Vào ở chung cư là phải chấp nhận (nhưng cũng có người cho rằng là được hưởng thụ) một môi trường văn hóa cộng đồng. Ở đó có rất nhiều cái chung, nào là sân chơi, thang máy, nơi để xe, dịch vụ vệ sinh, an ninh, an toàn, cấp điện, nước..., tất cả đều hướng tới một cuộc sống bình yên và thuận tiện cho mỗi cư dân.
Hệ thống luật pháp của Nhà nước về chung cư cũng khá hoàn thiện qua Luật Nhà ở, rồi các thông tư hướng dẫn của Bộ chuyên ngành, thậm chí chi tiết thành quy chế cụ thể, vậy mà các mâu thuẫn chung – riêng vẫn không ngừng xảy ra. Bài viết này chỉ xin phân tích một sự việc xảy ra mới đây ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 tại P.Tân Hưng, Q.7, TP. HCM.
Tháng 10/2018, hội nghị nhà chung cư thường niên của chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 đã quyết định tăng mức phí quản lý của chung cư từ hơn 3.000 đồng/m2/tháng lên thành 6.000 đồng/m2/tháng. Có một hộ dân cho rằng mức phí quản lý mới quá cao, trong khi mức phí cũ trước đây đã đủ chi cho tất cả các hoạt động của chung cư, nên không chấp nhận và không đóng theo mức sửa đổi. Kết quả, gia đình đó bị ngưng cung cấp dịch vụ nước sinh hoạt.
Mà như mọi người có thể tưởng tượng, một căn hộ chung cư mà không có nước sinh hoạt thì khó khăn đến mức nào. Vậy là khiếu kiện xảy ra.
Câu chuyện đáng bàn luận ở đây là việc cắt nước như vậy có đúng không và có nên không? Có đúng không là nói về cái lý, còn có nên không là nói về cái tình.
Theo Quy chế Quản lý, sử dụng nhà chung cư (Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/ 02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng), tại Điều 4 quy định rõ:
“Việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật”.
“Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành, kinh phí hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư và các khoản phí, lệ phí khác trong quá trình sử dụng nhà chung cư theo quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan; phải chấp hành nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư”.
Khi một hội nghị thường niên của cộng đồng cư dân tại khu chung cư được tổ chức hợp pháp, các vấn đề được thảo luận công khai, dân chủ; cái được, cái mất, cái hay cái dở đã được cân nhắc kỹ lưỡng thì các quyết định của hội nghị ấy, ý chí của đại đa số cư dân của chung cư ấy được luật pháp bảo hộ. Đấy là cái lý ở tầng vĩ mô.
Còn cái lý ở tầng vi mô, vì đây là dịch vụ nên phải trả tiền, mà lượng tiền cũng phải thỏa đáng theo giá thị trường để còn thuê người làm. Công ty cấp nước chỉ cung cấp nước sạch đến chân công trình, còn tất cả các công việc tiếp theo, kể cả cấp và thoát nước đều cần có người làm. Không có người làm thì nước chẳng thể tự “bò” đến từng căn hộ được.
Nhưng cũng có trường hợp hộ cư dân bị cắt nước bất hợp pháp. Đó là khi Ban quản trị tòa nhà không được thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Đó là khi các biện pháp quản lý nội bộ không trở thành một bộ phận nghị quyết của hội nghị cư dân. Đó là khi việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư không đúng mục đích, không công khai, minh bạch...
Còn về cái tình, vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, tính chia sẻ của cuộc sống chung cư thường cao hơn nơi khác, có điều gì không nên không phải cũng cần có sự thuyết phục, nhân nhượng, kiên trì...
Thiết nghĩ, chỉ nên dùng biện pháp cắt điện, cắt nước đối với các hộ cư dân khi không còn giải pháp nào khác.