Aa

Ngược chiều thế giới, chứng khoán Việt Nam giảm điểm, cổ phiếu BĐS lao dốc

Chủ Nhật, 16/04/2023 - 06:10

VN-Index ngược chiều với thị trường thế giới. Trong khi các chỉ số chính của chứng khoán Á, Âu tăng khá mạnh, VN-Index giảm sâu, cổ phiếu nhóm ngành bất động sản dẫn dắt thị trường... đi xuống.

Điều chỉnh sau 3 tuần tăng điểm, VN-Index chốt tuần sát 1.050

Nhận định thị trường: Thị trường trong nước tuần này ngược dòng thế giới. Kể từ khi đạt đỉnh ngắn hạn, thị trường đã điều chỉnh 6/7 phiên trong chuỗi giảm 7/10 phiên kể từ đầu tháng 4. Thanh khoản tuần này tương đương với tuần trước khi vẫn ở mức cao kể từ giữa tháng 12/2022. Tín hiệu khác cũng đáng lưu ý là việc khối ngoại bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp trên sàn HSX.   

VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch rung lắc, điều chỉnh, khi thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng vào những phiên cuối tuần khiến chỉ số chung một lần nữa lùi về khu vực hỗ trợ quanh 1055. Sau khi tăng nhẹ lên vùng 1.074, VN-Index đã chịu áp lực bán mạnh và chính thức rời khỏi mốc 1.070. Khi chạm ngưỡng 1.060, chỉ số đã có diễn biến hồi phục nhưng chỉ duy trì được 1 phiên và tiếp tục giảm sâu hơn sau đó.

VN-Index chốt tuần tại 1.052,89, giảm 16,82 điểm (-1,57%) so với cuối tuần trước và cũng là tuần giảm điểm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp.

Khi các bluechip khác chịu áp lực điều chỉnh, NVL bất ngờ vươn lên dẫn đầu danh sách 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong tuần, với mức tăng 6% NVL đã giúp VN-Index tăng 0,4 điểm. Chiều giảm điểm, VCB dẫn đầu danh sách ảnh hưởng tiêu cực khi giảm 1,8% kéo VN-Index giảm 1,9 điểm, SAB đứng thứ 2 với mức ảnh hưởng -1,6 điểm lên chỉ số.

đồ thị kỹ thuật vn-index, chứng khoán

Khối ngoại đã bán ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị 1.734 tỷ đồng. STB, HPG và VND là 3 cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất với giá trị lần lượt 287 tỷ đồng, 261 tỷ đồng và 190 tỷ đồng. Chiều mua ròng khối này chỉ mua vào duy nhất HDB có giá trị trên 100 tỷ đồng.

Kết thúc phiên hôm thứ sáu, nhịp điều chỉnh của VN-Index đã kéo dài 7 phiên sau nhịp tăng 12 phiên, trong đó có chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tiếp. Chốt tuần tại 1.052,89 chỉ số đã để mất 2 ngưỡng quan trọng là MA 20 ngày (1.059) và MA 20 tuần (1.057), do đó xu hướng ngắn hạn đã trở nên tiêu cực. Xu hướng trung hạn là đi ngang với vùng 1.052 hiện tại có hỗ trợ là chỉ báo MA 10 tuần.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index giảm điểm phiên đầu tuần và sau đấy có 1 phiên phục hồi ngay khi chỉ số chung lùi về vùng hỗ trợ quanh 1055 - 1060. Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục được thể hiện trong các phiên cuối tuần khiến thị trường có phần hụt hơi và đảo chiều giảm điểm về kiểm tra vùng hỗ trợ thêm 1 lần nữa.

Tuy không có nhiều tích cực về mặt chỉ số nhưng sự phân hóa được thể hiện rõ ràng trong tuần vừa qua. Theo thống kê, lực cầu vẫn chủ động tìm đến một vài nhóm ngành, trong đó nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu bán lẻ với mức tăng xấp xỉ 4%.

Trong tuần vừa qua số liệu lạm phát Mỹ trong tháng 3 được công bố tăng 5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, đây là mức tăng thấp hơn kỳ vọng. Số liệu này tạo ra kỳ vọng Fed có thể chấm dứt lộ trình tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng vào tháng 6. Đây được xem là diễn biến thuận lợi đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trải qua giai đoạn nhiều khó khăn trong quý I với mức tăng trưởng đạt thấp.

Góc nhìn kỹ thuật: VN-Index kết phiên cuối tuần tạo nến đỏ giảm điểm, lui về kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh khu vực 1.055. Xét về khung đồ thị giờ, các chỉ báo vẫn đang tiếp tục bám theo xu hướng trước đỏ, hướng xuống để kiểm tra lại khu vực đáy cũ. Khu vực điểm quanh 1.055 tạm thời sẽ là khu vực hỗ trợ của thị trường trong ngắn hạn. Vùng điểm này cũng là khu vực giao cắt giao với đường trung bình động MA50 và đường Senkou-Span B.

Trong trường hợp tích cực, nếu lực cầu xuất hiện trở lại trong các phiên tới, VN-Index sẽ hình thành phân kỳ dương của MACD tại khung đồ thị giờ báo hiệu cho nhịp tăng điểm dài hơi hơn của thị trường.

Cổ phiếu bất động sản dẫn dắt thị trường... đi xuống

Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 29 mã tăng giá, 11 mã đứng giá và 81 mã giảm giá. Số lượng mã giảm giá áp đảo. 

Dẫn đầu Top 20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần là V11 của Công ty Cổ phần Xây dựng số 11 (UpCOM) tăng 20% từ 500 đồng/CP lên 600 đồng/CP. Thanh khoản 17.900 đơn vị.

Đứng thứ hai là LSG của Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn VINA (UpCOM), tuần qua tăng 16,9% từ 6.500 đồng/CP lên 7.600 đồng/CP. Tuần qua, có 26.992 đơn vị LSG khớp lệnh.

Đa số các mã trong Top 20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần qua là các mã nhỏ, thanh khoản thấp. Đáng chú ý có NVL của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE). Tuần qua, NVL tăng 6%, từ 13.400 đồng/CP lên 14.200 đồng/CP. Đã có 205.383.200 đơn vị NVL chuyển nhượng thành công trong tuần qua.

Dù giao dịch kém sôi động nhưng NVL vẫn thuộc top 5 thanh khoản tốt nhất thị trường. NVL vươn lên dẫn đầu danh sách 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong tuần, với mức tăng 6% đã giúp VN-Index tăng 0,4 điểm. 

Phiên 11/4, NVL tăng trần lên mức 14.200 đồng ngay sau thông tin Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có quyết định thành lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland tại 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Ở diễn biến liên quan, NovaGroup - công ty mẹ của Novaland vừa bị bán giải chấp cổ phiếu NVL lần thứ 2 chỉ trong 1 tuần.

cổ phiếu tăng giá

Ở chiều ngược lại, LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE) dẫn đầu top 20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần. LDG giảm 17,3% từ 4.850 đồng/CP còn 4.010 đồng/CP. Thanh khoản 55.163.900 đơn vị.

LDG giảm mạnh trong bối cảnh ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư LDG vừa thông báo đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3,5 triệu cổ phiếu LDG. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh trong 2 ngày 13 - 14/4/2023. Sau giao dịch, ông Hưng vẫn là cổ đông lớn nhất tại LDG, sở hữu hơn 15 triệu cổ phiếu LDG, tỷ lệ 5,86% cổ phần.

Đà giảm của cổ phiếu diễn ra ngay sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kết luận Thanh tra dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Viva Park) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom do LDG làm chủ đầu tư. Theo đó, về mặt quản lý hành chính, kết luận thanh tra đề cập 20 cá nhân và 13 tổ chức có nhiều sai sót, thiếu trách nhiệm trong quá trình giải quyết thủ tục, xử lý hồ sơ và sẽ xử lý về mặt quy định của Nhà nước.

SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (HoSE) tuần qua giảm 10,1% từ 7.700 đồng/CP còn 7.010 đồng/CP, thanh khoản sụt giảm so với tuần trước.

CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (HNX) giảm 9,4% so với tuần trước, từ 25.500 đồng/CP còn 23.100 đồng/CP. 

cổ phiếu giảm giá

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát thị trường tại vùng điểm này, trong trường hợp có tín hiệu lực cầu bất ngờ xuất hiện trở lại, các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với những cổ phiếu có nền tích lũy chặt chẽ thuộc các nhóm ngành như dầu khí, chứng khoán, điện. Ngược lại, nếu thị trường tiếp tục rung lắc và chưa có tín hiệu gia tăng thanh khoản mua chủ động rõ ràng thì các nhà đầu tư nên hạn chế mở vị thế bắt đáy sớm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top