Trong những ngày đầu năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng hưng phấn với đà tăng trưởng của nhiều nhóm cổ phiếu, điển hình là nhóm bất động sản. Đây là một trong những động lực giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.500 điểm.
Cụ thể, cổ phiếu DIG của DIC Corp vượt mốc 117.000 đồng/cp, hay mã CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, FLC của Tập đoàn FLC và nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng ghi dấu với những phiên tăng trần liên tiếp.
Hiện tại, không ít các nhà đầu tư và chuyên gia vẫn có đánh giá lạc quan về nhóm cổ phiếu bất động sản. Kỳ vọng này của giới đầu tư là hoàn toàn có cơ sở vì sau thời gian ảnh hưởng bởi giãn cách do dịch Covid-19, hàng loạt dự án được triển khai dự báo sẽ giúp thanh khoản thị trường bất động sản sớm được hồi phục. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ đầu tư công và kế hoạch kích cầu tiêu dùng sẽ là cú hích giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại.
Bên cạnh đó, giai đoạn tới, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phát hành cổ phiếu để huy động nguồn vốn thực hiện các dự án bị đình trệ bởi dịch Covid-19. Theo đó, câu chuyện phát hành cổ phiếu cũng được kỳ vọng sẽ là động lực lớn cho đà tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đã tăng bằng lần chỉ sau một thời gian ngắn, vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Minh, lạm phát sẽ tăng trong năm 2022 và kéo theo đó là đà tăng của lãi suất. Bản chất các doanh nghiệp bất động sản là "sống" bằng vốn vay và sử dụng đòn bẩy tài chính để thực hiện các dự án. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, việc lãi suất tăng trở lại sẽ là "con dao hai lưỡi" khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó.
Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, dòng tiền thường có khuynh hướng dịch chuyển từ những cổ phiếu có mức định giá cao sang những cổ phiếu có mức định giá thấp. Do đó, chuyên gia cho rằng sức hút của những cổ phiếu tăng "nóng" thời gian qua có thể sẽ hạ nhiệt.
Ngoài ra, theo quan sát một số cổ phiếu bất động sản, ông Minh cho biết, thanh khoản đang có xu hướng giảm dần tại các cổ phiếu có mức giá tăng cao. Tuy chưa thể đoán định được mức đỉnh của cổ phiếu nhưng điều này cũng đang phát đi dấu hiệu cổ phiếu đó đang trong giai đoạn hình thành đỉnh.
Đáng chú ý, ông Minh còn ví mua cổ phiếu bất động sản thời điểm này không khác gì đánh bạc. Trong những ván bạc đầu tiên nhà đầu tư thường mua với tỷ trọng nhỏ nhưng khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng đẩy tài khoản tăng gấp đôi gấp ba sẽ khiến nhiều người đặt ra kỳ vọng làm giàu và quyết định "all in".
Đây chính là lúc mức độ rủi ro lên đến đỉnh điểm và nếu không tuân thủ kỷ luật có thể "cháy tài khoản" trong phút chốc bởi lẽ, khi giá cổ phiếu đã tăng sốc sẽ rất dễ giảm sâu và quay về điểm xuất phát nếu không đi kèm yếu tố nội tại.
Ngoài ra, giai đoạn cận Tết Nguyên đán, thị trường có thể chứng kiến cú sụt giảm bất ngờ, cùng với đó là kết quả kinh doanh quý IV/2021 được công bố sẽ phơi bày nhiều thực trạng kinh doanh thua lỗ, dự án kém khả quan của một số doanh nghiệp. Do đó, ông Minh cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp để mua mới, đồng thời nên hạ tỷ trọng margin cho nhóm cổ phiếu này.
Thực tế, không chỉ ông Minh, khuyến nghị của một số công ty chứng khoán cũng cho rằng, giá cổ phiếu bất động sản thường phản ánh trước kỳ vọng 3 - 6 tháng nên năm 2022 sẽ chứng kiến sự phân hoá trong nhóm cổ phiếu địa ốc.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng giá mạnh trong thời gian qua, bây giờ là lúc nhà đầu tư cần định giá lại cổ phiếu, từ đó chọn ra những mã chưa tăng nhiều và định giá còn thấp so với ngành, đồng thời xem xét quỹ đất, dự án mà doanh nghiệp đang triển khai để có cái nhìn toàn diện và lựa chọn được cổ phiếu tốt. Riêng những mã đã tăng nóng thì không nên mua đuổi, vì giá có thể đã phản ánh hết kỳ vọng thị trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho hay, đà tăng nóng của nhóm cổ phiếu bất động sản đến từ những "câu chuyện" xoay quanh thông tin vĩ mô như các gói hỗ trợ kinh tế, quy hoạch dự án, đấu giá... dù không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi.
Ông Khoa cho rằng, đà tăng nóng nếu tiếp diễn sẽ rất rủi ro khi nhiều cổ phiếu giá trị đã ở mức "bong bóng", vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng và tham khảo ý kiến chuyên gia để có biện pháp quản trị rủi ro phù hợp. Thực tế trong năm 2021, mặc dù đại đa số nhà đầu tư có lãi, tuy nhiên vẫn có nhiều người thua lỗ, thậm chí thua lỗ nặng khi chạy theo bong bóng, sóng cổ phiếu penny./.