Thông tin về việc Hà Nội cứ mưa to là ngập tại cuộc họp giao ban Thành ủy mới đây, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, với lượng mưa từ 50mm đến 100mm, kéo dài trong 2 giờ, Hà Nội sẽ có 15 điểm bị ngập úng. Lượng mưa càng lớn thì các điểm ngập úng sẽ nhiều hơn và mức độ ngập lớn hơn.
Theo lý giải của ông Mỹ, một trong những nguyên nhân gây ngập úng là do mật độ xây dựng của TP cao; ý thức một số người dân thấp, còn vứt rác bừa bãi, gây tắc nghẽn hệ thống cống, hố ga. Ngoài ra, các trạm bơm tiêu nước cho nội thành khi có mưa lớn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Hưng Thịnh Phát lại cho rằng, căn nguyên của tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội là do kết cấu hạ tầng khung của TP chưa hoàn chỉnh. Đồng thời, các cơ quan quản lý chưa kiểm soát chặt chẽ cốt nền.
Và theo phân tích của chuyên gia Lê Thị Dung - nguyên giảng viên Khoa Kỹ thuật môi trường (Cấp thoát nước) Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thì: "Việc thoát nước ở Hà Nội cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào các sông, mương nội tại của TP, từ đó xả ra sông. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mới chỉ được thiết kế phục vụ cho thoát nước thải sinh hoạt chứ chưa có hệ thống cống cỡ lớn để dẫn nước nhanh khi xảy ra mưa lớn..."
Được biết, thực trạng ngập lụt tại các khu đô thị diễn ra trong nhiều năm nay, thường xuyên và kéo dài mỗi khi mùa mưa đến.
Trước thực trạng trên, GS.TS.KTS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã có những chia sẻ cùng về nguyên nhân cũng như giải pháp cho vấn đề trên.
PV: Thưa ông, là một chuyên gia trong ngành kiến trúc sư, ông có thể phân tích sâu hơn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại các thành phố lớn như hiện nay?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Nguyên nhân ngập lụt ở Hà Nội, TP HCM cũng như các thành phố lớn khác trong thời gian gần đây, thực tế có nhiều nguyên nhân khác nhau, thuộc về yếu tố khí hậu và phi khí hậu.
Liên quan đến yếu tố khí hậu là có bão ở lưu vực, chiều cường dâng cao, mưa lớn triền miên tại các khu vực đô thị,… đã dẫn tới tình trạng ngập trên diện rộng; yếu tố phi khí hậu là những cái liên quan đến lưu vực, liên quan đến đô thị như: phá rừng bữa bãi, hồ chứa nước không tương xứng, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng. Đặc biệt, tại các đô thị lớn chúng ta thấy diện tích mặt nước, mặt ao hồ ngày càng bị thu hẹp trong khi mặt phủ hay nói cách khác là tốc độ bê tông hóa thì ngày lại ngày càng nhiều,…
Chính vì những nguyên nhân trên nên việc đầu tư không theo kịp quá trình đô thị hóa cũng như các điều kiện về kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo đủ yêu cầu; trạm bơm xuống cấp, các giải pháp công trình chưa đảm bảo hiệu quả ví dụ như quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ cho đến biến động về địa hình, lún,…
Có thể nói trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập lụt như vừa kể trên, như vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề con người, hạ tầng kỹ thuật, quá trình đô thị hóa,… thì hai yếu tố được cho là quan trọng hơn cả, đó là quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, trong khi các giải pháp về mặt hạ tầng lại không đáp ứng được. Chính vì quá trình đô thị hóa nhanh sẽ dẫn tới tình trạng mặt nước bị thu hẹp, bộ phận tiêu thoát tự nhiên không còn nhiều, thay vào đó là đường nhựa, là bê tông – không thể thẩm thấu và thoát nước được.
PV:Có ý kiến cho rằng nguyên nhân ngập là do lỗi của quy hoạch, mật độ xây dựng quá dày đặc. Ông nhận xét gì về ý kiến trên?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Liên quan chuyện quy hoạch, tôi cho rằng có mấy vấn đề, đó là tại một số khu vực việc quy hoạch sử dụng đất của các dự án chưa phù hợp, chưa tính đến yếu tố biến đổi khí hậu nên khi các dự án được hoàn chỉnh thì những rủi ro liên quan đến ngập lụt tăng lên rất nhiều; thứ 2 là quy hoạch cao trong khi độ nền chưa đồng bộ; thứ 3 là quy hoạch hạ tầng chưa tốt.
Tại sao tình trạng ngập chủ yếu diễn ra ở các khu đô thị mới được hình thành như, các khu đô thị khu Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Đại Lộ Thăng Long, Lê Văn Lương,… thưa ông?
Chúng ta thấy tại các khu vực đó mật độ xây dựng tăng lên rất nhiều trong khi hạ tầng của chúng ta không đáp ứng được, cùng với đó đồng nghĩa các hệ thống thoát nước ban đầu đã bị san lấp,… nên dẫn tới tình trạng ngập lụt diễn ra nhiều hơn, lâu hơn.
PV: Vậy theo ông thành phố cần có giải pháp gì để cải thiện tình trạng trên?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu: Cùng một lúc chúng ta cần kết hợp rất nhiều giải pháp, bao gồm giải pháp làm giảm tác động, giải pháp giảm thiệt hại, giải pháp làm giảm nhẹ nguy cơ,…đều nằm trong nhóm giải pháp quy hoạch. Ngoài ra, chúng ta cần cả các giải pháp công trình và phi công trình mà tổng thể thì chúng ta phải có tầm nhìn quy hoạch về lâu dài chứ không phải trước mắt, đó là chúng ta phải có biện pháp bảo vệ nhiều lớp tại đô thị, giải quyết tốt các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, tiêu thoát nước trong từng khu vực để từ đó đấu nối, kết hợp trên tổng thể hệ thống của thành phố.
Chúng ta cũng cần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi gây tắc nghẽn các hệ thống tiêu thoát nước.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý trong việc điều chỉnh lại các quy hoạch. Thành phố cần xem xét lại các vấn đề cấp phép đầu tư xây dựng mới, cần phải tính toán đảm bảo cho các bước tiếp theo của nó. Ví dụ: tại một dự án xây mới sẽ có thêm 5.000 dân thì tương ứng với nó là hệ thống cấp – thoát nước, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội đã phù hợp và có đáp ứng đồng bộ hay chưa, thậm chí phải tăng thêm nguồn lực để phục vụ các công việc liên quan lĩnh vực môi trường như nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp thoát nước để đảm bảo hoạt động tốt hơn; bổ sung thêm hạ tầng mới,…
Để giải quyết việc này, tôi cho rằng có khá nhiều việc mà chính quyền đô thị cần quan tâm và thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!