Nhận định diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ mạnh 865 - 880 điểm và kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng tại vùng hỗ trợ này để mở ra cơ hội phục hồi ngắn hạn cho chỉ số.
Dù vậy theo BVSC, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại, nguy cơ lan rộng và kéo dài của dịch COVID-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng ra các nước bên ngoài Trung Quốc và không có dấu hiệu được kiểm soát nhanh chóng.
Kết thúc 2 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng trên toàn thị trường với tổng giá trị hơn 1.174 tỷ đồng, trái chiều với diễn biến cùng kỳ năm trước khi khối ngoại mua ròng trên cả 3 sàn với giá trị 6.752 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng tuần qua, trên cả sàn HoSE, sàn HNX và thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng lên đến 1.108 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS, tâm lý thị trường trở nên thận trọng trước sự bùng phát của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, VN-Index đóng cửa ở mức thấp, hàm ý rủi ro đang gia tăng. Vì thế, nhà đầu tư cần thận trọng đứng bên ngoài quan sát và chờ đợi tín hiệu đảo chiều tiếp theo.
Thực tế, thị trường giảm mạnh trong tuần giao dịch qua trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Kết thúc tuần giao dịch từ 24 - 28/2, VN-Index giảm 5,5%, xuống 882,19 điểm; HNX-Index tăng 1,4%, lên 109,58 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với gần 4.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 14%, lên 18.964 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 36,1%, lên 3.330 tỷ đồng.
Hầu hết các nhóm ngành chính trên thị trường đều sụt giảm mạnh trong tuần qua. Các mã lớn của nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng giảm mạnh với VCB giảm 7,4%, BID (8,1%), MBB (3,8%), VPB (5,6%), TCB (3,7%), HDB (2,1%), ACB (1,9%)...
Tuy vậy, dù đang chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và thị trường chứng khoán "đỏ lửa," cổ phiếu SHB của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội đã có 3 phiên tăng trần, với mức tăng tới 39,1%.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup tuần qua giảm mạnh với VIC giảm 4,1%, VHM giảm 6,6%, VRE giảm 7,3%.
Bên cạnh đó, cùng với sự đi xuống của giá dầu thế giới, giá cổ phiếu dầu khí cũng giảm mạnh trong tuần giao dịch qua.
Các cổ phiếu như GAS giảm 10,8%, PVS (9,3%), PVD (11,2%), PVB (3,8%), PVC (7,7%)... tạo thêm áp lực giảm điểm lên thị trường chung.
Thị trường dầu tuần qua giảm mạnh nhất trong hơn 11 năm, giữa bối cảnh sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 tại các nước ngoài Trung Quốc đại lục khiến giới đầu tư thêm lo ngại về những tác động đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/2, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4/2020 hạ 5%, xuống 44,76 USD/thùng, qua đó khiến mức giảm trong cả tuần của giá dầu này lên tới hơn 16%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/12/2008.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 3,2%, xuống 50,52 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 14% cả tuần, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ ngày 15/1/2016.
Tính chung trong cả tháng Hai, giá dầu WTI mất 13%, còn giá dầu Brent cũng hạ hơn 13%. Hợp đồng giao tháng Tư của cả 2 loại dầu chủ chốt này đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Tuần qua, các mã cổ phiếu đầu ngành thực phẩm - đồ uống cũng giảm rất mạnh như VNM giảm 3,6%, SAB (10,6%), MSN (7,8%). Cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH giảm 3,9%.
Các cổ phiếu của các ngành chứng khoán như SSI giảm 8,9%, HCM (9%), VCI (7,1%), VND (3,9)...
Cổ phiếu của các hãng hàng không cũng lao dốc mạnh. Theo đó, VJC đã giảm 5,4% trong tuần qua, trong khi HVN giảm 15,2% và ACV giảm 14,6%.
Lĩnh vực hàng không chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19. Thay vì dự kiến thiệt hại 10.000 tỷ đồng như cách đây nửa tháng, theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Các hãng hàng không lớn trong ngành như Công ty cổ phần Hàng không VietJet (mã chứng khoán VJC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán HVN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán ACV) cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Việc dịch COVID-19 lây lan nhanh ra các nước trên thế giới vài ngày gần đây đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về những tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones mất 12,4%, S&P 500 hạ 11,5%, còn Nasdaq Composite lùi 10,5%.
Những lo ngại về dịch COVID-19 tới triển vọng kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư. Ngày 28/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với virus SARS-CoV-2 lên mức “rất cao” và cho rằng việc tiếp tục gia tăng số ca nhiễm virus và số quốc gia ghi nhận bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là “mối quan ngại rõ ràng.”
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy (CPD) thông báo số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã vượt quá 1.000 người, lên tới 1.128 ca, tính đến 18 giờ ngày 29/2 (theo giờ địa phương); trong đó, 29 ca tử vong và 50 ca đã được chữa khỏi.
Như vậy, Italy đã trở thành "điểm nóng" COVID-19 lớn thứ ba thế giới về số người nhiễm, sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc./.