Thị trường tiếp nối đà tăng sang tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 với thanh khoản gia tăng. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 30,02 điểm (+2%) lên 1.528,48 điểm; HNX-Index tăng 19,85 điểm (+4,2%) lên 493,84 điểm; UPCoM-Index tăng 2,59 điểm lên 115,6 điểm.
Thanh khoản giao dịch trung bình mỗi phiên được cải thiện với khoảng 36.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 3,3% lên 128.865 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2,6% xuống 4,1 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 7% xuống 15.343 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,4% xuống 535 triệu cổ phiếu.
Tâm điểm của thị trường chứng khoán tuần đầu năm 2022 vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản khi tiếp tục hút được dòng tiền tốt. Thống kê 122 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 93 mã tăng trong tuần từ 4 – 7/1, trong khi chỉ có 23 mã giảm giá.
Tuy nhiên, cả 3 mã đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm này đều thuộc diện có thanh khoản thấp. Trong đó, SZG của CTCP Sonadezi Giang Điền tăng gần 74%. Cổ phiếu này mới chỉ lên sàn UPCoM hôm 27/12 với giá tham chiếu chỉ 11.800 đồng/cp. Chốt phiên 7/1, SZG leo lên đến 43.300 đồng/cp. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của mã này chỉ vào khoảng 300 đơn vị/phiên trong tuần qua.
VRG của Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam và HD2 của Đầu tư Phát triển nhà HUD2 tăng lần lượt 42% và 41%.
Cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O tiếp tục thu hút được sự chú ý đáng kể của nhà đầu tư khi tăng 30,5% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, cổ đông ngoại lớn là PYN Elite Fund (NON-UCITS) tiếp tục bán ra 4 triệu cổ phiếu CEO qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,67% (hơn 19,7 triệu cổ phiếu) xuống 6,11% (hơn 15,7 triệu cổ phiếu).
Tương tự, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng tăng hơn 21%. Cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG cũng gây được sự chú ý khi tăng gần 27% từ mức 21.500 đồng/cp lên 27.300 đồng/cp.
Bên cạnh LDG, hai cổ phiếu cùng họ là FLC của Tập đoàn FLC và AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng tăng rất mạnh trong tuần đầu năm 2020. Trong đó, FLC tăng 25,3%, còn AMD tăng 25%. Ngày 8/1/2022, Tập đoàn FLC tổ chức lễ khởi công Quần thể Du lịch Nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Với tổng vốn các giai đoạn ước tính 10.000 tỷ đồng trên quy hoạch gần 250ha (trong đó giai đoạn 1 quy mô 111 ha), mục tiêu của dự án trở thành một quần thể đồng bộ với những tiện ích lưu trú - nghỉ dưỡng - thể thao cao cấp lần đầu tiên xuất hiện tại Phú Thọ như: Khách sạn 5 sao 15 tầng, Sân golf 18 hố tiêu chuẩn quốc tế, Khu đô thị phức hợp thương mại nghỉ dưỡng cao cấp, Trung tâm hội nghị quốc tế...
Ngoài ra, các cổ phiếu như NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, CTCP Đầu tư Nhà đất Việt, NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân… cũng tăng giá mạnh.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 10,4%, đây cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất giảm giá trên 10% trong tuần đầu năm 2022. UBND tỉnh Bắc Kạn vừa đồng ý về chủ trương cho API nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch chung xã Cổ Linh và quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đô thị du lịch văn hóa nghỉ dưỡng sinh thái tại Mù Là, xã Cổ Linh. Cổ phiếu cùng họ APEC là IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng biến động không tốt nhưng mức giảm không quá mạnh với 1,4%.
Đứng ở vị trí thứ 2 và 3 về mức giảm ở nhóm bất động sản là VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex và TID của Tổng công ty Tín Nghĩa đều là 6,8%.
Trong top 10 mã vốn hóa lớn ở nhóm bất động sản có 3 mã giảm giá là NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), THD của CTCP Thaiholdings và PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Trong đó, PDR giảm nhẹ 2,3%, còn NVL và THD giảm lần lượt 5% và 4,2%. Trong khi đó, bên cạnh DIG, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp tăng đến gần 18%. VRE của CTCP Vincom Retail tăng 15,5%, VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 7,5%. Trong tuần qua, tại triển lãm CES 2022 (Mỹ) VinFast ra mắt dải xe điện phủ đủ 5 phân khúc A-B-C-D-E là VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9, đều là SUV. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc VinFast Global Lê Thị Thu Thủy cho biết VinFast sẽ chính thức chuyển thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022.
Mới đây, VIC vừa thông qua việc phát hành khoảng 8,72 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với tư cách là bên nhận ủy thác của Hanwha Vietnam Opportunity Private Fund 1 để chuyển đổi gần 7,42 triệu cổ phiếu ưu đãi (tỷ lệ 1,18:1). Giá chuyển đổi là 94.381 đồng/cp, tương ứng thấp hơn 10% so với thị giá ngày 6/1. Thời gian thực hiện trong quý I.