Đất chật người đông
Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Theo Thứ tưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, tỷ lệ đô thị hóa trên cả nước vào năm 2018 đạt 38%, tăng 0,9% so với năm 2017. Vào năm 1990 khi các đô thị Việt Nam bắt đầu phát triển, lúc đó cả nước mới có khoảng 500 đô thị lớn nhỏ. Tuy nhiên tính đến tháng 4/2019, cả nước có 830 đô thị bao gồm 2 đô thị đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội; 19 đô thị loại I; 29 đô thị loại II; 45 đô thị loại III; 80 đô thị loại IV và 655 đô thị loại V.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu lên một thực trạng đáng báo động khi mỗi năm, một đô thị tăng khoảng 200.000 người, 5 năm tăng 1 triệu người tức là bằng một đô thị lớn của Việt Nam. Dân số khu vực nội đô rất cao, như 4 quận nội thành Hà Nội có 1,2 triệu dân.
Đô thị hóa nhanh dẫn đến tỷ lệ di dân từ nông thôn ra thành thị tăng cao. Mật độ dân số dày đặc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh… khiến không gian ngày càng trở nên chật chội, đồng thời tạo sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, làm chất lượng đô thị suy giảm, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, đầu tư hạ tầng chậm không theo kịp quá trình gia tăng dân số.
Trong bối cảnh "đất chật người đông", việc tận dụng và phát triển không gian ngầm được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu được các đô thị lớn trên thế giới lựa chọn, là điều tất yếu trong phát triển đô thị.
Theo PGS.TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng: “Không gian xây dựng ngầm đô thị là không gian dưới mặt đất được sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị bao gồm: công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật”. |
Tất yếu cần phát triển không gian ngầm
Trên thế giới, các đô thị lớn ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống công trình ngầm.
Như tại Nhật Bản, vốn có quỹ đất đô thị hạn hẹp, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong sử dụng không gian ngầm hợp lý với hệ thống tàu điện ngầm, khu mua sắm ngầm, cao tốc ngầm, phố đi bộ ngầm, hầm kỹ thuật chung, bể chứa nước và sông ngầm chống ngập...
Hay thành phố Montreal (Canada) có đô thị ngầm Reso với hệ thống đường ngầm dài 32km, kết nối khoảng 80% các khu văn phòng và 35% các khu thương mại ở trung tâm thành phố.
Trong thực tế triển khai, không gian ngầm đã bộc lộ được vai trò, tầm quan trọng của mình khi trở thành bộ phận không thể tách rời của đô thị, làm thay đổi thói quen di chuyển, sinh hoạt, mua sắm của người dân; giúp gia tăng diện tích cho giao thông, giải quyết vấn đề quá tải, ùn tắc; nâng cao hiệu quả sử dụng mặt đất, tăng diện tích các khu vực xanh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, việc ngầm hóa, bố trí các đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng, đường dây, cáp viễn thông, điện lực vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã làm giảm thiểu tình trạng đào đường và “mạng nhện” dây cáp.
Có thể thấy rằng, việc phát triển không gian ngầm là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, cải thiện sự thông thoáng cho đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Chưa được quan tâm đúng mức
Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển không gian ngầm nên từ khi Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội thông qua năm 2009, nội dung về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị đã được chú trọng. Trong đó, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị được xác định là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị.
Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng đã ban hành một loạt các nghị định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn liên quan đến phát triển không gian ngầm nhưng thực tế chưa được chính quyền các địa phương, đô thị quan tâm đúng mức và chủ yếu mới chỉ được lồng ghép vào đồ án quy hoạch chung của các đô thị loại đặc biệt và loại I.
Tại TP.HCM, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố, ưu tiên tập trung phát triển ở khu trung tâm vùng lõi 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Tại Hà Nội, Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới không gian xây dựng bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận nội thành TP. Hà Nội cũng đang được tiến hành lập.
Tuy nhiên các bản kế hoạch vẫn chưa được triển khai triệt để và không gian ngầm vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Hiện các công trình ngầm tại 2 thành phố lớn này chủ yếu mới được khai thác ở mức bãi đỗ xe ngầm tại các tòa nhà, hầm chui tại các nút giao thông trọng điểm, các trung tâm thương mại ngầm.
Theo bà Mai Thị Liên Hương, “việc xây dựng cơ sở dữ liệu về không gian xây dựng ngầm đô thị chưa được quan tâm; hiện tại chỉ có 18 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành quyết định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về không gian xây dựng công trình ngầm đô thị.
Hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình ngầm không đầy đủ, chưa thể hiện được tính kết nối, mối quan hệ giữa các công trình ngầm với nhau và giữa công trình ngầm với công trình trên mặt đất, dẫn đến khó khăn cho công tác lập quy hoạch”.
Cần có giải pháp đồng bộ, đột phá
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển không gian ngầm, các đô thị từ loại III trở lên trên cả nước, cần quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý không gian ngầm đô thị và có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm để phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Ở cấp Trung ương, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu và tham mưu giúp cấp có thẩm quyền để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị.
Trước mắt, cần sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết không gian ngầm, tập trung cơ sở dữ liệu các công trình ngầm hiện hữu nhằm có giải pháp điều chỉnh hệ thống không gian ngầm một cách khoa học, hợp lý và mang tính kết nối, tận dụng hết tiềm năng và phát huy hết hiệu quả không gian ngầm trong tương lai; có kế hoạch hợp lý tránh lặp lại “mạng nhện ngầm” như điện, nước, viễn thông như hiện nay.
Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Ví như, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh. Với loại không gian ngầm mang tính cấp bách như bãi đỗ xe ngầm, công trình đầu mối ngầm, hào kỹ thuật ngầm..., nên sớm có riêng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư.
Điểm mấu chốt là công tác quản lý nhà nước phải thể hiện trách nhiệm đến cùng trước những vấn đề của không gian ngầm hiện nay. Khi đã có quy hoạch cần tuân thủ chặt chẽ, không thể buông lỏng quản lý.