Aa

Chuyên gia nước ngoài: BĐS Việt Nam đang ở những trang đẹp nhất

Thứ Tư, 01/02/2017 - 06:30

Khu vực sản xuất bùng nổ; Quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ; Đổi mới trong những chính sách, quy định và sự cởi mở của Chính phủ... là những yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển trong năm tới.

BĐS Việt Nam đang ở giữa thời điểm vàng

Khoảng cuối năm 2016, hai tổ chức nghiên cứu thị trường nổi tiếng là ULI (Urban Land Institude – Viện nghiên cứu đất đai đô thị) và PWC (Pricewaterhouse Coopers – một trong 4 công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới) đã cho ra mắt bản báo cáo “Những xu hướng mới nổi trên thị trường BĐS khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2017”.

Sau quá trình lấy ý kiến, nhận định của nhiều chuyên gia BĐS quốc tế, bao gồm cả giới đầu tư, đại diện các đơn vị môi giới, công ty phát triển nhà đất, nhà tư vấn hay thậm chí là tổ chức cho vay..., bản báo cáo đã khẳng định: trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành lựa chọn của ngày càng nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường có mức sinh lời cao tại châu Á – Thái Bình Dương.

Ngay từ thời điểm hiện tại, có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp quốc tế đang chuyển hướng tầm nhìn sang thị trường BĐS Việt Nam. Nguyên nhân là bởi sự phát triển mạnh mẽ của khu vực sản xuất, nền kinh tế tăng trưởng và thu nhập người dân tăng cao.

Với những yếu tố đó, 2016 là năm “sức chảy” của dòng vốn ngoại đổ vào BĐS mãnh liệt hơn rất nhiều so với 2015, cùng sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Mỹ…

Nhìn nhận lạc quan, bà Sigrid Zialcita, Giám đốc điều hành của nhóm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Cushman & Wakefield, cho rằng việc các khu công nghiệp, sản xuất phát triển mạnh thời gian qua chính là yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt cho thị trường nhà đất Việt Nam trong tương lai.

Bên cạnh đó, “sức khỏe” của nền kinh tế được phục hồi và cải thiện cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, từ đó nâng cao thu nhập của người dân dẫn đến nhu cầu và sức chi tiêu mạnh, giúp thu hút một lượng vốn xuyên lục địa chảy vào ngành công nghiệp BĐS.

Dưới góc nhìn của bà Zialcita, câu chuyện tăng trưởng dài hạn của thị trường BĐS Việt Nam đang ở “những trang đẹp nhất” ở thời đại Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong bối cảnh đất nước “chuyển mình”, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố “đầu tàu”, trở thành môi trường kinh doanh thân thiện hơn với những quy định mới, cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ và hình thành các mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương.

“Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều cơ hội trên thị trường BĐS Việt Nam trong 15 năm tới, khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhờ sự phát triển sôi động của khu vực sản xuất. Và nếu Việt Nam biết tự làm nổi bật mình trước các nước hàng xóm láng giềng thì có thể tạo ra sự khác biệt”, bà Sigrid Zialcita khẳng định.

Khu vực sản xuất “bùng nổ” mang lại nhiều lợi ích cho thị trường BĐS

Phân tích về hiện tượng trên, ông Akihiko Iwatani, Quản lý cấp cao kiêm Trưởng đại diện Tập đoàn Haseko (Nhật Bản) tại Việt Nam nhận định: “Vài năm trở lại đây, Việt Nam đang trong thời kỳ bùng nổ các khu vực sản xuất. Không thể loại điều này ra khỏi những lý do khiến lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường BĐS có xu hướng tăng trong thời gian qua cũng như các năm tới”.

Theo ông Iwatani, sở dĩ có chuyện như vậy là bởi trước đây, rất nhiều doanh nghiệp ngoại, bao gồm cả Nhật Bản, đã “rót” một lượng vốn lớn vào Trung Quốc, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất do chi phí rẻ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các công ty này đã phải đi tìm kiếm một thị trường khác thích hợp, lành mạnh, chi phí rẻ hơn để hoạt động. Việt Nam, với ưu thế sở hữu nguồn nhân công giá rẻ có nền tảng, kỹ năng tương đối tốt, hệ thống chính trị ổn định và đặc biệt là có những bước tăng tiến vượt bậc trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đã trở thành đối tượng trong tầm ngắm của họ.

Chính việc khu vực sản xuất “bùng nổ” nhanh chóng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Cái lợi lớn nhất là nhu cầu về nhà, đất đô thị được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tính riêng trong năm 2016, thị trường này đã tăng 12% về sản lượng đầu tư so với 2015. Trong thời gian tới, khi tính minh bạch được cải thiện và tăng trưởng kinh tế được dự đoán đạt mức 6%, tương đương so với tỷ lệ tăng trưởng 2016, sẽ góp phần tạo thêm động lực phát triển hơn nữa cho lĩnh vực BĐS của Việt Nam.

Nhà ở và BĐS nghỉ dưỡng: Miếng bánh nhiều người xâu xé

Theo một báo cáo mới đây của Forbes, nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu về nhà ở và không gian nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang ở thời kỳ “vàng”. Thậm chí, TP. HCM còn được lựa chọn là thành phố đáng để đầu tư thứ 2 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có đến 71,4% các nhà đầu tư được hỏi đã trả lời rằng họ sẽ mua một căn hộ tại Việt Nam nếu có cơ hội.

Bên cạnh nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng cũng được đánh giá là sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang có những bước tăng trưởng nhanh chóng. Sản lượng kinh tế nhận được đến 13,9% từ những đóng góp của ngành du lịch, cao hơn so với mức 8,2% của Mỹ. Ngành công nghiệp du lịch ước tính đã tạo ra khoảng 2,25 triệu công ăn, việc làm cho người dân, tương đương với 4% lực lượng lao động của cả nước.

Nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn đang bày tỏ sự “thèm thuồng” với các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản và Singapore đang mở rộng hoạt động tại các thành phố lớn và các khu nghỉ mát để cùng chia sẻ “miếng ngon” với các công ty nội địa.

Phú Quốc, hòn đảo xinh đẹp nằm ở bờ biển phía Tây Nam của Việt Nam, gần đây nổi lên như một địa điểm du lịch hút khách. Nhiều người cho rằng, thị trường khách sạn nơi đây dường như đã bão hòa bởi sự phát triển mạnh mẽ của các khách sạn 5 sao vào năm 2015. Nhưng trong 2017, nguồn cung khách sạn tại đây được dự báo vẫn sẽ tăng lên mạnh mẽ với hàng loạt các dự án được “khai sinh”, như Crowne Plaza Hotel, Novotel Resort, Sonasea Villas and Resort, và Sunset Sanato Premium Complex... Đây là các dự án thuộc sở hữu của các thương hiệu quốc tế, như InterContintenal, J.W. Marriott, Accor và Starwood.

Ngoài ra, hai cái tên khác gồm Đà Nẵng và Nha Trang tiếp tục là những thị trường phát triển nhanh chóng về phân khúc khách sạn cao cấp nói riêng và BĐS nghỉ dưỡng nói chung không chỉ trong năm 2017 mà còn trong tương lai dài.

Ông Iwatani đưa ra dự đoán: “Không chỉ trong năm tới mà theo tôi, trong tương lai, các nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào thị trường BĐS Việt Nam vẫn sẽ có rất nhiều cơ hội để làm nên thành công. Chìa khóa cho việc đó nằm ở sự khác biệt. Chỉ bằng cách làm mình trở nên khác với tất cả mọi người thì mới có thể giành được chiến thắng trên thương trường đầy rẫy cạnh tranh. Và chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng đến để tạo nên sự khác biệt đó”.

Cũng theo ông Iwatani, các dự án căn hộ tầm trung và có vị trí tốt sẽ là phân khúc mà các nhà đầu tư nước ngoài hướng tới trên thị trường nhà ở Việt Nam trong tương lai. Mặc dù, đây là loại hình đã ghi dấu chân của rất nhiều các “tay chơi” ngoại nhưng vẫn khá an toàn và khả năng sinh lời cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top