giao dịch (không tính thỏa thuận) cũng tăng +1%.
Tuần qua, thị trường đón nhận thông tin quan trọng từ bên ngoài là việc Fed chính thức thông báo sẽ chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay và dự kiến phải đến tháng 12 mới thực hiện.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thông báo sẽ bắt đầu cắt giảm hoạt động mua trái phiếu trên quy mô lớn và sẽ công bố kế hoạch chi tiết vào tháng tới về việc giảm bảng cân đối kế toán gần 5.000 tỷ USD.
Ở trong nước, điểm nhấn tuần này là việc VN-Index đã có phiên đóng cửa trên mốc 1.300 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022. Tuy vậy, nhìn chung giao dịch vẫn tương đối giằng co và đà tăng của chỉ số chỉ đến từ một số ít bluechip tạo động lực mà chưa có sự lan tỏa mạnh đến toàn thị trường.
Điều này cũng là một trong số những nguyên nhân khiến mốc điểm này được chinh phục thiếu tính bền vững và phiên bán mạnh vào cuối tuần là dễ hiểu.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch không mấy tích cực với HDG (-4,84%), NVL (-4,07%), VHM (-2,05%), NLG (-1,29%), DIG (-0,9%)...
Các cổ phiếu ngành du lịch có sự phân hóa khi HVN vẫn tăng giá xuất sắc +5,52%, trong khi đó VJC (-3,85%), SKG (-2,36%)...
Bên cạnh đó, vẫn nhiều nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực, đó là nhóm ngân hàng với VPB (+3,89%), TPB (+3,08%), MBB (+2,9%), LPB (+5,16%)...
Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục có tuần tăng điểm với nhiều đại diện nổi bật như FPT (+6,85%), ELC (+6,96%), CMG (+2,34%), ITD (4,53%)…
Nhóm cổ phiếu xi măng có tuần tăng điểm với nhiều mã như HT1 (+7,14%), BCC (+10,98%), BTS (+11,11%), HOM (+9,76%)... với thông tin Hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ xi măng theo chỉ đạo của Chính Phủ.
Theo SHS, trong ngắn hạn, thị trường đã chịu áp lực bán khá mạnh, nhất ở ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình nhỏ khi VN-INDEX gặp vùng kháng cự đường xu hướng trung hạn 1.300 - 1.320 điểm và là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022.
Dưới áp lực điều chỉnh khá mạnh trong phiên cuối tuần qua, xu hướng ngắn hạn của VN-INDEX tiếp tục quay trở lại dao động trong vùng 1.250 - 1.300 điểm. Trong đó điểm cân bằng là vùng giá quanh 1.280 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên của VN-INDEX. Trường hợp tích cực VN-INDEX phục hồi tốt ở vùng 1.280 điểm thì vẫn có thể kỳ vọng quay trở lại vùng kháng cự 1.295 điểm, tương ứng giá cao nhất tháng 3/2024 và 8/2022.
Về xu hướng trung hạn, SHS nhận định, VN-INDEX vẫn tích lũy tích cực trong kênh 1.180 - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 -1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 -1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
Diễn biến tích lũy là phù hợp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới có dấu hiệu gia tăng, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng chưa hạ nhiệt mặc dù nền kinh tế vẫn đang duy trì tăng trưởng, lãi suất đang ổn định trên nền thấp.
"Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân như khuyến nghị, tỷ trọng nếu ở mức cao tiếp tục xem xét bán, giảm tỉ trọng đối với các mã đã đạt kỳ vọng, hoặc cơ cấu bán các mã yếu kém nếu có. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành, khi quí II/2024 đang dần kết thúc", SHS khuyến nghị các nhà đầu tư.