Nghị định 35 đã đơn giản hóa thủ tục đầu tư khu công nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết sau chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) tại Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc phát triển KCN trên địa bàn cả nước thời gian qua đã góp phần hình thành nhiều khu đô thị, dịch vụ và hệ thống giao thông kết nối, tạo diện mạo mới cho địa phương; từng bước tác động tới quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.
Tính đến tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120 nghìn ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha. Trong đó, có 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 92 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, để có được thành quả này là nhờ Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, đường lối, chính sách định hướng cho sự phát triển các KCN, KKT qua mỗi thời kỳ. Các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm chỉ đạo tích cực, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các KCN, KKT hoạt động.
Đặc biệt, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN, KKT. Theo đó, Nghị định đã đơn giản hóa nhiều thủ tục cấp phép đầu tư KCN.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu trước đây quy trình đầu tư KCN tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP có 10 bước thì đến Nghị định 35 đã giảm bớt 4 bước, hiện thủ tục chỉ còn 6 bước.
Ngoài ra, Nghị định 35 còn bãi bỏ quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển KCN, KKT và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với quy định của pháp luật về quy hoạch.
Cùng với đó, Nghị định quy định không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy 60% trong quá trình xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án hạ tầng KCN trong các trường hợp sau: (i) các địa phương có diện tích KCN dưới 1.000ha; (ii) KCN thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, KCN trong KKT; (iii) KCN hoạt động theo các loại hình KCN mới.
Có thể nói, thể chế, chính sách cho việc đầu tư và phát triển các KCN đang ngày càng hoàn thiện và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp muốn tham gia. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, vẫn còn không ít bất cập trong thủ tục hành chính, cơ chế đầu tư khiến nhiều doanh nghiệp trong nước nản lòng, nhà đầu tư nước ngoài bối rối. Đặc biệt là việc thiếu đi các KCN gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Vẫn cần hoàn thiện hơn các thủ tục hành chính
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương bày tỏ, quy trình, thủ tục đầu tư KCN tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rườm rà, lãng phí thời gian và tốn kém nguồn lực. Trước đây, việc các KCN của tỉnh, thành phố phải trình lên Chính phủ quyết định có thể đúng; nhưng ở thời điểm hiện tại, các KCN muốn được phê duyệt vẫn phải trình lên Chính phủ thì quả không phù hợp. Rõ ràng, các địa phương có đủ bộ máy để thẩm định năng lực nhà đầu tư.
Do đó, ông Quý cho rằng, nên để các địa phương được chủ động trong việc này, vừa giúp quy trình các bộ, ngành đỡ mất nhiều thời gian, vừa tiết kiệm nguồn lực cho nhà đầu tư, tránh lãng phí chi phí.
Không chỉ doanh nghiệp, đại diện cơ quan nhà nước cấp Sở - ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) cũng bày tỏ sự hoang mang khi áp dụng khung pháp lý cho các KCN, đặc biệt là mô hình KCN sinh thái, KCN xanh hiện nay.
“Ví dụ như KCN Business Park TP.HCM có chuyển đổi KCN sinh thái trong khu đô thị thì khung pháp lý để tạo ra điều kiện cho lập quy hoạch, đầu tư KCN sinh thái là như thế nào?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng khẳng định, thủ tục hành chính rườm rà và pháp lý chồng chéo đang là khó khăn lớn nhất cản trở sự phát triển các KCN tại Việt Nam.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Nghị định 35 là một cấp tiến nhưng đâu đó vẫn còn một số tiêu chí chưa rõ ràng. Ví dụ khi nói đến khu đô thị dịch vụ, thì doanh nghiệp vẫn rất khó hình dung do chưa có những hướng dẫn chi tiết.
Đặc biệt là chuyển đổi từ KCN hiện hữu sang KCN đô thị dịch vụ thì doanh nghiệp quan tâm cơ chế ưu đãi sẽ ra sao, kế đến là định giá đất, tiền thuê đất. Trong 2-3 năm vừa qua, không ít doanh nghiệp muốn nộp tiền nhưng chưa nộp được.
Tiếp theo là thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư. Với một dự án lớn, hàng trăm héc-ta, thì doanh nghiệp phải phân kỳ đầu tư. Nhưng khi hết giai đoạn 1, các doanh nghiệp đều mong muốn chuyển tiếp và đơn giản hóa thủ tục cho giai đoạn tiếp theo chứ không phải đi xin lại từ đầu.
“Một khó khăn nữa là việc phân cấp, ủy quyền, đây là điều Thủ tướng rất mong muốn. Dù đã có một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn vướng mắc”, TS. Lực cho biết.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng, để thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển các KCN, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vẫn cần hoàn thiện và rút ngắn các thủ tục hành chính, đồng bộ các quy định pháp lý và có cơ chế rõ ràng cho những KCN sinh thái, xanh, bền vững.
Đặc biệt, nên có "sổ tay" hướng dẫn quy trình đầu tư KCN tại Việt Nam, công khai trên mạng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh để hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.