Aa

Chuyên gia nói gì về dừng triển khai quy hoạch không gian ngầm 4 quận nội đô

Thứ Sáu, 13/12/2019 - 06:12

Từ lâu, việc thiếu bãi đỗ xe đã trở thành một vấn nạn của TP. Hà Nội. Dù đã có các đề án nghiên cứu quy hoạch tổng thể xây dựng bãi xe ngầm nhưng thực tế các dự án vẫn “bất động” trên giấy.

Hà Nội cần nhanh chóng giải quyết vấn đề bãi xe ngầm để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như giảm ùn tắc giao thông.

Mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có báo cáo đề xuất UBND thành phố dừng triển khai thực hiện đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận nội đô (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng).

Trao đổi tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy chiều 19/11, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, lý do về việc cơ quan này đề xuất dừng triển khai đồ án là bởi Nghị định 37/2010/NĐ-CP và Luật Quy hoạch đều quy định về quy hoạch tổng thể không gian ngầm. Do đó không nhất thiết phải có một nghiên cứu cục bộ trong tổng thể quy hoạch không gian ngầm của thành phố. Được biết, hiện nay UBND thành phố đang xem xét để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam về vấn đề này.

Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, không nên dừng nghiên cứu triển khai các bãi xe ngầm.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: TP. Hà Nội hiện chịu áp lực rất lớn về vấn đề giao thông, hệ thống hạ tầng giao thông kỹ thuật hiện nay còn nhiều yếu kém. Có thể thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiếm chưa đến 10% diện tích đất tự nhiên, trong khi đó đô thị lớn, tiêu chuẩn phải đạt 20 - 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông như quy hoạch đã đề ra.

Cho đến nay, bãi đỗ xe tĩnh là một vấn đề nan giải, thông thường phải có 3% diện tích đất tự nhiên dành cho bãi đỗ xe, thực tế ở Hà Nội mới chỉ có 0,3%. Do đó, nhiều bãi đỗ xe được quy hoạch, nhiều dự án đề ra từ hàng chục năm nay như bãi xe ngầm tại vườn hoa Hàng Đậu, bãi xe ngầm Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, bãi xe ngầm tại Nhà hát lớn… Đặc biệt, trong quy hoạch được Thủ tướng duyệt năm 2016, có đặt ra vấn đề quy hoạch bến bãi đỗ xe ngầm. Gần đây nhất, HĐND thành phố có thông qua Nghị quyết để phát triển, tạo thuận lợi cho các bãi xe ngầm. Tôi đánh giá đây là cơ chế chính sách đột phá của Hà Nội.

Tại Hà Nội, một con số đáng báo động là lượng xe máy lên đến gần 6 triệu xe cùng với hơn 60 vạn xe ô tô, tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,8%/năm về phương tiện vận tải, nghịch lý là hệ thống đường giao thông lại không tăng như mong muốn.

Phải khẳng định, xây dựng bãi đỗ xe ngầm là xu hướng tất yếu, phù hợp với điều kiện hiện nay của thành phố. Đây cũng là định hướng đúng đắn của Nhà nước trong vấn đề giải quyết bài toán giao thông tĩnh. Tuy nhiên, để dự án bãi xe ngầm hoạt động hiệu quả, cần đảm bảo các yếu tố như điều kiện địa chất thủy văn, nguồn lực kinh phí và kết nối không gian ngầm với không gian xung quanh.

Yếu tố quan trọng hơn cả là huy động nguồn lực khai thác không gian ngầm cũng như hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án với yếu tố cảnh quan cũng như kỹ thuật hiện đại.

Theo tôi, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nên nghiên cứu kỹ lưỡng, có thêm cơ chế chính sách đặc thù, chuyển các định hướng thành giải pháp cụ thể, không nên dừng các dự án bãi xe ngầm.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Chủng – Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng nhấn mạnh, chúng ta nên tìm ra các giải pháp để hiện thực hóa các bãi xe ngầm. Chú trọng vào ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Chỉ khi khai thác không gian ngầm thì mới giải quyết được bài toán giao thông tĩnh, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường…

Hiện nay, các nước trên thế giới đều tận dụng khai thác không gian ngầm tại các đô thị. Các nhà cao tầng, siêu cao tầng cũng xây dựng các tầng ngầm để tận dụng tối đa khoảng không. Không gian ngầm không chỉ giải quyết bài toán giao thông (tàu điện ngầm, thoát nước ngầm…) mà công trình ngầm còn tạo nên các trung tâm thương mại, siêu thị và giao thông tĩnh.

Đây là bước đi của đô thị lớn, không thể cưỡng lại được, nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố như đất đai, môi trường… và các vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy là vô cùng quan trọng.

Làm các công trình ngầm rất tốn kém, tuy nhiên đất thì không sinh ra nhưng người ngày càng nhiều lên, vì thế cần khai thác tối đa công trình ngầm. Vấn đề này đòi hỏi kinh phí lớn, công nghệ và độ an toàn cao – những thách thức đối với các chuyên gia, nhà quy hoạch… Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là vừa đảm bảo không gian xanh nhưng vẫn xây dựng công trình ngầm. Do đó, các trang bị kỹ thuật hiện đại phải được sử dụng.

Ở những nước hiện đại, hệ thống công cộng phát triển, xây dựng bãi xe rất lớn tại các cửa ngõ giao thông quan trọng – để xe tại bãi và sử dụng phương tiện công cộng. Hoặc có thể đặt các bãi xe tại những vùng xa trung tâm thành phố. Công trình tốn kém nguồn lực, nhất là nghiên cứu xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn, biện pháp kỹ thuật thi công.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ khi có Quy hoạch năm 2003, tính đến nay còn hàng chục dự án bãi đỗ xe nằm trên giấy. Cụ thể, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, các dự án bãi đỗ xe ngầm như: công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, Quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng)... đều chưa được khởi công. Hiện tại thành phố mới xây dựng được 9 bến xe khách, 10 bến xe tải, và khoảng 562 điểm trông giữ xe trên hè phố, lòng đường. Ước tính, diện tích các điểm, bãi đỗ xe tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của người dân.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top