Aa

Thị trường BĐS 2017: Việt Nam sẽ là điểm đến giàu tiềm năng của "đại gia" ngoại

Thứ Tư, 04/01/2017 - 06:01

Báo cáo mới nhất của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Vietnam) cho thấy, trong năm 2017, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm ngày một nhiều hơn các giá trị thông qua các giao dịch BĐS, nhất là tại các thành phố mới, các thị trường mới nổi, trong đó, Việt Nam là điểm đến giàu tiềm năng.

Thị trường phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững

JLL Việt Nam vừa đưa ra bản báo cáo về những xu hướng đầu tư BĐS đáng chú ý trên thị trường quốc tế năm 2016 và tác động của các xu hướng này đối với thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2017. 

Theo bản báo cáo, trong năm 2017, thị trường BĐS sẽ không có những cú bứt phá mang tính bước ngoặt, tốc độ như những năm trước, mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.

JLL Việt Nam cho biết, năm 2016, BĐS thế giới đã đón nhận hàng loạt nguồn vốn đầu tư, trong đó châu Á đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới, các quỹ đầu tư lớn, quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm Trung Quốc. Lượng vốn đáng kể từ những nhà đầu tư này sẽ tác động đến thị trường BĐS Việt Nam năm 2017 bằng những cách khác nhau. 

Theo dự báo của JLL Việt Nam, từ năm 2017 đến 2019, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội dự kiến sẽ có thêm hơn 385.000m2. Nguồn cầu cũng dự kiến tăng, trong đó nhu cầu về mặt bằng văn phòng lớn và hiện đại từ cả các khách thuê nội địa cũng như quốc tế được kỳ vọng trong thời gian tới. Giá thuê dự kiến tăng nhẹ do nguồn cầu dự kiến khả quan.

Theo báo cáo của JLL, trong năm 2017, thị trường BĐS sẽ không có những cú “bứt phá” mang tính bước ngoặt, tốc độ như những năm trước, mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.

Theo báo cáo của JLL, trong năm 2017, thị trường BĐS sẽ không có những cú “bứt phá” mang tính bước ngoặt, tốc độ như những năm trước, mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.

Đối với thị trường bán lẻ Hà Nội, JLL Việt Nam đánh giá việc một số nhà bán lẻ quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc mở rộng thị phần tại Việt Nam dự kiến sẽ tạo áp lực lên các nhà bán lẻ trong nước trong thời gian tới.

“Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục dõi theo khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Năm 2016, đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam tăng 12% so với 2015 và với những điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục gia tăng, thị trường minh bạch hơn và tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt khoảng 6% trong năm 2017”, ông Stuart Crow, Trưởng bộ phận Thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương của JLL Việt Nam dự báo.

Tăng trưởng đều ở nhiều phân khúc

Trong khuôn khổ Hội thảo Triển vọng thị trường BĐS 2017  - Tác động chính sách, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận nghiên cứu Công ty TNHH Savills Việt Nam - chi nhánh Hà Nội cho biết, năm 2016 tiếp nối bước chuyển của thị trường từ cuối năm 2015 tiếp tục ghi nhận hoạt động nổi bật của các phân khúc căn hộ nói chung, nhà ở thương mại giá rẻ nói riêng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.

Theo bà Hằng, các hoạt động mua bán, sáp nhập ở loại hình BĐS công nghiệp tiếp tục phát triển mở rộng. Loại hình nhà phố thương mại đang là dòng sản phẩm “mới nổi” thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các chủ đầu tư. Với khoảng 2,6 triệu công nhân trong các khu công nghiệp và tăng thêm khoảng 200.000 công nhân mỗi năm, 75% số lao động này là những người ở độ tuổi dưới 35, đây là một thị trường vô cùng tiềm năng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam nhận định, thị trường BĐS 2016 tiếp nối xu hướng tích cực của năm 2015, nhìn chung toàn thị trường phát triển tương đối ổn định, nguồn cung căn hộ mở bán và bán được tuy không cao như năm 2015 nhưng tăng trưởng đều qua các quý.

Tại Hà Nội, cho đến thời điểm quý IV/2016 có khoảng hơn 19.000 căn hộ bán ra thị trường, tập trung ở phân khúc trung và cao cấp (chiếm 81% lượng chào bán mới). Dự báo trong thời gian tới, xu hướng này tiếp tục duy trì cả về nguồn cung và nguồn cầu.

Bất động sản Việt Nam Bắt đầu chu kỳ phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Bất động sản Việt Nam Bắt đầu chu kỳ phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, du lịch cũng được các chuyên gia dự báo tăng trưởng bền vững trong tương lai. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và công nghệ Đại Việt (Đại Việt Group) cho biết, phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng năm 2016 chứng kiến mức độ quan tâm đột biến của thị trường, với thông tin được đăng tải liên quan đến phân khúc này tăng tới 75% (khoảng 10.000 lượt) so với năm 2015.

Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017, khi khách hàng được trải nghiệm thực tế chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp tại các dự án mới đi vào hoạt động cũng như khả năng sinh lời thực tế mà người sở hữu BĐS nghỉ dưỡng nhận được từ chủ đầu tư sau khi các dự án du lịch - nghỉ dưỡng lớn tại Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc đi vào vận hành trong nửa cuối năm 2016 và đầu năm 2017.

Về môi trường đầu tư, năm 2016, thị trường BĐS ghi nhận sự phát triển sôi động hơn nhờ yếu tố thể chế. Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu đối với BĐS, bao gồm cho thuê lại, thế chấp và thừa kế, áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức nước ngoài như quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty được xem là động lực phát triển cho lĩnh vực nhà ở, nhất là phân khúc cao cấp. Tín hiệu tích cực này cũng được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2017, góp phần tạo ra lực cầu to lớn.

Ngoài ra, chủ trương các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi sẽ tạo ra nhu cầu nhiều hơn với phân khúc nhà ở bình dân.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, năm 2017 có thể sẽ có 2 gói tín dụng ưu đãi cho người nghèo vay mua nhà. Không nghi ngờ gì nữa, những chính sách và chủ trương đó sẽ làm cho thị trường BĐS trở nên sôi động hơn.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top