Aa

Chuyện của các KTS Hà Nội

Thứ Ba, 12/06/2018 - 06:00

"Và các KTS cũng chẳng phụ lòng những gia chủ, ngay cả với những người khó tính nhất… Chả thế mà những ngôi nhà Hà Nội xưa cái nào cũng đẹp, những người Hà Nội “mới” phá mãi rồi mà nó vẫn đẹp."

Cha tôi là viên chức tập sự ở Bưu Điện Hà Nội năm 1941, đấy là công việc ao ước của nhiều thanh niên Tây học thời đó. Đi làm sở Tây cũng có nghĩa là được tiếp xúc nhiều với những người có học hành. Ông kể rằng các công chức cao cấp, trí thức của Hà Nội có nơi giao lưu gặp gỡ riêng tại nhà Khai trí Tiến Đức (bây giờ là Café Lục Thủy), các họa sĩ, KTS thuộc lớp Tây học trẻ hơn luôn được các bậc trí giả trân trọng. Họ không chỉ am hiểu những trào lưu kiến trúc hiện đại nhất của thế giới lúc đó mà còn rất uyên thâm văn hóa Phương Đông… Còn cha tôi nhắc đến các KTS tên tuổi thời bấy giờ vốn cũng hiếm hoi với sự ngưỡng mộ đặc biệt.

Trên phố Hàng Trống có ngôi nhà xây kiểu mới do KTS học trường Đông Dương thiết kế. Tôi đã được xem những bức ảnh về ngôi nhà ấy, nghe kể cách thức các KTS làm việc với chủ nhà ra sao. Họ thiết kế nhà cửa, hướng dẫn xây dựng các công trình bể ngầm, nền móng, lựa chọn mẫu gạch men và mầu sơn vôi, vẽ hoa sắt cửa và tủ kệ trưng bày hàng hóa… nhất nhất mọi việc chủ nhà đều trông cậy vào KTS với một sự tin cậy và trân quý tuyệt đối. Và các KTS cũng chẳng phụ lòng những gia chủ, ngay cả với những người khó tính nhất… Chả thế mà những ngôi nhà Hà Nội xưa cái nào cũng đẹp, những người Hà Nội “mới” phá mãi rồi mà nó vẫn đẹp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cố KTS Trịnh Hồng Triển, nguyên Chủ tịch Hội KTS Hà Nội, vốn có nhiều thời gian gần gũi các KTS trường Đông Dương (như các cụ Nguyễn Ngọc Ngoạn, Tạ Mỹ Duật, Hoàng Như Tiếp, Ngô Huy Quỳnh…) từng kể những câu chuyện về các KTS tài hoa uyên bác và rất lịch lãm, mẫu mực trong cách cư xử với đồng sự, học trò và với khách hàng. Họ biết cách để những ông chủ giàu có phải cúi chào KTS trước khi nhận cái bắt tay trịnh trọng của KTS, họ cũng có thể đàm đạo hàng giờ với các nhà thơ về chuyện “Kiều”, họ có thể vẽ ra ngôi nhà sang trọng đắt tiền, cũng như những ngôi nhà tranh tre, nứa lá, tường trát đất trộn rơm mà vẫn khang trang, sáng sủa…

Tôi đã được xem bản vẽ ngôi nhà xây trên đường Láng năm 1973 do cố KTS Nguyễn Cao Luyện thiết kế, ông vẽ bằng bút máy nhưng mực đen (mực tàu mài và lọc bằng bông), tô bằng bút chì màu Hồng Hà. Ông vẽ cái cửa sổ tầng một mở rộng nhìn ra cái vườn cây, cầu thang xây gạch trong nhà chạy lên chạy xuống cả ngày không mỏi chân, gầm cầu thang là tủ tường, giá sách; mái nhà lợp ngói tây, treo vào vành xe đạp Xuân Hòa phế phẩm duỗi thẳng ra làm li tô (thời đó gỗ rất hiếm). Cái cổng nhà thì rất điệu đàng: Hai bên uốn cong như cuốn thư, phía trên là giàn hoa giấy, giữa bức tường đặc xây bằng gạch phồng, không trát vẫn phải đục rỗng hai bầu rượu cách điệu… Mấy ông thợ làng không dám xây, vậy là các chàng sinh viên lớp Kiến trúc khóa 77 - 78 xắn tay lên và hoàn thành 80% nội dung bản vẽ, tiếc là đường Láng mở rộng 1990, nên cái cổng nhà xinh xắn, kiêu sa ấy đã bị dỡ đi mất rồi.

KTS. Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội kể lại thời học trò, ông không thích làm KTS vì ông sợ trở thành những “người giàu có, sang trọng và nhiều vợ”, như những người bạn của cha ông (thời ấy người nghèo mới đáng trân trọng, mới triệt để cách mạng, và nhiều vợ thì không tốt, không trọn tình trọn nghĩa). Nhưng trước khi vào học Đại học tại Hà Nội, ông được cố KTS Ngô Huy Quỳnh dẫn về xứ Đoài thăm thú cảnh vật đồng quê, nơi có cả một dải đình, chùa cổ kính dọc theo sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích; những đầu đao cong vút ẩn hiện trong bảng lảng mây trắng Ba Vì; những cánh cổng gỗ chạm lộng hào hoa uốn lượn vùng Thạch Thất, núi Trầm; những cổng làng xưa cũ mà đôi mắt ngọc ông Nghê trên trụ biểu vẫn lóe sáng uy nghi… Ông được giảng giải đấy là kiến trúc, đấy là giấc mơ, là nỗi niềm bao kiếp người gửi gắm… Ông thấy Kiến trúc vừa gần gũi, vừa xa vời, vừa có thể cảm nhận được sắc hương mà sao thênh thang đất trời chẳng bao giờ với tới, là vũ trụ mênh mông chứ không chỉ là cái vỏ giầu sang phú quý mà ông phải ngại ngùng xa lánh…

Thế là chuyển từ nỗi sợ hãi thành niềm đam mê, hiến dâng suốt thời trai trẻ cho hành trình dựng xây cái đẹp cho đời – KTS Lê Văn Lân đã thiết kế nhiều công trình kiến trúc đẹp, nhưng Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội để lại cho tôi nhiều kỷ niệm hơn cả vì chúng tôi là những đứa trẻ đầu tiên được học ở đó (ngay cả khi nó còn chưa xây dựng xong). Nhờ đấy, cha tôi đã luôn ngạc nhiên “Làm sao các KTS có thể sáng tạo ra tòa nhà đẹp đẽ đến thế?” Cho đến đầu thế kỷ 21, công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội đã được giới KTS quốc tế ghi nhận là “di sản kiến trúc hiện đại”.

Thế hệ chúng tôi không biết nhiều về các KTS trường Mỹ Thuật Đông Dương, nhưng được gần KTS Lê Hiệp qua các tượng đài uy nghi ghi dấu khắp miền đất nước. Những bài giảng của GS Tôn Đại, những đề tài nghiên cứu lịch sử kiến trúc của KTS Nguyễn Quốc Thông, những cuốn sách khai mở của KTS Đặng Thái Hoàng, những ý kiến phân tích sâu sắc về các công trình làm xấu hay đẹp Hà Nội của KTS Ngô Doãn Đức, KTS Ngô Huy Giao… Có lẽ công sức của các KTS bảo vệ lẽ phải, kiến giải điều hay, nâng niu cái đẹp cho Hà Nội, đã là nguyên nhân để xã hội trân quý những KTS tâm huyết không chỉ là công việc tạo nên cái đẹp của họ, điều mà các KTS khả kính đã coi là lẽ sống.

Ngày nay, mỗi khi Hà Nội tắc đường, khói bụi, ngập úng… bà con Hà Nội thường trách cứ kiến trúc/quy hoạch yếu kém mà chẳng đổ cho ai khác. Là người hoạt động trong lĩnh vực này, hẳn mỗi KTS cũng không khỏi suy tư. Buồn vì lực bất tòng tâm, vui vì bà con vẫn còn tin là KTS có thể có khả năng thay đổi tình thế. Lại thêm phần lo lắng với căn bệnh mới: Hò reo, tung hô cho nhiều thứ phù phiếm. Ví dụ như Kiến trúc sinh thái có phải là trồng cây cảnh vào khung nhà hay sàn mái bê tông? Đấy có phải là giải pháp cho môi trường Việt Nam nóng, ẩm, mưa nhiều? Uốn cong, căng bạt, đan bó mây tre để thay giàn kết cấu không gian nâng đỡ khẩu độ lớn, liệu cách đó có đủ an toàn, chống cháy. Nhổ cây cổ thụ trong rừng xa, núi thẳm, nhập khẩu kỳ hoa dị thảo về để tạo ra những vườn địa đàng xa hoa, bỏ mặc chung quanh những cánh rừng bị tàn phá cạn kiệt, ruộng đồng ô nhiễm, những kênh mương thủy lợi chia cắt nham nhở… Đó có phải là chuẩn mực Chân – Thiện – Mỹ của người Việt?

Chúng tôi vốn cổ vũ, trân quý các KTS làm ra các công trình phục vụ cộng đồng, nhưng khá lo ngại khi thấy công trình không thấy bóng dáng cộng đồng trong đó. Những sáng tạo đơn lẻ ấy có phải là đại diện cho một trào lưu của Kiến trúc quốc gia, của thời đại? Nếu chỉ là những chú đom đóm trong đêm thì cũng đáng khen ngợi nhưng không thể hò reo tôn vinh, coi đó là ánh hào quang, có sức tỏa sáng, dẫn lối sáng tạo cho kiến trúc nước nhà?

Những cuộc chơi hào nhoáng ồn ào có đủ khỏa lấp nỗi lo quê nhà còn nghèo, bà con ta còn chật vật bươn chải hàng ngày, đất nước còn phải đối mặt với thách thức, tai ương rình rập? Tôi ước ao rằng mình đã nghĩ sai khi cảm nhận thực tại bi quan. Tôi biết ơn ai đó chỉ cho tôi rằng: Chúng ta đã rất giàu có, sang trọng, tài nguyên quốc gia còn nhiều vô hạn… Cũng có thể do không biết cách làm ra những điều đặc biệt ấy nên tôi vẫn trân quý cách tạo nên cái đẹp bằng sự chắt chiu, chân thực, giản dị, ấy là: “Kiến trúc phải thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai” (Thư Bác Hồ gửi Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư năm 1948).

Trong tâm tưởng của bà con Hà Nội, KTS vẫn là công việc được yêu mến và quý trọng, nhưng điều đó có được lâu bền hay không, ấy phải trông vào sự chuyên tâm của mỗi KTS – Hẳn là mỗi chúng ta, không KTS nào muốn phụ lòng tin yêu của bà con Hà Nội!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top