Ngay từ thời xa xưa, con người đã chú ý đến không gian ngầm vì những lợi thế đặc thù của nó. Đó là các mật thất, lăng mộ nằm sâu trong lòng đất, vừa bảo đảm sự yên tĩnh, vừa tránh được sự nhòm ngó của những kẻ bất lương. Đó là các đường hầm, công sự, hầm ngầm… để vừa bảo đảm bí mật, vừa bảo đảm an toàn tránh mũi tên hòn đạn.
Xã hội càng phát triển, không gian ngầm càng trở nên quan trọng và dần trở thành xu hướng tất yếu, vì đất đai hữu hạn mà đô thị thì ngày càng phình ra và dân số, phương tiện giao thông ngày càng nhiều lên, tăng theo cấp số nhân. Hơn nữa, phát triển theo hướng ngầm hóa sẽ giảm được chiều cao của các đô thị, làm cho đô thị bớt bức bối, khang trang, văn minh và nhân văn hơn… Đặc biệt, ở các khu đô thị lõi, mật độ dân số cao và do lịch sử để lại, hầu như không còn đất để mở rộng giao thông hay phát triển các khu thương mại, không gian công cộng… thì không gian ngầm hầu như là lối thoát duy nhất.
Tuy nhiên, muốn phát triển đô thị ngầm thì quy hoạch phải đi trước một bước. Thực ra, không phải chỉ có không gian ngầm mà bất cứ đô thị nào trước khi hình thành cũng đều phải xây dựng quy hoạch trước. Nếu không sẽ tạo ra sự lộn xộn, bát nháo, phát triển vô tổ chức và cái trước cản trở cái sau, cái sau đá cái trước. Nhưng đối với không gian ngầm, quy hoạch càng trở nên đặc biệt quan trọng bởi quy hoạch ngầm không chỉ định hướng cho phát triển ngầm mà nó còn định hướng và liên quan chặt chẽ, đồng bộ đến phát triển đô thị nổi.
Nếu đã có quy hoạch ngầm, tất cả các công trình trên mặt đất sẽ phải tuân theo quy hoạch ấy, từ việc xây dựng dự án, thiết kế kỹ thuật đến cấp phép, làm sao để các công trình này không ảnh hưởng đến các công trình ngầm đã, đang và sẽ xây dựng. Quy hoạch ngầm còn quan trọng ở chỗ, xây dựng công trình ngầm rất tốn kém, tốn kém gấp nhiều lần trên mặt đất. Trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn hạn hẹp, không thể xây dựng đồng bộ cùng lúc thì quy hoạch ngầm sẽ định hình từng giai đoạn để lúc nào cũng có thể kết nối đồng bộ. Mặt khác, cũng do tính đặc thù, công trình ngầm không thể không thích thì đập bỏ làm lại như trên mặt đất, nên càng cần phải có quy hoạch để phát triển đồng bộ và bền vững.
Ngược lại, phát triển đô thị trong khi chưa có quy hoạch ngầm sẽ để lại những hệ lụy vô cùng tệ hại.
Chưa có quy hoạch ngầm, nhưng các công trình trên mặt đất và đô thị trên cao vẫn phải phát triển. Khi ấy, trong mối tương quan với không gian ngầm, những công trình trên mặt đất phát triển gần như là tự phát. Trong khi các công trình trên mặt đất và trên cao đều liên quan và chiếm chỗ trong không gian ngầm, thì việc xây dựng phần ngầm “vô tổ chức” ấy sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển chung không gian ngầm sau này. Không những bị ảnh hưởng, không gian ngầm thậm chí có khi không thể phát triển được nữa.
Hãy thử hình dung nếu có phép độn thổ chui sâu xuống lòng đất ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM hiện nay, chúng ta sẽ thấy tua tủa những cọc móng nhà cao ốc cắm sâu, thậm chí rất sâu xuống lòng đất như trận đồ bát quái. Như vậy, nếu bây giờ và sau này muốn xây dựng công trình ngầm, đặc biệt là đường ngầm, sẽ phải luồn lách để tránh tất cả các cọc móng ấy. Điều đó sẽ tạo ra sự chia cắt, ngăn cản sự kết nối, phá vỡ tính tổng thể của đô thị ngầm. Không những thế, một khi đô thị ngầm phải uốn lượn theo các công trình đã “trót xây” trên mặt đất sẽ không còn bảo đảm tính khoa học và sẽ rất tốn kém, thậm chí nhiều khi ở từng khu vực nhất định sẽ không thể phát triển đô thị ngầm được nữa.
Thông thường ở các nước phát triển, nếu là một thành phố mới hay khu đô thị mới, người ta còn xây dựng công trình ngầm trước hoặc song song với phát triển đô thị trên mặt đất. Trong đó ưu tiên đường cấp nước, thoát nước, các tuynel kỹ thuật để chạy cáp điện, viễn thông, cáp quang… và tiếp theo là các công trình giao thông rồi đến trung tâm thương mại hay khu vui chơi giải trí… Trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, chúng ta không thể cùng lúc phát triển đồng bộ các công trình nổi và ngầm. Nhưng nếu có quy hoạch ngầm thì ít nhất cũng xác định được việc phát triển các công trình ngầm sau này, từ đó định hướng quy hoạch và xây dựng các công trình nổi, tránh việc cản trở đến phát triển công trình ngầm sau này.
Thế nhưng đến nay, ở tất cả các đô thị của nước ta đều chưa có quy hoạch ngầm, kể cả hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Đầu năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy trình duyệt. Còn TP.HCM thì thậm chí còn chưa cả thấy động tĩnh gì.
Chưa có quy hoạch, nhưng cuộc sống không thể dừng lại và các đô thị vẫn phải phát triển. Thậm chí tốc độ đô thị hóa càng ngày càng cao. Trong khi các khu đô thị mới ngày càng phát triển theo chiều cao để tiết kiệm đất thì việc chậm quy hoạch không gian ngầm ngày nào sẽ càng hệ lụy đến phát triển đô thị ngầm sau này chừng nấy. Quy hoạch ngầm càng chậm, các công trình nổi càng phát triển và không biết đường nào để tránh, sẽ càng “giết chết” các công trình ngầm trong tương lai.
Vì vậy, việc cấp bách trong tiến trình đô thị hóa hiện nay là khẩn thiết phải xây dựng ngay quy hoạch ngầm, trước mắt là ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM. Thực ra, bây giờ mới đề cập đến việc xây dựng quy hoạch ngầm đã là quá muộn. Nhưng quy hoạch ngầm không trước thì sau vẫn phải xây dựng, nên muộn còn hơn không. Vì càng chậm càng chết. Chết theo đúng nghĩa của từ này. Bởi vì nếu để chậm chừng nào thì sau này càng không có chỗ để phát triển đô thị ngầm chừng ấy. Và không gian ngầm buộc phải “đánh võng” theo đô thị mặt đất, vừa tốn kém, vừa không khoa học, thậm chí không thể kết nối được với nhau.
Và đô thị ngầm sẽ vỡ trận.