Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” do Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 22/8, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, hiện bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%...
Trong nước, theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do “di chứng” của đại dịch Covid-19 gây ra, 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng, 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.
Sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp kể từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng. Số doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong những tháng đầu năm cũng giảm 1000 doanh nghiệp.
Trước tình hình hiện nay, theo Phó Thống đốc, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu, và bảo vệ chuỗi cung ứng... Và đến nay, sự sát sao và quyết liệt này của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, thách thức, khôi phục niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trong dòng chảy chính sách đó, Phó Thống đốc cho biết NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.
Những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển. Vì vậy, Phó Thống đốc mong muốn Hội thảo này sẽ đi sâu, tập trung thảo luận 3 nội dung chính.
Thứ nhất, đánh giá đầy đủ tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo triển vọng, nhận diện các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Thứ hai, chia sẻ về các giải pháp, chính sách của các bộ, ngành trong thời gian qua và quan điểm về việc triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thứ ba, thảo luận, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ vốn, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm./.