Trong báo cáo mới nhất gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị chỉnh lý, bổ sung quy định về phát triển nhà lưu trú công nhân ngoài phạm vi khu công nghiệp, nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội và Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, có nội dung yêu cầu: “Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp”.
Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi tiêu đề mục 3 Chương VI từ “Phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thành “Phát triển nhà lưu trú công nhân” và bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ (tại Điều 2), đối tượng (tại Điều 74 và Điều 89), hình thức (tại Điều 90), điều kiện (tại Điều 91), quỹ đất (tại Điều 92) và chỉnh sửa, thiết kế lại các nội dung từ Điều 89 đến Điều 94 của dự thảo Luật cho phù hợp.
Trước đó, liên quan đến nội dung này, tại dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình ngày 14/4/2023 đã dành 01 mục thuộc Chương VI dự thảo để quy định về phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (từ Điều 88 đến Điều 97), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với phương án trình của Chính phủ, đồng thời có chỉnh lý một số quy định về mặt kỹ thuật và nội dung. Bộ Xây dựng đã rà soát, tổng hợp đưa ra 02 phương án để xin ý kiến các thành viên Chính phủ, cụ thể:
Phương án 1: Bổ sung quy định về phát triển nhà lưu trú công nhân ngoài phạm vi khu công nghiệp. Theo đó: Sửa đổi tiêu đề mục 3 Chương VI từ “Phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp” thành “Phát triển nhà lưu trú công nhân” và bổ sung các quy định liên quan (đây chính là phương án Chính phủ thống nhất lựa chọn và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội - PV).
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, tức là chỉ quy định phát triển nhà lưu trú công nhân trong phạm vi khu công nghiệp.
Theo Bộ Xây dựng, qua nghiên cứu, tổng kết tình hình thực tiễn, thấy rằng ngoài công nhân khu công nghiệp thì số lượng và nhu cầu về chỗ ở của công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động nhưng không nằm trong các khu công nghiệp là rất lớn (các doanh nghiệp này nằm ở các khu chế xuất, các khu du lịch, lưu trú, khách sạn lớn...).
Bên cạnh đó, từ những năm 2000 cũng đã có những doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp quan tâm đầu tư nhà lưu trú công nhân với đầy đủ công trình dịch vụ, tiện ích, có hàng rào, lối đi riêng giúp doanh nghiệp tự chủ, người công nhân yên tâm làm việc, khi nhà máy có việc người công nhân có thể tham gia khẩn cấp.
Theo số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay trên cả nước có khoảng 15 triệu công nhân, người lao động, trong đó lượng công nhân làm việc trong khu công nghiệp chỉ có khoảng 4 triệu người. Như vậy, có thể thấy rằng vẫn còn khoảng 11 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất ở ngoài khu công nghiệp và hầu hết là người ngoại tỉnh nên phải thuê nhà trọ với chất lượng nhà ở thường không đồng đều.
Thực tế cho thấy tại các khu nhà trọ do người dân xây dựng tự phát là những dãy phòng cấp bốn diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.
Hồi tháng 6/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó nêu ý kiến: Số liệu báo cáo của ngành Than, số công nhân đang làm việc tại các công ty trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 70.000, trong đó có 61.000 công nhân hiện đã có chỗ ở ổn định, còn 9.000 người chưa có chỗ ở ổn định. Giai đoạn trước, các đơn vị thuộc Tập đoàn Than và Tổng Công ty Đông Bắc đã triển khai gần 50 khu nhà ở cho công nhân, với tổng diện tích đất khoảng 59ha, trên 4.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 10.000 công nhân.
Từ nhu cầu thực tiễn đặt ra, việc chỉ quy định phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là chưa công bằng và chưa đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp cũng như người lao động. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo khi cũng đề xuất chọn theo Phương án 1 (mở rộng phát triển nhà lưu trú cho công nhân ra ngoài khu công nghiệp) và đã được Chính phủ thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự kiến ngày 23/10 tới đây, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Tại kỳ họp lần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều nội dung mới liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.