Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư khá thất vọng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam Phan Linh cho biết, nhà đầu tư không cần quá lo lắng vì thông thường những thị trường sẽ mất từ 2 - 3 năm ở trong danh sách trước khi được FTSE Russel chính thức cho nâng hạng.
PV: Việc “trượt” danh sách nâng hạng sau nhiều nỗ lực trong năm 2019 liệu có khiến các nhà đầu tư và giới phân tích “vỡ mộng” không, thưa ông?
Ông Phan Linh: Tôi không bất ngờ về đánh giá của FTSE Russel, vì 2/9 tiêu chí chúng ta chưa đạt được ở kỳ xét duyệt hồi tháng 3/2019 vẫn chưa được hoàn thiện, gồm yêu cầu về hoạt động bảo đảm khả năng thanh toán vì vẫn chưa có cơ chế kiểm tra trước giờ giao dịch và tiêu chí. “Bù trừ và Thanh toán - T+2/T+3” được đánh giá ở mức hạn chế.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiêu chí khác như sự cạnh tranh về môi giới, tính thanh khoản, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chủ động giám sát… Điều này thể hiện sự chủ động và nỗ lực phát triển thị trường của cơ quan quản lý Việt Nam trong một năm qua.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa đạt nhưng không có nghĩa là chúng ta không đạt. Những thiện chí trong cải thiện môi trường đầu tư sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao hơn.
PV: Thưa ông, việc thị trường vẫn ở trong danh sách theo dõi nâng hàng có ảnh hưởng gì đến dòng vốn ngoại vào chứng khoán Việt trong năm 2020?
Ông Phan Linh: Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm như MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones chủ yếu tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: Quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn...
Toàn bộ các tiêu chí này đều có một mục đích đó là đánh giá sự chắc chắn an toàn của môi trường đầu tư. Các tổ chức này đều mong muốn một khi đã đưa thị trường nào đó vào danh sách nâng hạng thì đó là một sự bền vững và ít thay đổi.
Điều này sẽ giúp các quỹ đầu tư cũng như các khách hàng của họ tìm thấy cơ hội và không phải thay đổi danh mục đầu tư liên tục. Vì vậy, quy trình xét duyệt khá lâu với nhiều tiêu chí khắt khe và đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả các thành viên thị trường.
Nâng hạng suy cho cùng là đích cuối của con đường, còn quá trình đi trên con đường đó mới mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
PV: Theo ông, thị trường Việt Nam hiện đang có những điều kiện nào để hấp dẫn dòng vốn ngoại?
Ông Phan Linh: Việc được nâng hạng từ FTSE và MSCI là mục tiêu lớn của ngành chứng khoán. Nhưng nếu chưa đạt được thì không có nghĩa là dòng tiền ngoại sẽ bỏ quên một thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Để gia tăng quy mô dòng vốn ngoại theo tôi còn rất nhiều cách khác mà Chính phủ đang tiến hành song song như nới room, cổ phần hóa, niêm yết các DN lớn và thoái dần vốn Nhà nước khỏi những DN này.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài FII thông qua thị trường chứng khoán năm 2018 đạt mốc kỷ lục 2,8 tỷ USD và nửa đầu năm 2019 đã đạt 1,28 tỷ USD. Điều này chứng tỏ thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một mảnh đất đầy hứa hẹn với các nước bạn.
PV: Cơ quan quản lý cần làm gì để đẩy nhanh quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam?
Ông Phan Linh: Dù rất nỗ lực trong thời gian qua nhưng chúng ta vẫn có những hạn chế nhất định về khả năng giao dịch, thanh toán bù trừ, thủ tục mở tài khoản mới và cơ chế thuận tiện cho nhà đầu tư nước ngoài trong giao dịch các cổ phiếu hết “room”…
Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn thiện dự thảo Đề án Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường mà Chính phủ và Bộ Tài chính đặt ra. Đây là điều cần thiết để rút ngắn khoảng cách giữa thị trường chứng khoán nước ta và các nước phát triển thông qua những kinh nghiệm đi trước của nước bạn.
Xin cảm ơn ông!