Y văn cổ truyền đã đúc kết: “Thập nhân cửu trĩ”. Ấy là tổng kết trong nhân gian, cứ mười người thì có tới chín người bị mắc bệnh trĩ. Chỉ là nặng hay nhẹ, là trĩ nội hay trĩ ngoại mà thôi. Mà hình như trong thời hiện nay, xã hội càng hiện đại thì công việc bàn giấy ngồi lỳ bên máy tính, hay đứng cả ngày bên dây chuyền sản xuất càng nhiều thì càng làm cho căn bệnh này phổ biến và trầm trọng hơn.
Vậy bệnh trĩ là gì mà nhiều người bị mắc vậy. Và cách điều trị, dùng thuốc ra sao, chế độ ăn uống nghỉ ngơi thế nào, mời “cửu nhân” cùng quan tâm chia sẻ nhé.
Bệnh trĩ, mà dân gian gọi là “lòi dom”, đơn giản là do sự căng dãn quá mức của các tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng mà ra. Dãn đến thành búi. Gọi là búi trĩ. Rồi dẫn đến viêm sưng, xuất huyết. Rất đau. Như câu các cụ xưa đã nói, đau chổng mông chổng tĩ là vậy! Vậy còn thế nào là trĩ nội và trĩ ngoại? Trĩ nội là búi trĩ vẫn ở trong trực tràng, chỉ là đau, khó đại tiện, ra máu. Còn trĩ ngoại là búi trĩ đã lòi ra ngoài hậu môn, đau rát, sưng to. Rất nhiều người còn bị trĩ hỗn hợp, nghĩa là cả trĩ nội và trĩ ngoại, thế mới khổ kia!
Thế nhưng tại sao cái đám rối tĩnh mạch trực tràng - hậu môn kia đang yên lành lại dãn ra làm gì? Các nhà y học thì cho là do chế độ ăn, ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, dùng nhiều chất kích thích ví dụ như rượu mạnh. Và việc ngồi lỳ ít vận động thể dục thể thao cũng là một nguyên nhân được đề cập tới.
Vậy xử lý căn bệnh này thế nào?
Gần đây rất nhiều bệnh viện, phòng khám quảng cáo cắt trĩ bằng tia la de, bằng ni tơ lỏng, không đau. Quả thật lúc phẫu thuật thì hầu như không đau đớn. Nhưng những cơn đau hậu phẫu thì không thể nào tránh khỏi. Mà quan trọng nhất là nguy cơ tái phát không phải là nhỏ... Thế thì tại sao chúng ta không dùng các liệu pháp điều trị nội khoa để xử lý thay bằng phẫu thuật vừa đau đớn, tốn kém? Một phác đồ điều trị cả các cơn trĩ cấp lẫn trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp được các thày thuốc nhiều kinh nghiệm rút ra sau đây có thể bổ ích cho nhiều người:
1, Dùng thuốc uống để làm tăng tính bền vững của tĩnh mạch, giúp cho búi trĩ co lại. Hoạt chất flavonoid có tác dụng rõ rệt trong việc này. Biệt dược được các bác sĩ hay kê đơn đó là: Daflon 500 mg (chứa 500mg flavonoid tiêu chuẩn), những ngày đầu tiên có thể uống tới 6 viên, chia làm 3 lần. Giảm liều vào các ngày sau còn 4 viên một ngày, chia 2 lần. Lưu ý, flavonoid là hoạt chất chữa bệnh chiết xuất từ thảo dược (hoa hòe...) nên rất lành, tác dụng phụ hầu như không có.
2, Sử dụng thuốc mỡ bôi trực tiếp vào búi trĩ và bơm vào trong trực tràng bằng dụng cụ riêng biệt bán kèm tube thuốc. Trong loại thuốc mỡ này có nhiều hoạt chất giảm đau, giảm sưng và trực tiếp ngấm vào tĩnh mạch trĩ làm cho búi trĩ co lại dần. Biệt dược hay kê là: Proctolog 20gram, ngày bôi, bơm một lần ban đêm và sau khi đi đại tiện xong.
3, Ngâm hậu môn vào nước nóng buổi tối trước khi đi ngủ hoặc sau khi đại tiện. Đây là một biện pháp đơn giản nhưng được chứng minh là cực kỳ hiệu quả cho việc giảm đau cơn trĩ cấp và làm co, teo dần búi trĩ. Đến nỗi đã có thời kỳ ngành y tế đã phát kiến ra việc tiêm nước cất đun sôi vào búi trĩ làm cho teo đét nhanh chóng búi trĩ, sau đó cắt đi. Nay thủ thuật tiêm nước cất đun sôi không còn được áp dụng nữa, bởi nó cho thấy sau đó còn nhiều biến chứng và tái phát phức tạp hơn. Thế nhưng pha một chậu nước nóng già tay, rồi ngồi ngâm đấy là một liệu pháp đơn giản mà thực tế điều trị đã chứng minh là rất hiệu quả, không nên bỏ qua.
4, Thực hiện chế độ ăn uống sinh hoạt: Uống hỗn hợp vitamin bổ xung hàng ngày, đặc biệt là các vitamin C, B2, PP. Có thể uống kèm thêm flavonoid (ví dụ: Rutin trong hoa hòe). Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước. Đi đại tiện hàng ngày. Kiêng các chất kích thích, đặc biệt là rượu cao độ. Ngoài ra, thể dục thể thao, nhất là môn bơi lội là một cách hỗ trợ điều trị đề phòng bệnh trĩ rất tốt.
5, Thường khi áp dụng đơn thuốc điều trị tham khảo trên trong vòng 3 ngày bạn sẽ thấy chuyển biến, giảm sưng đau rõ rệt. Trong khoảng 2 tuần sẽ thấy khỏi 70- 80%, tiếp tục điều trị khoảng 2 tuần nữa, thông thường các triệu chứng của cơn trĩ cấp sẽ biến mất hoàn toàn! Thế nhưng nếu áp dụng các liệu pháp trên trong vòng một tuần không đỡ thì lúc bấy giờ thầy thuốc sẽ khuyên cần phải đến bệnh viện để can thiệp ngoại khoa.
Bệnh trĩ là một căn bệnh không gây chết người nhưng nó làm chúng ta đau đớn, suy giảm sức khỏe và khó khăn trong làm việc sinh hoạt. Hiểu biết về căn bệnh này và các cách đề phòng, điều trị hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống chẳng phải là một việc nên làm lắm sao các bạn?