Aa

"Chúng ta đang áp dụng quá cứng nhắc mô hình tiểu khu nhà ở phương Tây vào đô thị Việt Nam"

Thứ Hai, 25/12/2017 - 06:01

Theo PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, trạng thái mất cân bằng giữa không gian sinh hoạt công cộng trong các khu đô thị mới với các không gian thành phần xuất phát từ việc áp dụng một cách quá cứng nhắc mô hình tiểu khu nhà ở của phương Tây vào đô thị Việt Nam, là sự bùng nổ thiếu kiểm soát thỏa đáng của các khu đô thị mới, các dự án nhà ở xây chen trong khu dân cư hiện hữu...

Tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức ngày 23/12/2017, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, Trưởng Bộ môn Kiến trúc Nhà ở, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã trình bày tham luận: Nâng cao chất lượng không gian công cộng các khu ở hiện đại tại Hà Nội.

Nói về sự cần thiết của việc tổ chức không gian công cộng trong khu ở, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật cho rằng, vào những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Hội Kiến trúc sư Quốc tế UIA đã tỏ ra quan tâm và đề cao tới mối quan hệ giữa kiến trúc - con người - thiên nhiên.

Qua các kỳ hội nghị gần đây, đặc biệt là thông cáo Ukraine 2017 và nội dung các cuộc thi quốc tế về Kiến trúc; chương trình phát triển UNDP và tổ chức văn hoá - giáo dục UNESCO của Liên hợp quốc cũng rất chú trọng tới các dự án phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đời sống sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho quảng đại quần chúng.

PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường,Trưởng bộ môn Kiến trúc Nhà ở, trường ĐH Kiến Trúc. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật, Trưởng bộ môn Kiến trúc Nhà ở, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc họp về Chiến lược toàn cầu về chỗ ở họp tại Nairobi đã đưa ra kết luận: “Trên toàn thế giới, không một quốc gia nào có thể tự cho rằng đã đạt được mục tiêu chỗ ở thích hợp cho mọi công dân và cho rằng không một quốc gia nào có thể tự cho rằng đã có phương kế thực để đạt mục tiêu này ”.

Vì vậy “đáp ứng nhu cầu ở cơ bản cho tất cả mọi người là một trách nhiệm toàn cầu. Chỗ ở thích hợp và không an toàn, dù ở bất cứ nơi nào, sẽ dẫn đến mất ổn định xã hội và chính trị, và sẽ cản trở phát triển kinh tế”.

Theo PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, tổ chức không gian công cộng trong khu ở góp phần tạo dựng một môi trường văn hoá trong lối sống đô thị hiện đại mang những nét đặc trưng vốn có của phong cách sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày.

Giới thiệu các cấp độ không gian công cộng thuộc đô thị, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật cho biết, theo Edmun N Bacon, có thể tạm chia ra 6 thành phần trong không gian kiến trúc Đô thị: Không gian kiến trúc công cộng: Là nơi diễn ra các hoạt động giao tiếp công cộng: Các xa lộ, đường giao thông, đường dạo, công viên thành phố.

Không gian kiến trúc bán công cộng: Là những nơi diễn ra các hoạt động chung của thành phố, dưới sự quản lý, vận hành của chính phủ, của các tổ chức xã hội: Toà thị chính, toà án, trường học, bưu điện, bệnh viện, bến xe, nhà hát, bãi đỗ xe,...

Không gian kiến trúc nhóm công cộng (Group-Public): Là không gian trung chuyển giữa các các không gian có chức năng công cộng và các không gian thuộc nhóm cá thể,…

Không gian nhóm cá thể: Bao gồm tất cả các không gian thuộc vùng thứ hai, vừa chịu sự điều hành của các cơ quan quản lý đô thị nhưng cũng thuộc phạm vi trực tiếp của các nhóm ở, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần và đời sống hàng ngày của cư dân địa phương: Các công viên trong đơn vị ở, chợ, khu vui chơi công cộng tiểu khu, các cửa hàng dịch vụ.

Không gian cá thể thuộc phạm vi gia đình: Các không gian nằm trong khu vực quản lý của mỗi gia đình bao gồm cả các không gian giao tiếp giữa bản thân hộ gia đình với các gia đình kề cận.

Theo PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, nhu cầu sinh hoạt công cộng là một đòi hỏi chính đáng và phù hợp với quy luật phát triển của một đô thị Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cấu trúc đô thị của Hà Nội chưa thực sự hoàn chỉnh cũng như cấu trúc của tiểu khu ở còn nhiều tồn tại bất hợp lý.

Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới một trạng thái mất cân bằng giữa không gian sinh hoạt công cộng trong các khu đô thị mới với các không gian thành phần.

PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật chỉ ra nguyên nhân khác của thực trạng đó là việc áp dụng một cách quá cứng nhắc mô hình tiểu khu nhà ở của phương Tây vào đô thị Việt Nam, là sự bùng nổ thiếu kiểm soát thỏa đáng của các khu đô thị mới, các dự án nhà ở xây chen trong khu dân cư hiện hữu. Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của các nhân tố cuộc sống mới hình thành do quá trình tăng trưởng kinh tế, nhân khẩu và các đặc điểm cốt lõi về truyền thống và lối sống mới.

Qua việc tổng kết các quan điểm, mô hình về đô thị nói chung và mô hình khu ở nói riêng của các nhà đô thị học, của các trường phái để tìm hiểu những sự tương đồng, ưu điểm, nhược điểm của mỗi loại hình để từ đó tìm được một giải pháp đúng đắn cho việc định hình hệ thống không gian công cộng trong khu ở hiện đại của các đô thị Việt Nam và Hà Nội.

Trên cơ sở tổ chức không gian sinh hoạt công cộng mới dựa trên những nguyên tắc về thiết lập trạng thái không gian cân bằng, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật cho rằng, phải khắc phục những hạn chế quy hoạch, kiến trúc mang tính nguồn gốc và kiến tạo những không gian mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp xã hội, khả năng cải thiện cuộc sống, tạo dựng môi trường sống chất lượng, thỏa mãn các yêu cầu của một không gian ở cho cuộc sống hiện tại và tương lai của thủ đô Hà Nội.

Trạng thái tổ chức không gian cân bằng mới cần thiết lập khả năng tổ chức và tái tổ chức không gian với các giải pháp phù hợp dựa trên nguyên tắc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các không gian thành phần: Không gian phục vụ công cộng, không gian sinh hoạt công cộng và không gian cá thể, tôn trọng và gìn giữ lối sống cộng đồng, láng giềng - một nét đẹp mang tính đặc trưng của nếp sống truyền thống của cộng đồng dân tộc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top